Câu hỏi 5: Vợ hoặc chồng muốn nộp đơn xin ly hôn kèm theo các tài liệu chứng minh thì có thể nộp đơn qua đường bưu điện không hay phải tự mình đến trụ sở của Tòa án có thẩm quyền để nộp? Nếu nộp qua đường bưu điện thì làm sao để biết là Tòa án đồng ý thụ lý vụ án và ngày thụ lý sẽ là ngày nào?

  1. Nộp đơn xin ly hôn qua đường bưu điện

Trong nhiều trường hợp, khoảng cách địa lý giữa Tòa án có thẩm quyền và chỗ ở hiện tại của vợ hoặc chồng ít nhiều gây khó khăn cho vợ hoặc chồng trong việc trực tiếp đi nộp đơn xin ly hôn. Khắc phục bất cập này, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã điều chỉnh quy định về hình thức gửi đơn khởi kiện thông qua dịch vụ bưu chính[1]. Theo đó, vợ hoặc chồng đều có quyền gửi đơn xin ly hôn thông qua dịch vụ bưu chính. Sau khi Tòa án nhận được đơn xin ly hôn cùng với các tài liệu kèm theo thì trong thời hạn hai ngày làm việc, Tòa án sẽ gửi thông báo nhận đơn cho người gửi theo địa chỉ người gửi đã đề cập trong đơn khởi kiện. Ngày nhận đơn sẽ được tính dựa trên một trong ba căn cứ sau[2]:

  • Ngày được ghi trên con dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi;
  • Trong trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày nguyên đơn gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; và
  • Nguyên đơn phải chứng minh ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trong trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

2. Thông báo thụ lý vụ án

Trong trường hợp đơn xin ly hôn hợp lệ, có đầy đủ tài liệu và đúng thẩm quyền của Tòa án, tính từ ngày Tòa án ra thông báo nhận đơn, trong thời hạn 08 ngày làm việc[5], Tòa án sẽ xem xét đơn và ra thông báo thụ lý. Tuy nhiên, do thông báo thụ lý được gửi qua đường bưu điện dựa trên địa chỉ người gửi, thời gian thực tế có thể dài hơn 08 ngày so với luật định tùy thuộc vào tổ chức dịch vụ bưu chính. Trong trường hợp Tòa án không thụ lý đơn xin ly hôn, Tòa án vẫn phải thông báo cho người gửi đơn biết một trong các lý do Tòa án không thụ lý đơn. Tuy nhiên, trên thực tế  thì việc nguyên đơn gửi hồ sơ thông qua đường bưu chính, thường gặp những khó khăn sau đây:

  • Đối với hồ sơ ly hôn, kèm theo đơn khởi kiện (đối với trường hợp đơn phương ly hôn), đơn xin công nhận thuận tình ly hôn (đối với trường hợp thuận tình ly hôn) bắt buộc là Giấy chứng nhận kết hôn bản chính và những tài liệu khác. Dịch vụ bưu chính không kiểm tra thành phần bưu phẩm mà nguyên đơn gửi, trong quá trình vận chuyển có thể xảy ra những sự cố làm thất lạc hồ sơ hoặc không đến được địa chỉ Tòa án có thẩm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tâm lý lo sợ, e dè của nguyên đơn khi chọn hình thức nộp hồ sơ thông qua đường bưu chính;
  • Thêm vào đó, thời gian giải quyết hồ sơ xin ly hôn được gửi qua đường bưu chính cũng dài hơn so với thời gian giải quyết được nộp trực tiếp. Khi nộp trực tiếp, cán bộ nhận đơn sẽ xem xét thành phần hồ sơ, hình thức, nội dung đơn đã hợp lệ hay chưa và phản hồi ngay cho nguyên đơn để nguyên đơn chỉnh sửa, nếu các lỗi sai nhỏ có thể sửa trực tiếp ngay tại phòng nhận đơn, sau đó cán bộ nhận đơn sẽ soạn ngay một biên nhận nhận đơn trong đó có hẹn ngày trả kết quả. Quy trình đối với hồ sơ được gửi qua đường bưu chính sẽ dài, phức tạp hơn và không có thời gian cụ thể. Về nguyên tắc, khi nhận được hồ sơ được giao từ nhân viên bưu chính, bộ phận văn thư sẽ ký nhận và mang hồ sơ về văn phòng để phân loại ra hồ sơ khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, khiếu nại, v.v.. Sau khi phân loại hồ sơ sẽ được chuyển cho Phòng tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra về nội dung, thành phần hồ sơ, hình thức đơn. Nếu trong trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi về địa chỉ của nguyên đơn, thời gian nhận được không thể xác định chính xác được mà tùy thuộc vào tốc độ xử lý hồ sơ của Tòa án và bưu chính, có nhiều trường hợp nguyên đơn không nhận được biên nhận. Trong trường hợp nếu hồ sơ cần sửa đổi hay bổ sung, Tòa án sẽ gửi thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện về địa chỉ của nguyên đơn, nguyên đơn  phải sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án và quy trình lại tiếp tục phải được lặp lại, gây mất thời gian, kéo dài vụ án, đặc biệt trong những trường hợp tình trạng hôn nhân căng thẳng, không thể kéo dài thêm mà có thể gây khó khăn, bất tiện cho cuộc sống của nguyên đơn.

[1] Điều 190.1.(b) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 190.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 191.2 và Điều 191.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.