Câu hỏi 7: Trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được cấp ở nơi mà vợ hoặc chồng thường trú hoặc tạm trú nhưng sau đó vợ chồng lại cư trú ở một nơi khác thì việc ly hôn sẽ phải được thực hiện tại Tòa án ở đâu?

Hiện nay, việc ly hôn được thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây: (i) Thuận tình ly hôn – là trường hợp cả hai vợ chồng cùng đồng ý ly hôn, đã thỏa thuận với nhau về tất cả các vấn đề có liên quan đến tài sản cũng như con chung và chỉ yêu cầu Tòa án công nhận sự thuận tình ly hôn của họ; hoặc (ii) Ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn – là việc một bên vợ, chồng tiến hành khởi kiện vụ án ly hôn. Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết hòa giải, vụ việc ly hôn không phụ thuộc vào nơi vợ chồng đăng ký kết hôn mà căn cứ vào các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án các cấp và thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.

Về thẩm quyền của Tòa án các cấp: Tòa án Nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với các tranh chấp, yêu cầu ly hôn được quy định chi tiết tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015[1]. Riêng đối với những tranh chấp, yêu cầu ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp huyện; trừ trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam [2].

Tòa án Nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sở thẩm những tranh chấp, yêu cầu về ly hôn đối với những tranh chấp, yêu cầu ly hôn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp huyện.

Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

  • Trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bị đơn cư trú (là nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú), làm việc[4]. Ví dụ, vợ chồng đăng ký kết hôn tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện vợ đang đăng ký tạm trú tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh còn chồng đăng ký tạm trú tại Quận 5 thì vợ có thể khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Quận 5 là nơi chồng đang cư trú (nếu hôn nhân không có yếu tố nước ngoài);
  • Vợ chồng có thể thỏa thuận bằng văn bản để khởi kiện tại Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn trong vụ án ly hôn[6]. Chẳng hạn như đối với ví dụ ở trên, vợ chồng có thể thỏa thuận bằng văn bản giải quyết ly hôn tại Tòa án Nhân dân Quận 5; và
  • Khi vợ chồng thuận tình ly hôn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi một trong hai bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc[8]. Chẳng hạn trong ví dụ ở trên, Tòa án có thẩm quyền có thể là Tòa án Nhân dân huyện Nhà Bè hoặc Tòa án Nhân dân Quận 5.

Ngoài ra, vợ hoặc chồng khởi kiện vụ án ly hôn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết ly hôn. Cụ thể, trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết[10].

Như vậy, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn không phụ thuộc vào nơi cấp giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng, mà căn cứ vào nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) của các bên theo phân tích ở trên.


[1] Điều 35.1, Điều 35.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Điều 39.1.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[6] Điều 39.1(b) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[8] Điều 39.2(h) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[10] Điều 40.1.(a) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.