Câu hỏi 22: Trong thời gian thụ lý vụ án ly hôn hay trong giai đoạn đang xét xử, vợ hay chồng là nguyên đơn có được quyền thay đổi, bổ sung hay rút lại một phần yêu cầu khởi kiện không?

Luật Tố tụng dân sự trao quyền tự định đoạt cho các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự và ưu tiên cho các chủ thể tự do thỏa thuận giải quyết với điều kiện những thỏa thuận đó không vi phạm các quy định của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự là quan hệ tự nguyện, theo ý chí và mong muốn của các bên trong giao dịch.

Theo Điều 5.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội. Do vậy, về mặt nguyên tắc, vợ hoặc chồng đều có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ly hôn.

Có ba mốc thời gian để nguyên đơn có thể thực hiện quyền thay đổi, bổ sung, rút lại một phần yêu cầu khởi kiện của mình.

  • Thứ nhất, trước thời điểm mở phiên tòa sơ thẩm. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ quy định về quyền này của nguyên đơn mà không quy định cụ thể về mốc thời gian để nguyên đơn được thực hiện ở giai đoạn này.

Đứng trước tình hình đó, Tòa án Nhân dân tối cao đã có Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC nhằm giải đáp các vấn đề nghiệp vụ của Tòa án ở các địa phương, tại mục 7, phần IV quy định: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.

Như vậy, trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ tiến hành tổ chức phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa án sẽ chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc này được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp này mà không ràng buộc việc bổ sung, thay đổi này có vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu hay không. Trong trường hợp yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện được nguyên đơn đưa ra tại phiên họp hoặc sau phiên họp này, Tòa án sẽ xem xét liệu rằng việc thay đổi, bổ sung yêu cầu cầu khởi kiện có vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu hay không. Và Tòa án chỉ chấp nhận khi việc thay đổi yêu cầu không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 244.1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

  • Thứ hai, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, theo thủ tục thì Thẩm phán sẽ hỏi các bên về việc có thay đổi, bổ sung, rút lại một phần hoặc toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện không[1]. Khi đó, nếu nguyên đơn thực hiện một trong các quyền này, Hội đồng xét xử sẽ xem xét và chỉ chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc đối với rút một phần, toàn bộ yêu cầu khởi kiện nếu việc rút này là tự nguyện.
  • Thứ ba, tại phiên tòa phúc thẩm, Luật Tố tụng dân sự chỉ cho phép nguyên đơn được quyền rút đơn khởi kiện nếu được sự đồng ý của bị đơn[3]. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì cho đến giai đoạn phúc thẩm các đương sự có thể xem như là đã trải qua một thời gian tố tụng khá dài, một mặt được quyền tự mình quyết định về các yêu cầu của mình thì mặt còn lại cũng không được quyền can thiệp quá nhiều vào quyền lợi của các đương sự khác. Điều này được đặt ra nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Ngoài ra, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, bị đơn cũng được quyền bày tỏ ý kiến đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn[4].

[1] Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Phạm Thị Thúy, “Quyền của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn”, Tạp chí Tòa án Nhân dân ngày 05/9/2018, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyen-cua-bi-don-doi-voi-viec-rut-don-khoi-kien-cua-nguyen-don.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.