Câu hỏi 171. Mức đóng đoàn phí công đoàn đối với NLĐ là công đoàn viên là bao nhiêu? Vi phạm quy định về nộp đoàn phí công đoàn sẽ bị xử lý như thế nào? Có trường hợp nào được miễn, giảm đóng đoàn phí công đoàn không?

1.Mức đóng đoàn phí công đoàn đối với NLĐ là công đoàn viên

1.1 Mức đóng đoàn phí công đoàn

NLĐ là công đoàn viên phải đóng đoàn phí công đoàn khi CĐCS tại nơi làm việc của NLĐ đã được thành lập. Mức đóng đoàn phí công đoàn đối với NLĐ là công đoàn viên được quy định cụ thể như sau[487]:

  • Đối với NLĐ là công đoàn viên ở các CĐCS trong khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước (bao gồm cả công đoàn các công ty cổ phần mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài, phải đóng đoàn phí công đoàn với mức 01% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (nhưng mức đóng đoàn phí hằng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước); và
  • Đối với NLĐ là công đoàn viên ở các CĐCS cơ quan Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định thì mức đóng đoàn phí hằng tháng bằng 01% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Tiền lương của NLĐ làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo HĐLĐ, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn sẽ thay đổi[488].

1.2 Phương thức đóng đoàn phí công đoàn

NLĐ là công đoàn viên có thể đóng đoàn phí công đoàn bằng một trong các phương thức sau đây:

  • Đóng trực tiếp hằng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, CĐCS thành viên, CĐCS, nghiệp đoàn (theo phân cấp của CĐCS, nghiệp đoàn); hoặc
  • Thu qua lương hằng tháng của NLĐ (tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi có ý kiến thỏa thuận của công đoàn viên. Trong trường hợp này, số thu đoàn phí công đoàn phải có xác nhận của phòng kế toán của doanh nghiệp và có danh sách chi tiết công đoàn viên đóng đoàn phí công đoàn.

2. Vi phạm về nộp đoàn phí công đoàn

Theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công đoàn viên có nhiệm vụ đóng đoàn phí công đoàn[489], cho nên việc đóng đoàn phí công đoàn là bắt buộc đối với NLĐ là công đoàn viên. Khi công đoàn viên nào vi phạm quy định về đóng đoàn phí công đoàn chẳng hạn như không chịu đóng, đóng chậm hoặc đóng không đúng với mức quy định thì tập thể, cá nhân, những người có liên quan được phân công trong công tác thu, nộp kinh phí, đoàn phí công đoàn sẽ không được xét danh hiệu thi đua năm đó, đồng thời thông báo đến Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp[490].

Ngoài quy định trên, quy định của pháp luật có liên quan chỉ quy định việc xử phạt hành chính và buộc truy thu tiền đóng kinh phí công đoàn đối với NSDLĐ[491] mà không có quy định nào khác về trách nhiệm của NLĐ là công đoàn viên nếu không chịu đóng, đóng chậm hoặc đóng không đúng với mức quy định. Do đó, chưa có căn cứ pháp lý nào để xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm của NLĐ khi vi phạm quy định về đóng đoàn phí công đoàn. Tuy nhiên, trên thực tế, NLĐ nào vi phạm quy định về đóng đoàn phí công đoàn có thể bị đánh giá là không tốt về mặt tác phong, biểu hiện của NLĐ đó trong công việc, sự tuân thủ và chấp hành quy định của NSDLĐ cũng như trong hoạt động của công đoàn.

3. Có trường hợp nào được miễn, giảm đóng đoàn phí công đoàn không?

Căn cứ Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, NLĐ, công đoàn viên không phải đóng đoàn phí công đoàn trong các trường hợp sau đây:

  • Đoàn viên hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; và
  • Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.

Ngoài các trường hợp không phải đóng đoàn phí công đoàn được nêu ở trên, pháp luật lao động không quy định các trường hợp nào khác nữa mà đoàn viên công đoàn được miễn, giảm đóng đoàn phí công đoàn.


[487] Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016

[488] Điều 23.1 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016

[489] Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020

[490] Điều 28 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016

[491] Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/03/2020