Theo nguyên tắc chung, tài sản nào là bất động sản được xác lập quyền sở hữu hợp pháp trước khi kết hôn được xem là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Nếu trong quá trình trước và trong thời kỳ hôn nhân không có bất kỳ sự thay đổi nào ảnh hưởng đến quyền sở hữu riêng này thì mặc nhiên sau khi ly hôn, tài sản vốn thuộc sở hữu của ai cũng sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, nếu bất động sản là nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng và đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng đó. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[1]. Quy định này thể hiện tình nghĩa của vợ chồng kể cả sau khi ly hôn và đồng thời thể hiện tính nhân đạo trong việc tạo nơi cư trú cho vợ hoặc chồng còn đang gặp khó khăn, có đủ thời gian và điều kiện để chồng hoặc vợ có thể tìm được một chỗ ở khác phù hợp với hoàn cảnh mới.
Ngược lại, nếu có sự tác động của cả hai vợ chồng đến quyền sở hữu tài sản thì bất động sản riêng của vợ hoặc chồng đó có thể được xem là tài sản chung của vợ chồng, cụ thể như sau:
- Trước thời kỳ hôn nhân, vợ hoặc chồng có xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật và trong văn bản đó có thỏa thuận bất động sản là tài sản chung của vợ chồng bằng một thỏa thuận theo đó mọi tài sản được hình thành trước và trong thời kỳ hôn nhân đều được xem là tài sản chung của vợ chồng;
- Trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng của vợ hoặc chồng sẽ được nhập chung vào khối tài sản chung của vợ chồng theo sự thỏa thuận của vợ chồng. Khi đó, vợ và chồng phải thỏa thuận bằng văn bản về các tài sản của vợ chồng, và do đây là bất động sản nên về mặt hình thức văn bản này phải được công chứng, chứng thực tại một tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền.
Khi xảy ra một trong hai trường hợp được nêu ở trên, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được khi ly hôn và nếu có yêu cầu, Tòa án sẽ chia tài sản theo nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Hiện nay, trên thực tế có một vấn đề gây rất nhiều tranh luận đó là trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng riêng của vợ hoặc chồng nhưng được cả hai vợ chồng đầu tư, xây dựng them trong thời kỳ hôn nhân thì có trở thành tài sản chung của vợ chồng không[3]? Nhiều người cho rằng nếu một tài sản đã là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì không thể có việc chuyển hóa tài sản đó từ tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng nếu không có sự thỏa thuận của vợ chồng. Đối lập với quan điểm này là một quan điểm khác cho rằng tài sản hiện tại đã gia tăng giá trị rất nhiều so với trước đây nhờ vào công sức chung của cả hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên việc xem đây là tài sản riêng sẽ không hợp lý.
Mặc dù có những quan điểm trái chiều như đã nêu ở trên, cũng không quá khó khăn để xác định tài sản chung của vợ chồng trên cơ sở phân loại tài sản là vật theo Bộ luật Dân sự. Một vật không tiêu hao, tức là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà về mặt cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu[5] thì do tính chất của nó, vật đó không thể nào chuyển hóa thành tài sản chung của vợ chồng được. Nếu vật không tiêu hao lại được sửa chữa, bảo dưỡng, tu bổ, cải tạo và vẫn giữ được giá trị, hoặc gia tăng giá trị, lúc này mới xét đến việc giá trị gia tăng này phát sinh là do từ tài sản riêng của vợ, chồng hay từ tài sản chung của vợ chồng vì tài sản lúc này đã không còn là vật ban đầu nữa. Hoặc giả dụ như một vật có những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí, là tài sản riêng của vợ, chồng được đưa vào quản lý, sử dụng chung của hai vợ chồng. Qua thời gian, giá trị vật được tăng lên dù không có sự chủ động phát triển của cả hai vợ chồng. Khi ly hôn, dù vật này có tăng giá trị nhưng vẫn được xem là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì hợp lý hơn vì bản chất vật đặc định của nó, vẫn là vật từ trước khi kết hôn. Tuy nhiên, nếu vật đó được bán để thu tiền, thì số tiền lúc này (đã gia tăng số lượng) nên phải được xem là tài sản chung của vợ chồng có tính đến công sức đóng góp của vợ, chồng.
Đứng trước tranh luận được nêu ở trên, Hiệp hội Công chứng Việt Nam đã đề ra giải pháp như sau: trong quá trình đưa vào quản lý, sử dụng chung, giá trị tài sản đã được nâng lên, khi đó nếu chủ sở hữu của tài sản là vợ hoặc chồng có thể chứng minh được việc tôn tạo tài sản này dựa trên tài sản riêng của người đó và không có sự đóng góp của người vợ hoặc chồng còn lại thì mặc nhiên người vợ hoặc chồng đó được quyền định đoạt độc lập đối với tài sản này; và ngược lại, nếu người vợ hoặc chồng đó không chứng minh được thì theo nguyên tắc suy đoán của luật, giá trị để phát triển tài sản là từ tài sản, đóng góp của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, vì vậy khi thực hiện giao dịch đối với loại tài sản này, cần có sự đồng ý của vợ và chồng, mặc dù đây vẫn là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.
[1] Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[3] Hoàng Yến, “Vướng mắc trong việc xác lập tài sản chung của vợ chồng”, báo Cần Thơ – Chuyên mục: Xã hội – Pháp luật, https://baocantho.com.vn/vuong-mac-trong-viec-xac-lap-tai-san-chung-cua-vo-chong-a111748.html.
[5] Điều 112.2 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.