- Trong vụ án ly hôn thì quy định của pháp luật có bắt buộc mỗi bên phải có luật sư bảo vệ quyền lợi không?
Việc thuê luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong vụ án ly hôn là quyền của vợ, chồng hoặc những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đương sự có thể thực hiện quyền này hoặc không, tùy thuộc vào điều kiện, mục đích và mong muốn của từng người trong vụ án. Do đó, không nhất thiết trong một vụ án ly hôn, mỗi bên bắt buộc phải có luật sư. Thực tế, vai trò của luật sư trong vụ án ly hôn chính là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc là người đại diện theo ủy quyền trong một số trường hợp nhất định.
Trong thực tiễn, các bên thường và nên thuê luật sư, bởi luật sư là những người nắm vững kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình và kinh nghiệm về tố tụng dân sự, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật với công việc chính của họ là trợ giúp nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất của khách hàng tại phiên tòa. Việc hỗ trợ khách hàng trong hoạt động tố tụng không chỉ yêu cầu luật sư phải vững vàng về kiến thức pháp lý, mà còn đòi hỏi ở họ rất nhiều kỹ năng khác ví dụ như khả năng làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp với các cơ quan tố tụng của Nhà nước, kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư duy phân tích pháp lý cũng như phương tiện, cách thức đảm bảo thi hành án và các yếu tố khác để hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
2. Các bên có thể thuê nhiều luật sư bảo vệ cho mình cùng một vụ án ly hôn không
Pháp luật không giới hạn số lượng luật sư mà một bên trong vụ án ly hôn thuê. Do đó, tùy vào điều kiện tài chính, mức độ phức tạp của vụ án ly hôn và yêu cầu, mục đích của đương sự, vợ và chồng đều có quyền thuê một hoặc nhiều luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại phiên toà. Thông thường, trong một vụ án ly hôn, mỗi bên chỉ thuê một luật sư là đủ, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để tránh những mâu thuẫn, chồng chéo giữa quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của các luật sư khác nhau trong trường hợp thuê nhiều luật sư cùng một lúc. Tuy nhiên, trong những vụ án ly hôn phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn và có liên quan đến nhiều vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thì các bên có thể cân nhắc thuê nhiều luật sư cùng một lúc vì mỗi luật sư sẽ có những thế mạnh nghiệp vụ riêng của mình cho từng vấn đề trong vụ án và như vậy thì có thể bổ trợ cho nhau khi cần thiết.
3. Luật sư được quyền tham gia vào vụ án từ khi nào?
Khác với quy định của Luật Tố tụng hình sự, quy định của Luật Tố tụng dân sự không quy định luật sư được tham gia vụ án từ giai đoạn nào. Do đó, về mặt nguyên tắc, một bên có thể thuê luật sư ở bất kỳ giai đoạn nào của vụ án ly hôn, có thể là từ trước khi bắt đầu vụ án bằng việc yêu cầu luật sư hỗ trợ tư vấn ban đầu cho đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc hoặc tái thẩm, thậm chí là đến cả ở giai đoạn thi hành án. Việc thuê luật sư cũng không bắt buộc phải xuyên suốt từ đầu đến cuối, và cũng không có giới hạn về việc trong một vụ án ly hôn phải giữ nguyên luật sư đã chọn. Trên thực tế, việc luật sư tham gia vào giai đoạn nào của vụ án ly hôn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của đương sự và theo sự thỏa thuận giữa đương sự với luật sư. Ví dụ, giai đoạn xét xử sơ thẩm đương sự không thuê luật sư, nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm thì thấy cần thiết và lại có yêu cầu thuê luật sư. Hoặc trong giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm thì không thuê luật sư, nhưng ở giai đoạn giám đốc, tái thẩm thì lại có yêu cầu. Hoặc ở giai đoạn sơ thẩm thì thuê luật sư này nhưng đến giai đoạn phúc thẩm thì lại thuê luật sư kia.
4. Nếu phần luận cứ bảo vệ của các luật sư cho cùng một bên lại khác nhau thì Tòa án sẽ ghi nhận ý kiến của luật sư nào?
Về mặt nguyên tắc, luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
và ý kiến của luật sư là nhằm thay mặt đương sự nói lên ý kiến và nguyện vọng của
mình trên cơ sở đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có liên quan trong vụ án với các quy định của pháp luật có liên quan.
Đương sự có quyền bổ sung ý kiến của mình đối với phần luận cứ bảo vệ của luật
sư và thậm chí nếu thấy nội dung luận cứ của luật sư không bảo vệ được quyền và
lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án bác nội dung bảo
vệ đó. Về phía Tòa án, khi xét thấy những vấn đề mà các luật sư bảo vệ cho
đương sự trình bày có mâu thuẫn với nhau, Tòa án sẽ không ghi nhận ngay ý kiến
của luật sư nào mà tiến hành thủ tục hỏi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan và chính các luật sư đã trình bày ý kiến để làm rõ sự thật
khách quan của vụ án hay không để từ đó quyết định sẽ xem xét đến luận cứ của
luật sư nào[1].
[1] Điều 249, 250, 251, 252 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.