Câu hỏi 45: Trong vụ án ly hôn tại Tòa án, một trong hai bên vợ chồng có được quyền ủy quyền cho luật sư của họ hay một cá nhân hay pháp nhân nào khác đại diện theo ủy quyền của vợ chồng không? Tại sao?

Theo quy định của pháp luật, trong quá trình xét xử vụ án ly hôn tại Tòa án, một trong hai bên vợ, chồng có thể ủy quyền cho luật sư của mình, một cá nhân hay pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền của vợ chồng để thực hiện một số công việc nhất định có liên quan. Như đã chia sẻ ở phần trả lời của các câu hỏi trước, trong vụ án ly hôn, có ba vấn đề mà các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết, đó là yêu cầu về hôn nhân, yêu cầu về phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu về con chung, cấp dưỡng.

Đối với vấn đề này, Điều 85.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.”

Tuy nhiên, để hiểu thế nào là “việc ly hôn” nhằm áp dụng phạm vi ủy quyền thì còn nhiều cách hiểu khác nhau[1].

Quan điểm thứ nhất, trong vụ án ly hôn, chỉ cần không phải là các quyền về nhân thân trong hôn nhân[3] (yêu cầu ly hôn, nuôi con chung, cấp dưỡng) thì các đương sự sẽ được quyền ủy quyền. Bởi lẽ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho một người nào khác được[4]. Do đó, về mặt nguyên tắc, trong quá trình xét xử vụ án ly hôn tại Tòa án, cả hai bên vợ, chồng đều không được ủy quyền cho người khác thay mặt họ tham gia tố tụng mà phải tự thân họ thực hiện quyền này. Như vậy, quyền yêu cầu chia tài sản hoàn toàn được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Quan điểm thứ hai, trong một vụ án ly hôn thường gồm 03 yêu cầu như đã đề cập. Bên cạnh đó, điều luật cũng chỉ nói chung chung là việc ly hôn nên vẫn có thể hiểu rằng việc yêu cầu chia tài sản thuộc phạm vi của việc ly hôn nên cả 03 yêu cầu này đều không được ủy quyền cho người khác.

Cùng là một vấn đề nhưng cách giải quyết của các Tòa án lại khác nhau, và cần có một văn bản hướng dẫn của Tóa án Nhân dân tối cao chi tiết đối với vấn đề này để thống nhất thực hiện. Theo quan điểm của các tác giả thì nghiêng về hướng giải quyết thứ nhất. Về yêu cầu nuôi con chung, cấp dưỡng thì không thể bàn cãi gì nhiều về việc có được ủy quyền hay không do tính chất đặc biệt của quyền nhân thân. Tuy nhiên, đối với yêu cầu chia tài sản, sẽ rất bất cập nếu không thể giải quyết theo hướng được nhận ủy quyền đại diện tham gia tố tụng. Bởi lẽ, nếu yêu cầu này không phát sinh vào thời điểm ly hôn và được vợ hoặc chồng khởi kiện bằng một vụ án khác thì lại được ủy quyền bởi không nằm trong việc ly hôn của vụ án trước, như vậy, sẽ xảy ra bất cập là cũng cùng chung một vấn đề, cùng chung một bản chất nhưng cách giải quyết lại khác nhau. Do đó, nếu một trong các đương sự thật sự muốn ủy quyền cho luật sư để đại diện giải quyết về vấn đề tài sản thì họ hoàn toàn có thể yêu cầu luật sư bằng việc đưa vào một vụ án phân chia tài sản khác. Và trên thực tế, hầu như các Tòa án đều giải quyết theo hướng này.

Ngoài hai luồng quan điểm phổ biến được nêu ở trên, cụm từ “việc ly hôn” còn gây tranh cãi trong việc xác định đây chỉ là việc ly hôn chứ không phải là vụ án ly hôn.Nếu hiểu theo cách này thì luật chỉ cấm ủy quyền trong trường hợp là việc ly hôn còn vụ án ly hôn thì luật không đề cập đến.

Bên cạnh đó, hai bên vợ, chồng có thể ủy quyền cho luật sư hoặc một tổ chức, cá nhân khác đại diện cho họ đến nộp đơn yêu cầu ly hôn và thực hiện các thủ tục có liên quan khác chẳng hạn như bổ sung hồ sơ, đóng tạm ứng án phí, v.v., cho đến khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án ly hôn.

Như vậy, quyền của các đương sự có được ủy quyền cho người khác đại diện cho đương sự tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn hay không sẽ được xác định phụ thuộc vào nội dung của việc ủy quyền. Theo đó, đương sự chỉ được ủy quyền cho người khác nộp đơn khởi kiện và tham gia tố tụng có liên quan đến yêu cầu chia tài sản mà không được ủy quyền cho người khác đại diện cho đương sự tham gia tố tụng đối với yêu cầu ly hôn, chia con chung và cấp dưỡng bởi đây là quyền gắn liền với nhân thân như đã được phân tích ở trên.


[1] Trần Thị Thúy, “Ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn được hiểu như thế nào?”,Trao đổi nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hải Phòng, 09/08/2017, http://www.haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Organization=tttgpl&MenuID=8039&ContentID=124171.

[3] Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015.

[4] Điều 25.1, Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.