Khi Tòa án Việt Nam không thể tự xác minh được chủ sở hữu đối với các tài sản là các bất động sản hay động sản có đăng ký quyền sở hữu ở nước ngoài, Tòa án Việt Nam có thể lựa chọn giải pháp tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp. Ủy thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật của quốc gia có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[1]. Trong trường hợp này, yêu cầu tương trợ tư pháp là yêu cầu xác định chủ sở hữu của các tài sản là bất động sản hay động sản ở quốc gia mà yêu cầu tương trợ tư pháp được gửi tới.
Thông thường, những vụ việc dân sự mà cần tiến hành ủy thác tư pháp là những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo quy định của pháp luật, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây[3]:
- Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; hoặc
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài (đối tượng của quan hệ dân sự trong trường hợp câu hỏi này chính là bất động sản hay động sản có đăng ký quyền sở hữu ở nước ngoài).
Việc Tòa án Việt Nam ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài phải được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan lãnh sự hoặc đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau nhận được văn bản ủy thác tư pháp, sẽ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhận văn bản ủy thác của Tòa án Việt Nam. Sau khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài xác minh xong theo yêu cầu tương trợ tư pháp của Tòa án Việt Nam, cơ quan này sẽ chuyển kết quả về cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Tòa án Việt Nam sẽ nhận kết quả này từ cơ quan có thẩm quyền đó.
Chi phí thực hiện việc ủy thác tư pháp bao gồm phí, lệ phí và các chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia thực hiện ủy thác tư pháp. Chi phí này sẽ do nguyên đơn hoặc người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc các đương sự khác có liên quan trong vụ án ly hôn đóng tạm ứng khi yêu cầu của họ làm phát sinh việc ủy thác tư pháp [5].
Nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp của các bên trong vụ án ly hôn được xác định theo các nguyên tắc sau đây[7]:
Nguyên tắc thứ nhất, Tòa án ưu tiên và công nhận sự thỏa thuận của các bên về nghĩa vụ chịu chi phí ủy thác tư pháp;
Nguyên tắc thứ hai, trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận hoặc không đạt được sự thỏa thuận về nghĩa vụ chịu chi phí này thì nguyên đơn là bên phải chịu chi phí ủy thác tư pháp, mặc dù yêu cầu của họ có được chấp nhận hay không. Ngoại trừ các trường hợp sau đây:
- Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì mỗi bên phải chịu chi phí ủy thác tư pháp tương ứng với phần tài sản mình được chia; và
- Trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn thì mỗi bên phải chịu một nửa chi phí ủy thác tư pháp.
Thời hạn thực hiện việc ủy thác tư pháp được xác định căn cứ theo pháp luật của quốc gia thực hiện ủy thác tư pháp và/hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia thực hiện việc ủy thác tư pháp cùng ký kết và tham gia.
[1] Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp 2007.
[3] Điều 663.2 Bộ luật Dân sự 2015.
[5] Điều 152 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[7] Điều 153 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.