Câu hỏi 37. NSDLĐ có thể xây dựng tiêu chí đánh giá riêng cho hai loại công việc bao gồm các công việc có tính chất định lượng (ví dụ như các vị trí bán hàng, tiếp thị…) và các công việc có tính chất định tính (ví dụ như kế toán, thư ký, hành chính…) không? Nếu có thể được thì sự tách biệt như thế nào sẽ được xem là phù hợp với quy định của pháp luật lao động?

Nhìn ở góc độ pháp lý mà nói, BLLĐ chỉ quy định chung rằng NSDLĐ phải ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ trong quy chế của doanh nghiệp sau khi có ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với những nơi nào đã có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, nhưng lại không có hướng dẫn một cách chi tiết cách xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ như thế nào. Do đó, tùy thuộc vào đặc thù hoạt động kinh doanh, lực lượng lao động, trình độ lao động, hoàn cảnh cụ thể của từng doanh nghiệp mà NSDLĐ sẽ tự xây dựng và ban hành quy chế đánh giá cho phù hợp. Vì vậy, NSDLĐ cũng có quyền tự đặt ra những nguyên tắc riêng khi xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của những NLĐ làm các công việc có tính chất khác nhau.  

Trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng có nhiều phòng, ban, bộ phận với các chức năng và công việc khác nhau. Việc xây dựng một tiêu chí đánh giá chung cho tất cả các loại công việc là điều không khả thi và bất hợp lý. Vì vậy, NSDLĐ thường có xu hướng xây dựng tiêu chí đánh giá tách biệt giữa: (i) nhóm công việc được đánh giá hiệu suất dựa trên sản phẩm hoặc kết quả cụ thể như các vị trí bán hàng, tiếp thị, sản xuất; và (ii) nhóm công việc mà không thể đánh giá hiệu suất dựa trên sản phẩm hoặc kết quả cụ thể như kế toán, thư ký, hành chính. Theo đó, việc đánh giá các công việc mang tính định lượng và định tính như trên sẽ có thể xây dựng theo các tiêu chí sau đây:

  • Đối với các công việc được đánh giá hiệu suất dựa trên sản phẩm hoặc kết quả cụ thể:

Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPIs) và các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của NLĐ sẽ phụ thuộc vào tính chất của mỗi công việc. Ví dụ, đối với Phòng kinh doanh:

– Doanh số/Lượng sản phẩm bán ra/Chỉ số tăng trưởng doanh thu;

– Tỷ lệ khách hàng trong khu vực, phạm vi khu vực phụ trách/Tốc độ mở rộng thị trường, khách hàng; và

– Kỹ năng quan hệ khách hàng.

  • Đối với các công việc mà không thể đánh giá hiệu suất dựa trên sản phẩm hoặc kết quả cụ thể:

Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPIs) và các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của NLĐ có thể phụ thuộc vào các yêu cầu công việc và mức độ hoàn thành công việc dựa trên thang điểm. Ví dụ, đối với nhân viên phòng pháp chế:

– Kiến thức pháp luật/Kinh nghiệm thực tế

– Khả năng giải quyết vấn đề; và

– Khả năng đáp ứng khối lượng công việc.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các yêu cầu và chỉ số đánh giá xác định mức độ hoàn thành công việc của NLĐ tại quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp phải có tính khả thi, hợp lý và không trái với quy định của pháp luật để đảm bảo tính hiệu lực pháp luật của quy chế đó.