Câu hỏi 42: Khi nào thì vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Thư ký Tòa án được phân công xét xử vụ án? Nếu có yêu cầu thay đổi thì vợ hoặc chồng sẽ nộp yêu cầu cho ai?

Quyền yêu cầu Tòa án thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Thư ký Tòa án của vợ hoặc chồng

Quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng là một trong những quyền cơ bản của hai bên vợ, chồng để bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ án ly hôn. Trên thực tế, có không ít các trường hợp những người tiến hành tố tụng chẳng hạn như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Thư ký Tòa án là những người thân thích hoặc có quan hệ gần gũi với một bên vợ hoặc chồng. Lúc này, rất khó để đảm bảo rằng họ sẽ tham gia việc giải quyết vụ án ly hôn một cách công tâm và chính trực, và rất có thể sẽ xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của bên vợ, chồng còn lại. Do đó, pháp luật đã quy định rõ là trong các trường hợp này thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án phải từ chối khi được phân công giải quyết vụ án ly hôn. Nếu họ không từ chối, đương sự có quyền yêu cầu thay đổi những người tham gia tố tụng này[1], nhằm giúp đương sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo quy định, đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Thư ký Tòa án trong các trường hợp sau:

  1. Các trường hợp chung mà có thể thay đổi người tiến hành tố tụng (trong những trường hợp này, đương sự đều có thể yêu cầu thay đổi bất kỳ người tiến hành tố tụng nào):
  • Người tiến hành tố tụng đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự. Chẳng hạn, Thẩm phán là bác ruột của người chồng trong vụ án ly hôn thì người vợ có quyền yêu cầu thay đổi Thẩm phán này; và
  • Người tiến hành tố tụng đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó. Chẳng hạn, thư ký phiên tòa phúc thẩm đã tham gia làm chứng trong vụ án ly hôn tại phiên tòa sơ thẩm thì đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Thư ký này;
  • Có căn cứ pháp lý rõ ràng cho rằng những người tiến hành tố tụng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ[3]. Có căn cứ rõ ràng để cho rằng người tiến hành tố tụng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được nêu ở trên, có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định rằng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ khi họ có mối quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế, v.v., với đương sự. Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của nguyên đơn; Thẩm phán là con rể của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Thủ trưởng cơ quan nơi vợ của Thẩm phán làm việc, v.v., mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế[4].

2. Ngoài các trường hợp được nêu ở trên, Luật Tố tụng dân sự còn quy định rõ các trường hợp cụ thể khác đối với việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án, cụ thể:

Các trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân:

  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cùng nằm trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được quyền tiến hành tố tụng. Chẳng hạn, Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân là hai anh em ruột thì đương sự có quyền yêu cầu thay đổi một người trong số họ;
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã từng tham gia giải quyết vụ án đó, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Chẳng hạn, Thẩm phán đã giải quyết vụ án ly hôn tại giai đoạn sơ thẩm nhưng bản án sơ thẩm bị Tòa phúc thẩm hủy phải tổ chức xét xử lại. Trong trường hợp này, Thẩm phán trên nếu được phân công xét xử lần hai thì đương sự có quyền yêu cầu thay đổi người này; và
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên[7].
  • Các trường hợp thay đổi Thư ký Tòa án:
  • Thư ký Tòa án đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; và
  • Thư ký Tòa án là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ án ly hôn đó.

Do vậy, khi có đủ căn cứ để yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, một bên vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Thư ký Tòa án được phân công xét xử để đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn của mình.

Nếu có yêu cầu thay đổi thì vợ hoặc chồng sẽ nộp cho ai?

Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng ở trên phải được lập thành văn bản hoặc ghi vào biên bản tại phiên tòa. Yêu cầu này sẽ được vợ hoặc chồng nộp cho người có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng theo quy định sau:

  1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án do Chánh án Tòa án quyết định. Nếu Thẩm phán bị đề nghị thay đổi là Chánh án thì sẽ do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định. Ví dụ: Thẩm phán là Chánh án Tòa án Nhân dân cấp huyện thì sẽ do Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh quyết định[9]; và
  2. Tại phiên tòa thì thẩm quyền thay đổi thuộc về Hội đồng xét xử. Trong thủ tục khai mạc phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng xem họ có yêu cầu thay đổi ai không. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận (trong trường hợp không chấp nhận thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do). Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản[11].

[1] Điều 70.14 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Điều 13.3 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP.

[7] Điều 53 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 235 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.