Câu hỏi 26: Trong những trường hợp nào thì dù vợ chồng đều thuận tình ly hôn nhưng Tòa án không công nhận sự thuận tình ly hôn của họ? Tại sao như vậy?

Về mặt bản chất, thuận tình ly hôn là việc vợ chồng cùng đồng ý ly hôn và cùng ký tên vào đơn yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn. Nếu vợ chồng đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung; phân công việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái; đồng thời bảo đảm được quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án sẽ công nhận việc thuận tình ly hôn[1]. Như vậy, căn cứ để Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn, bên cạnh sự “thật sự tự nguyện” của vợ chồng, nội dung của thỏa thuận thuận tình ly hôn còn phải đáp ứng đủ các điều kiện ở trên.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp dù cả vợ chồng đều đồng thuận ly hôn nhưng Tòa án vẫn không công nhận sự thuận tình ly hôn đó. Trong đó, có thể kể đến các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất, khi xét thấy đời sống hôn nhân của các đương sự chưa thực sự lâm vào tình trạng trầm trọng, còn có cơ hội để hàn gắn, tiếp tục duy trì đời sống hôn nhân thì Tòa án sẽ không công nhận việc thuận tình ly hôn. Đây có thể được xem là kết quả hòa giải thành ở giai đoạn hòa giải – giai đoạn mà các Thẩm phán phải thực hiện đối với tất cả các vụ việc giải quyết ly hôn. Đánh giá của Tòa án sẽ căn cứ vào các vấn đề có liên quan đến mối quan hệ vợ chồng cũng như tình trạng hôn nhân hiện tại của họ, cụ thể như sau[3]:

  • Có hành vi bạo lực từ chồng, sự chịu đựng của người vợ hoặc ngược lại không;
  • Trong đời sống hôn nhân của mỗi bên có nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ bên còn lại không;
  • Mỗi bên cả vợ và chồng có thể hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của mình, tôn trọng đối phương bao gồm cả đời sống đức tin của mỗi bên không; và
  • Một số đánh giá khác của Tòa án mà có liên quan đến tình trạng đời sống hôn nhân hiện tại của các bên.
  • Trường hợp thứ hai, các bên không chứng minh được yêu cầu của mình đáp ứng đủ các điều kiện để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Cụ thể, theo quy định tại Điều 396.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, kèm theo đơn yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn, các bên còn phải gửi các tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là có căn cứ và hợp pháp. Nếu các bên không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh theo yêu cầu của Tòa án, Tòa án có thể từ chối thụ lý giải quyết hoặc ra quyết định không công nhận việc thuận tình ly hôn, trong trường hợp việc yêu cầu đã được Tòa án thụ lý.
  • Trường hợp thứ ba, khi Tòa án phát hiện việc ly hôn này là giả tạo[5] để nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ về tài sản với các bên thứ ba có liên quan. Chẳng hạn, trong trường hợp người vợ hoặc chồng vay hoặc mượn nợ bên thứ ba, số nợ này có thể là nghĩa vụ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, vợ chồng đã thỏa thuận giả tạo việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận chia tất cả tài sản cho người vợ hoặc chồng còn lại không đứng tên trong các hợp đồng vay hoặc mượn tiền. Hay trong trường hợp vi phạm luật về dân số, ví dụ trong trường hợp đảng viên cố tình sinh con thứ ba, thứ tư[6] nên thực hiện việc ly hôn giả tạo để không bị xử lý kỷ luật, tiếp tục chức vụ, v.v.. Ở những trường hợp này, ngoài việc bị Tòa án từ chối đơn ly hôn, các đương sự còn có thể bị xử lý hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[7].

Trên đây là các trường hợp mà vợ, chồng không được Tòa án công nhận cho ly hôn mặc dù về mặt hình thức, các bên có thể hiện ý chí tự nguyện thỏa thuận ly hôn. Bởi vì trong quá trình xem xét công nhận việc thuận tình ly hôn, ngoài việc cân nhắc các chứng cứ trên giấy tờ, ý chí của các bên, Tòa án còn phải cân nhắc đến bản chất thực sự của các thỏa thuận, cũng như tính đúng đắn của thỏa thuận thuận tình ly hôn. Việc thuận tình ly hôn chỉ được công nhận khi các bên thật sự tự nguyện và những thỏa thuận của họ đạt được trên tinh thần thiện chí, không nhằm trốn tránh bất cứ nghĩa vụ nào với Nhà nước và các bên thứ ba hoặc không nhằm đạt được một mục đích khác trái quy định của pháp luật.


[1] Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Điều 397.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Mục 1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007; Điều 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP.

[5] Điều 3.15 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[6] Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm.

[7] Điều 48.2 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.35 Nghị định 67/2015/NĐ-CP.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.