Câu hỏi 46. Trong các lý do để tái cơ cấu làm cơ sở cho NSDLĐ có thể chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì lý do nào dễ gây rủi ro pháp lý nhất cho NSDLĐ?

  1. Chấm dứt HĐLĐ do “tái cơ cấu” là thuật ngữ thương mại thường được sử dụng thay cho khái niệm pháp lý về việc chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc vì lý do kinh tế. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, trong phạm vi Quyển sách này, thuật ngữ “tái cơ cấu” được sử dụng thay thế cho cụm từ “do thay đổi cơ cấu, công nghệ, hoặc vì lý do kinh tế”.

Theo Điều 42 BLLĐ, các căn cứ pháp lý cho việc tái cơ cấu bao gồm:

  • Thay đổi cơ cấu, công nghệ, trong 03 trường hợp sau đây:

– Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

– Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm; và

– Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ.

  • Vì lý do kinh tế, được hiểu là:

– Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; hoặc

– Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

2. Trên thực tế, đã có một số vụ việc doanh nghiệp không thực sự có tái cơ cấu nhưng vẫn lấy lý do này để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Các ví dụ sau đây cho thấy các lý do mà có thể không được xem là hợp lý:

  • Việc tái cơ cấu trong doanh nghiệp như là hệ quả của việc tái cấu trúc toàn cầu theo chiều dọc của tập đoàn dẫn đến sự dôi dư NLĐ của công ty con tại Việt Nam mà trên thực tế không có sự dôi dư đó; 
  • Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện một dự án đầu tư nào đó và vì một lý do nào đó mà dự án đầu tư đó buộc phải chấm dứt trước thời hạn dẫn đến việc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự dành cho dự án đó;
  • Doanh nghiệp tái cấu trúc lao động do việc thay đổi các quy định của pháp luật có liên quan, ví dụ như hạn ngạch ô tô nhập khẩu giảm theo quyết định của Chính phủ dẫn đến việc một số lượng NLĐ có liên quan đến việc bán xe trong công ty kinh doanh xe không còn cần thiết nữa và bị dôi dư;
  • Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự do sử dụng NLĐ từ các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động. Xin lưu ý là quy định của BLLĐ không cho phép doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động của bên thứ ba để thay thế cho NLĐ bị cho thôi việc do tái cơ cấu[146]; hoặc 
  • Doanh nghiệp muốn cho thôi việc những NLĐ nào mà thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ hoặc NLĐ có một số hành vi vi phạm NQLĐ của doanh nghiệp nhưng NSDLĐ không có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật lao động để xử lý KLLĐ dưới hình thức sa thải.

[146] Điều 53.3 (c) BLLĐ