Câu hỏi 89: Chứng cứ có liên quan đến vụ án ly hôn bao gồm những gì?

Theo quy định của pháp luật, không có quy định cụ thể nào về chứng cứ có liên quan tới ly hôn mà chỉ có quy định về nguồn chứng cứ và điều kiện để được xác định là chứng cứ. Do đó, chứng cứ liên quan đến vụ án ly hôn cũng sẽ được áp dụng theo những quy định đó. Hiện pháp luật phân loại chứng cứ dựa trên nguồn chứng cứ. Nguồn chứng cứ được hiểu một cách đơn giản là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức là chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, có liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Đối với mỗi loại nguồn chứng cứ, pháp luật có những quy định riêng để những tài liệu, thông tin lấy từ nguồn đó được xem là chứng cứ. Các loại nguồn chứng cứ và điều kiện để được xem là chứng cứ được xác định như sau[1]:

Thứ nhất: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử

Tài liệu đọc được ví dụ như giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tài liệu đọc được được xem là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Chẳng hạn, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng được nộp cho Tòa án phải là bản chính hoặc bản sao từ bản chính có chứng thực hợp pháp. Nếu vợ chồng chỉ nộp bản sao không có chứng thực thì Tòa án có thể sẽ không chấp nhận.

Tài liệu nghe được, nhìn được ví dụ như hình chụp, băng thu âm, băng thu hình. Tài liệu này được xem là chứng cứ nếu có văn bản trình bày về xuất xứ của tài liệu này. Chẳng hạn, vợ đưa ra một đoạn băng quay cảnh chồng quan hệ bất chính với người khác thì vợ phải có văn bản trình bày về xuất xứ của đoạn băng này, như việc quay được ở đâu, trong hoàn cảnh nào.

Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. Chẳng hạn, các thư điện tử có nội dung thể hiện sự trao đổi giữa chồng với người khác phái cho thấy chồng đang cho người này vay một số tiền nào đó.

Thứ hai: Vật chứng

Vật chứng là hiện vật liên quan đến vụ án ly hôn và có giá trị chứng minh nhất định đối với vụ án. Vật chứng để được coi là chứng cứ thì phải là hiện vật gốc, không phải là bản sao. Chẳng hạn, vợ chồng có một bức tranh cổ rất có giá trị và có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là bức tranh này. Bức tranh này chỉ được coi là chứng cứ nếu là bức tranh gốc, không phải là bản sao của bức tranh này.

Thứ ba: Lời khai của đương sự và người làm chứng

Lời khai của đương sự và người làm chứng cũng là những chứng cứ quan trọng trong vụ án ly hôn. Lời khai sẽ giúp Tòa án dễ dàng nhìn nhận bản chất của vụ án ly hôn cũng như các diễn biến trong vụ án. Đặc biệt, khi các chứng cứ khác do các đương sự cung cấp không đủ thì lời khai sẽ là căn cứ quan trọng để Tòa án xác định sự thật của vụ án.

Để lời khai được xem là chứng cứ thì lời khai phải được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh và có văn bản trình bày về xuất xứ của việc ghi âm, ghi hình này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa. Thông thường, Tòa án sẽ triệu tập đương sự, người làm chứng đến Tòa án để lấy lời khai.

Thứ tư: Kết quả giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản

Những tài liệu trên là các kết quả do bên thứ ba xác lập dựa trên các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành chẳng hạn như đo đạc, tính toán, xét nghiệm. Điều kiện để những kết quả này được coi là chứng cứ là khi việc tiến hành giám định, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Những trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiến hành các hoạt động này ngoài việc được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thì còn phải do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh chẳng hạn như Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, v.v.. Khi không tiến hành đúng theo các quy định của pháp luật thì các kết quả giám định, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản sẽ không được xem là chứng cứ. Chẳng hạn, vợ tự mình yêu cầu giám định khi chưa yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì kết quả giám định này sẽ không được xem là chứng cứ vì việc tiến hành không đúng với quy định của pháp luật[3].

Thứ năm: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ

Đây là những văn bản ghi nhận một sự kiện, hành vi có ý nghĩa pháp lý do cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền lập, ví dụ như biên bản vi phạm hành chính hay vi bằng do thừa phát lại lập. Điều kiện để các văn bản này được coi là chứng cứ là việc có lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định đối với từng loại văn bản. Nếu không đáp ứng yêu cầu này, các văn bản trên sẽ không được xem là chứng cứ. Chẳng hạn, biên bản ghi nhận vi phạm hành chính về việc chồng gây thương tích cho vợ do tổ trưởng tổ dân phố lập sẽ không được coi là chứng cứ vì tổ trưởng tổ dân phố không có thẩm quyền để lập biên bản về việc này[5].

Thứ 6: Văn bản công chứng, chứng thực

Văn bản công chứng, chứng thực là chứng cứ rất phổ biến trong vụ án ly hôn cũng như các vụ án dân sự khác. Giá trị chứng minh của những văn bản này rất cao, bởi những tình tiết, sự kiện được ghi nhận tại những văn bản này sẽ được mặc định là có thật và đương sự không phải chứng minh sự tồn tại của chúng[7]. Đối với các vụ án ly hôn, các văn bản công chứng, chứng thực này có thể là văn bản chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng nội dung, giấy ủy quyền của vợ cho chồng để bán tài sản chung có chứng thực chữ ký. Điều kiện để các văn bản này được xem là chứng cứ khi việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Công chứng. Chẳng hạn, văn bản công chứng mà thiếu chữ ký của công chứng viên thì sẽ không được xem là chứng cứ.


[1] Điều 94, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 102.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 1.8 Thông tư 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

[7] Điều 92.1.(c) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.