Câu hỏi 56: Theo quyết định ly hôn của Tòa án thì vợ hoặc chồng sẽ chịu trách nhiệm trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung và người còn lại sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu người còn lại không chịu cấp dưỡng thì người kia phải làm gì để buộc người còn lại đó tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định ly hôn của Tòa án?

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là việc một người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình không thực hiện việc cấp dưỡng đối với những người mà họ có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, trong khi họ có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.

Căn cứ vào bản án hoặc quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nếu bên vợ hoặc chồng có nghĩa vụ phải thực hiện nhưng không thực hiện thì bên vợ hoặc chồng còn lại được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 45 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ có thời hạn 10 ngày để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Hết thời hạn này, nếu cha hoặc mẹ có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Sự can thiệp của cơ quan Nhà nước trong trường hợp này là cấp thiết, buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trên thực tế, việc thi hành án về cấp dưỡng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp có đủ điều kiện thi hành nhưng vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng lại không chịu tự nguyện thực hiện. Có những trường hợp cơ quan thi hành án không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế bởi thực tiễn thi hành án về cấp dưỡng đa số là loại việc thi hành theo giai đoạn (tức áp dụng phương thức cấp dưỡng là định kỳ), số tiền cấp dưỡng đôi khi chỉ là vài triệu đồng/tháng/một người là rất ít so với giá trị tài sản kê biên. Do vậy, cơ quan thi hành án thường gặp nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định là dùng các tài sản lớn chẳng hạn như nhà, xe, đất, v.v., của người phải thi hành án để khấu trừ hết một lần số tiền phải thi hành án, như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức mới có thể kết thúc một vụ thi hành án về cấp dưỡng cho con[1].

Bên cạnh các giải pháp dân sự mềm mỏng nêu trên, pháp luật còn có các biện pháp răn đe tương đối nghiêm khắc để buộc vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc từ chối, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng[3]. Mặt khác, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 380 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội không chấp hành án, người phải thi hành án dù bản thân có điều kiện nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc cấp dưỡng mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù lên đến 05 năm tù giam và bị phạt tiền với mức cao nhất là 50 triệu đồng. Đặc biệt, trong trường hợp vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính do từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm[4].


[1]Thành Công, “Án cấp dưỡng thường bị kéo dài, vì sao?”, Trang Thông tin Tổng cục Thi hành án Dân sự tỉnh Tuyên Quang

[3] Điều 54.2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

[4] Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1.37 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2017.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.