Câu hỏi 29: Trong phiên tòa xét xử vụ án ly hôn, nếu vợ hay chồng là bị đơn được Tòa án triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có quyền vẫn tiến hành xét xử vụ án mà không cần sự có mặt của người vắng mặt không? Nếu bị đơn có đơn xin xử vắng mặt thì Tòa án có được quyền tiếp tục tiến hành xét xử vụ án không?

Vụ án ly hôn được pháp luật xem như một vụ án dân sự nên khi thực hiện các thủ tục xét xử vụ án ly hôn sẽ phải tuân theo các quy định của Luật Tố tụng dân sự. Khi đương sự được triệu tập hợp lệ tới phiên tòa lần thứ nhất mà vắng mặt dù có hay không có lý do, phiên tòa sẽ được hoãn. Tuy nhiên, nếu đương sự được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì hậu quả sẽ hoàn toàn khác.

Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, trong phiên tòa xét xử vụ án ly hôn, khi Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa. Nếu các đương sự vắng mặt thì Tòa án sẽ xử lý bằng một trong các cách thức sau:

  • Nếu đương sự vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì đương sự có thể đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Chẳng hạn, bị đơn không thể có mặt vì động đất làm sạt lở hoàn toàn con đường độc đạo tới Tòa án. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho đương sự không thể có mặt tại phiên tòa, chẳng hạn như bị tai nạn, ốm đau đến mức không đủ khả năng nhận thức để tham gia phiên tòa. Lúc này, bị đơn có quyền đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa lần hai và nếu xem xét thấy yêu cầu của bị đơn là hợp lý thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa;
  • Trong trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án mà không cần sự có mặt của bị đơn tại phiên tòa. Lúc này, Tòa án vẫn xem xét đầy đủ yêu cầu của bị đơn trong vụ án;
  • Nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bị đơn được Tòa án triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và bị đơn không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án xử lý như sau:

Bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn;

Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện của bị đơn tham gia phiên tòa thì bị xem là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật[1].

Như vậy, nếu bị đơn được triệu tập đến lần thứ hai mà không có mặt hay không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử được theo đúng quy định như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù bị đơn bị xét xử vắng mặt nhưng bị đơn vẫn được quyền kháng cáo. Thời hạn kháng cáo của bị đơn đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự nào không có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo (15 ngày) sẽ được tính từ ngày bản án được giao cho đương sự hoặc được niêm yết[3].


[1] Điều 227.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.