Theo quy định của pháp luật, trong quá trình giải quyết vụ án nói chung thì các bên, người đại diện hợp pháp của các bên hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án[1] đều có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời[2]. Vì vậy, đối với vụ án ly hôn thì vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vợ hoặc chồng còn lại. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của vợ hoặc chồng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được của các bên trong quá trình tham gia tố tụng, đồng thời đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và việc thi hành án của cơ quan tố tụng.
Ngoài ra, trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng được áp dụng. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về các trường hợp được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan trong vụ án ly hôn thì:
- Trong trường hợp vợ chồng đã ly thân, các con chung đang do một trong hai bên chăm sóc, nuôi dưỡng, tuy nhiên vợ hoặc chồng đang trực tiếp nuôi dưỡng có những hành vi bạo hành, không chăm sóc nuôi dưỡng, bỏ mặc không quan tâm chăm sóc con, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và học tập của con, thì vợ hoặc chồng còn lại có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để có thể trực tiếp chăm sóc con trong quá trình giải quyết vụ án, bảo vệ sự phát triển bình thường của con;
- Xét thấy việc không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ hay chồng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của những người được cấp dưỡng (chẳng hạn như con cái);
- Đối với những tài sản chung của vợ chồng đang tranh chấp, nếu trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng nhận thấy bên còn lại có một trong các hành vi sau đây:
Tẩu tán, hủy hoại tài sản;
Chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác;
Tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm;
Làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
- Vợ hoặc chồng có tiền gửi hoặc tài sản gửi trong ngân hàng, nhưng tài sản đó được thỏa thuận là tài sản đảm bảo cho một nghĩa vụ tài chính với người thứ ba, thì người thứ ba có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là phong tỏa tài sản của người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ; và
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người vợ hoặc chồng bị bạo hành, nhằm đảm bảo tính mạng sức khỏe của người vợ hoặc chồng bị bạo hành, thì theo yêu cầu của người vợ hoặc chồng bị bạo hành có thể áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình.
[1] Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[2] Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.