Câu hỏi 57: Nếu vợ hoặc chồng là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng lại không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng và người kia có đơn đề nghị cơ quan thi hành án yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của người đó thì cơ quan thi hành án có quyền truy thu khoản phải cấp dưỡng cho khoảng thời gian mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không? Có được quyền tính lãi cho số tiền cấp dưỡng chưa được trả không? Nếu được tính lãi thì lãi suất nào sẽ được áp dụng trong trường hợp này?

Theo quy định của pháp luật, việc cấp dưỡng được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần. Trong quá trình thực hiện, vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền thỏa thuận với người vợ hoặc chồng còn lại hoặc yêu cầu Tòa án thay đổi phương thức cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng[1].

Khi có quyết định, bản án của Tòa án xác định người cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung sau khi ly hôn thì quyết định, bản án về cấp dưỡng đó được thi hành ngay[3]. Nếu vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì căn cứ theo Luật Thi hành án dân sự, vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con và người nhận cấp dưỡng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn đó. Thời hiệu yêu cầu thi hành là 05 năm kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn[4]. Khoản tiền cấp dưỡng mà vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng chưa thực hiện sẽ được cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành và chuyển lại cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con và nhận cấp dưỡng.

Trên thực tế, khi vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh việc cấp dưỡng và vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con chung gặp khó khăn về tài chính, lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì nuôi con thì họ được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án truy thu đối với các khoản cấp dưỡng chưa được thực hiện. Tuy nhiên, việc truy thu sẽ rất khó khăn trong trường hợp vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng không hợp tác, cố tình né tránh, lẩn trốn, tẩu tán tài sản, còn cơ quan thi hành án thì không có nhiều thời gian và nguồn lực để truy đòi. Thêm vào đó, cơ quan thi hành án cũng có thể e dè trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Số tiền cấp dưỡng thường chỉ vào khoảng vài trăm nghìn đồng đến vài triệu trên một tháng, rất nhỏ so với tài sản có giá trị lớn chẳng hạn như: nhà ở, quyền sử dụng đất, để khấu trừ một lần số tiền phải thi hành án mà chỉ có thể kê biên các tài sản chẳng hạn như: xe máy, ti vi, tủ lạnh, v.v., để khấu trừ một giai đoạn trong nghĩa vụ cấp dưỡng. Thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản cũng phức tạp, phải tuân thủ quy trình luật định cũng gây khó khăn cho việc truy thu các khoản phải cấp dưỡng.

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên lãi chậm thi hành án thì khi thu được tiền, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành thanh toán số tiền được tuyên trong bản án, quyết định trước, sau đó mới thanh toán đến tiền lãi suất chậm thi hành án tương ứng với khoảng thời gian chưa thi hành án, trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, do cấp dưỡng là một trường hợp khá đặc biệt, đối với vấn đề lãi suất chậm trả trong trường hợp này trên thực tế tồn tại hai luồng quan điểm sau:

  • Quan điểm thứ nhất, hiện tại Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định về lãi suất đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ mà thay vào đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền[7]. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả[8]. Vậy theo đó, trong trường hợp khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà bên vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bên vợ hoặc chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, và lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định không vượt quá 20%/năm[9]; và
  • Quan điểm thứ hai, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền tại Điều 357 mà không có quy định nào khác về việc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cho nên việc buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm trả với mức lãi suất tại Điều 468.1 của Bộ luật Dân sự 2015 là không hợp lý.

Các tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, về mặt bản chất, nghĩa vụ trả tiền theo Điều 357 của Bộ luật Dân sự 2015 là nghĩa vụ dân sự thuần túy áp dụng cho các giao dịch dân sự, cụ thể là nghĩa vụ của bên mua trong các hợp đồng mua bán tài sản, bên thuê tài sản, bên sử dụng dịch vụ trong các hợp đồng dịch vụ. Nghĩa vụ trả tiền là loại nghĩa vụ có thể bù trừ[13]. Trong khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng là loại nghĩa vụ không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác được và không thể chuyển giao cho người khác[14]. Đây là nghĩa vụ đóng góp của cha, mẹ không sống chung với con chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con sau khi cha mẹ ly hôn, không phải là khoản tiền để thuê, mướn người khác nuôi con cho mình[15]. Chính vì thế, luật quy định mức cấp dưỡng còn có thể điều chỉnh tùy vào thu nhập của vợ hoặc chồng cấp dưỡng và hoàn cảnh sống, giai đoạn phát triển của con[16]. Hơn nữa, nếu vợ hoặc chồng cấp dưỡng gặp khó khăn về tài chính trong một giai đoạn nhất định nào đó dẫn đến việc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì việc tính lãi trong trường hợp này là hoàn toàn không hợp lý, không đúng với bản chất của cấp dưỡng, không thể hiện được bản chất của mối quan hệ gia đình mà nó gần hơn với bản chất của giao dịch dân sự thuần túy mà ở đó mọi quyền lợi, nghĩa vụ đều phải rõ ràng đến từng con số. Do đó, hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng của người có nghĩa vụ chỉ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm khắc hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi này.


[1] Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 482.2.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Điều 30.1 Luật Thi hành án dân sự 2008.

[7] Điều 351.1 Bộ luật Dân sự 2015.

[8] Điều 357.1 Bộ luật Dân sự 2015.

[9] Điều 357.2, Điều 468.1 Bộ luật Dân sự 2015.

[13] Điều 378.3 Bộ luật Dân sự 2015.

[14] Điều 107.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[15] Điều 3.24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[16] Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.