Mẫu âm hình đệm sẽ tùy vào sự lựa chọn của bạn làm sao bạn được thuận lợi nhất nhưng phải đảm bảo có đầy đủ các nốt trong hợp âm tại ô nhịp đó vì nếu không do tay phải khi đó cần chơi giai điệu hoặc tô điểm mà không thể hỗ trợ một phần mẫu âm hình đệm của tay trái thì sẽ bị thiếu nốt của hợp âm đệm tại thời điểm đó và mẫu âm hình đệm vô tình trở thành mẫu âm hình đệm của một hợp âm khác. Lỗi thường gặp của những người mới học đàn piano như bạn là việc chọn mẫu âm hình đệm bị thiếu nốt âm 5 và chỉ chọn mẫu âm hình đệm trong vòng một quãng tám. Điều này, trong một chừng mực nào đósẽ làm cho phần mẫu âm hình đệm của bạn bị ồn khi chơi càng gần về bên trái (trầm hoặc cực trầm) do âm Bass và nốt kế tiếp chỉ cách nhau có một quãng ba đúng và nốt kế tiếp cách nốt kế tiếp nữa cũng chỉ là một quãng ba đúng.
Phần nốt có trong hợp âm của mẫu âm hình đệm nên cách âm Bass gốc ở quãng năm, quãng tám hoặc thậm chí đến quãng mười, quãng mười hai thay vì quãng ba nếu âm Bass chơi ở các quãng tám cực trầm và trầm nhằm giảm bớt độ vang gây ồn. Nếu âm Bass từ quãng tám lớn trở lên, âm Bass và nốt hợp âm kế tiếp của phần mẫu âm hình đệm sẽ có thể cách nhau một quãng ba.
Các nốt còn lại của hợp âm trong phần mẫu âm hình đệm nên sử dụng các hợp âm ở thể đảo để khi di chuyển từ hợp âm này sang hợp âm khác sao cho chúng có một đến hai nốt chung mà còn được gọi là liên kết có hòa âm, hoặc nếu không có bất kỳ nốt hợp âm chung nào (ví dụ như hợp âm C và hợp âm Dm) thì sẽ chuyển qua các nốt có vị trí càng gần nhau càng tốt để các nốt của hai hợp âm hòa quyện vào nhau (còn được gọi là liên kết giai điệu không có nốt hợp âm chung). Bên cạnh đó, cũng có một loại liên kết giai điệu khác có từ một đến hai nốt hợp âm chung nhưng vị trí của chúng lại thay đổi thì được gọi là liên kết giai điệu có nốt hợp âm chung nhưng vị trí các bè thay đổi. Nếu chỉ chơi phần mẫu âm hình đệm ở thể liên kết có hòa âm thì phần mẫu âm hình đệm này được gọi là phần mẫu âm hình đệm hẹp. Nếu muốn đệm rộng thì bạn phải sử dụng liên kết giai điệu có nốt hợp âm chung nhưng thay đổi vị trí của chúng.
Lý do tại sao nên sử dụng hợp âm ở thể đảo là vì: (i) có một số loại nhạc cụ không thể chơi đầy đủ các nốt có trong hợp âm ở thể nguyên vị do cấu trúc của nó. Do đó, bạn phải đảo vị trí của các nốt có trong hợp âm để dễ bấm; (ii) khi âm thanh trong giai điệu chính của bản nhạc phù hợp với một hợp âm nào đó nhưng nốt phách mạnh của nó lại trùng vào âm bậc I của hợp âm làm cho không có hòa âm nên bạn phải đảo hợp âm (thường là ở quãng ba) để thay đổi bè trầm; (iii) đảo hợp âm để lấy bè trầm (hoặc bè giai điệu khi độc tấu) chuyển động cho phù hợp với ý đồ của người soạn hòa âm; và (iv) đảo hợp âm làm sao để bè trầm không rơi vào các quãng nghịch ví dụ như quãng hai tăng, quãng bốn tăng.
Các nốt còn lại của hợp âm ở phần mẫu âm hình đệm tay trái thường nằm sau các nốt giai điệu ở tay phải nhưng cũng có trường hợp chúng lại nằm ngay trên khu vực của các nốt giai điệu hoặc thậm chí là nằm qua luôn phía bên tay phải của các nốt giai điệu miễn sao âm lượng của chúng phải nhỏ hơn âm lượng của các nốt có trong giai điệu để tôn trọng và làm nổi bật giai điệu.
Mẫu âm hình đệm tay trái thường phải đủ các nốt có trong hợp âm nhưng không cần đủ các nốt có trong hợp âm khi có một số nốt giai điệu nào đó lại giống với các nốt có trong hợp âm mà mẫu âm hình đệm tay trái đang thiếu miễn rằng mẫu âm hình đệm tay trái và những nốt giai điệu nó không cách nhau quá hai quãng tám và vẫn đảm bảo có đủ các nốt của hợp âm tay trái trong phần mẫu âm hình đệm (đặc biệt là các hợp âm 7).
Nếu muốn mẫu âm hình đệm tay trái của bạn đa dạng thì bạn phải: (i) có đi lên rồi đi xuống theo hình lượn sóng. Dù biết rằng bạn nên chơi hết một đoạn rồi mới thay đổi mẫu âm hình đệm nhưng nếu mẫu âm hình đệm đã chọn bị trùng với các nốt giai điệu thì bạn sẽ cân nhắc thay đổi mẫu âm hình đệm ở ô nhạc bị trùng đó nhưng chú ý là mẫu âm hình đệm mới phải đảm bảo có đi lên đi xuống giống như mẫu âm hình đệm ban đầu dù rằng vị trí nốt giờ đây đã bị thay đổi; (ii) xuất hiện theo một thứ tự ưu tiên các nốt có trong hợp âm; (iii) khi nhìn vào một đoạn nhạc mà đa số các nốt giai điệu ở quá gần nhau, bạn nên chọn mẫu âm hình đệm rải rộng để tạo sự tương phản giữa mẫu âm hình đệm và các nốt giai điệu; và (iv) lặp lại sự đi lên đi xuống của âm thanh theo thứ tự ưu tiên của hợp âm trong một đoạn nhạc nào đó. Đối với trường hợp (i), nếu là hợp âm ba nốt thì âm một sẽ là âm ưu tiên số một (vì giúp cho biết đó là hợp âm gì) rồi đến âm 3 là ưu tiên số hai (để phân biệt hợp âm trưởng và hợp âm thứ) rồi đến hợp âm 5. Đối với hợp âm bốn nốt thì hợp âm một là ưu tiên số một, rồi đến hợp âm 3 là ưu tiên số hai rồi kế đến âm 7 sẽ là ưu tiên số 3 (được dùng để xác định âm 7) rồi sau cùng mới đến âm 5.
- Ví dụ 1: Trước đây, khi đệm điệu Slowrock thì mẫu âm hình đệm hợp âm C thu gọn trong quãng năm thường được sử dụng như sau: C E G E G E C. Mẫu âm hình đệm này sẽ chấp nhận được vì: (i) nó nằm gọn trong quãng năm nên phù hợp cho đoạn phiên khúc A1, đoạn dạo đầu, có tính chất nhẹ nhàng, đơn giản: (ii) vì là quãng hẹp nên nó thường không bị đụng với các nốt giai điệu của tay phải; (iii) có thứ tự ưu tiên; và (iv) âm thanh có lên có xuống: Lên lên xuống lên xuống.
- Ví dụ 2: Trước đây, khi đệm điệu Slowrock thì mẫu âm hình đệm của hợp âm C thu gọn trong quãng tám thường được sử dụng là: C E G C G E. Mẫu âm hình đệm này có thuận lợi là nằm gọn trong năm ngón tay của bạn và các phách mạnh và mạnh vừa nằm ở ngón út và và ngón cái nên dễ xừ lý. Tuy nhiên, mẫu âm hình đệm này lại không được hay lắm vì các lý do sau đây: (i) mẫu âm hình đệm này di chuyển đi lên khá lâu rồi đi xuống cũng khá lâu nên nghe nhiều sẽ bị chán; (ii) mẫu âm hình đệm này lên xuống khá đơn điệu: lên lên lên xuống xuống; (iii) âm Bass và nốt kế tiếp của mẫu âm hình đệm chỉ cách nhau một quãng ba đúng nên khá ồn nếu chơi thấp ở bên trái của tay trái. Để hay hơn, bạn nên thay đổi mẫu âm hình đệm này như sau: C G C E C G C hoặc C G C E G C. Mẫu âm hình đệm mới này hay hơn vì các lý do sau đây: (i) âm Bass và nốt kế tiếp của mẫu âm hình đệm cách nhau một quãng năm đúng nên ít bị ồn; (ii) mẫu âm hình đệm này di chuyển có lên có xuống vài lần: Lên lên xuống lên xuống; (iii) có sự ưu tiên trong việc chọn nốt là C G C trước rồi còn thiếu E nên đưa E vào cho đủ ba nốt của hợp âm C E G rồi quay lại C (ưu tiên số một) sau đó di chuyển đến G rồi về C.
- Ví dụ 3: Trước đây, khi đệm điệu Slowrock thì mẫu âm hình đệm của hợp âm C mở rộng quãng mười thì bạn thường sẽ chọn mẫu âm hình đệm là C G C E C G C. Khi sử dụng mẫu âm hình đệm như vậy thì sẽ không hay vì các lý do sau đây: (i) mẫu âm hình đệm này di chuyển đi lên khá lâu rồi đi xuống cũng khá lâu nên nghe nhiều sẽ bị chán: (ii) bạn phải xoay ngón trỏ sang bên phải và như thế thì tay của bạn sẽ không đẹp; (iii) mẫu âm hình đệm lên xuống khá đơn điệu: lên lên lên xuống xuống. Mẫu âm hình đệm hay hơn sẽ như sau: C G E C E G C. Cái hay đầu tiên của mẫu âm hình đệm mới đó là ba nốt đầu C G E đã có đầy đủ các nốt có trong hợp âm, lại cách nhau các quãng năm đúng nên sẽ không bị ồn. Cái hay kế tiếp là theo thứ tự ưu tiên tức là lặp lại C (ưu tiên số một) rồi đến E (ưu tiên số hai) rồi về G rồi về C. Cái hay thứ 3 là mẫu âm hình đệm mới này có hình lượn sóng di chuyển lên xuống nhiều lần: Lên lên xuống lên xuống.
Dù tay trái của bạn dùng để chơi âm Bass và mẫu âm hình đệm theo các nốt có trong hợp âm nhưng nhiều khi tay trái của bạn cũng sẽ đảm nhận thêm chức năng nối, dẫn từ âm Bass của hợp âm này sang âm Bass của hợp âm kế tiếp, từ phần mẫu âm hình đệm của hợp âm này sang phần mẫu âm hình đệm của hợp âm khác bằng cách sử dụng thêm các nốt có trong âm giai của bản nhạc để tránh nhàm chán khi bạn chỉ chơi các nốt có trong hợp âm và cũng nhằm mục đích làm cho các hợp âm sẽ hòa quyện hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc nối, dẫn từ phần mẫu âm hình đệm của hợp âm này sang phần mẫu âm hình đệm của hợp âm kia chỉ nên được sử dụng trong một đoạn nhạc cụ thể và phải có sự tính toán trước của tác giả bản nhạc vì sẽ gặp trường hợp mẫu âm hình đệm của tay trái sẽ bị trùng với nốt giai điệu của tay phải dẫn đến kết quả là không có hòa thanh và không hay. Bên cạnh đó, khi âm Bass bên tay trái sử dụng kỹ thuật nối, dẫn, âm giai, nốt giai điệu cũng dùng kỹ thuật nối dẫn rồi phần mẫu âm hình đệm cũng vậy nữa thì sẽ quá nhiều dẫn đến hệ quả là không tạo được tác dụng gì nhiều nhưng làm cho mọi thứ rối rắm thêm;
Nói chung, khi một nốt nào đó trong mẫu âm hình đệm bên tay trái trùng với nốt của giai điệu bên tay phải (ở các phách mạnh và phách mạnh vừa) thì sẽ không có hòa thanh vì cả hai cùng chơi một âm thanh nên không được hay. Vì thế, bạn nên: (i) thay đổi vị trí mẫu âm hình đệm của tay trái để tránh nốt hợp âm bên tay trái bị trùng với nốt giai điệu bên tay phải nhưng vẫn phải có đầy đủ các nốt hợp âm của mẫu âm hình đệm tay trái (nếu chơi độc tấu) hoặc thay đổi vị trí của giai điệu bên tay phải (nếu đang ở Đoạn dạo đầu, Giang tấu hoặc khi bạn đang đệm) để tránh nốt bị trùng với âm Bass của mẫu âm hình đệm bên tay trái; hoặc (ii) cân nhắc bỏ bớt nốt của mẫu âm hình đệm tay trái để không bị ồn dù không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, việc nốt giai điệu và âm Bass bị trùng sẽ được xem là chấp nhận được nếu đó là ở vị trí đầu hoặc cuối đoạn nhạc mà bạn buộc phải di chuyển trở về hợp âm chủ. Cũng có trường hợp nốt giai điệu và âm Bass trùng nhau nhưng vẫn chấp nhận được nếu nó vẫn nghe hay nhưng không nên lặp lại quá hai lần vì sẽ gây nhàm chán và không có hòa thanh;
Mẫu âm hình đệm tay trái sẽ ở một trong số các dạng sau đây: (1) chồng âm; (2) rải hợp âm; (3) dấu lặng; (4) kết hợp giữa các kiểu 1, 2 và 3 ở trên. Tuy nhiên, khi đã chọn mẫu âm hình đệm tay trái nào thì bạn phải thống nhất sử dụng mẫu âm hình đệm đó cho đến hết một đoạn nào đó trong bản nhạc rồi mới cân nhắc thay đổi chúng bằng một mẫu âm hình đệm khác để không bị nhàm chán (ví dụ từ đoạn phiên khúc A sang đoạn điệp khúc B) và chú ý rằng đoạn phiên khúc A1 nên sử dụng mẫu âm hình đệm đơn giản, đến đoạn phiên khúc A2 thì mẫu âm hình đệm sẽ phức tạp hơn và có nhiều nốt hơn rồi khi đến đoạn điệp khúc B thì mẫu âm hình đệm sẽ phức tạp hơn nữa và sẽ có càng nhiều nốt hơn để tạo độ dày, rộn ràng và cao trào của đoạn điệp khúc B. Cũng lưu ý rằng việc bạn thay đổi mẫu âm hình đệm phải được hiểu là sự phát triển của mẫu âm hình đệm đã chọn ban đầu chứ không phải là chọn một mẫu âm hình đệm khác hoàn toàn khác với mẫu âm hình đệm ban đầu. Mục đích của sự thay đổi mẫu âm hình đệm là nhằm tạo một màu sắc khác để tránh nhàm chán và đạt được mục đích của từng đoạn trong bản nhạc.
Mẫu âm hình đệm tay trái không nhất thiết lúc nào cũng có đầy đủ các phách yếu theo từng tiết điệu mà bạn sẽ bỏ qua một phần của chúng ở đoạn đầu của bản nhạc (đoạn phiên khúc A 1 cần sự đơn giản, mộc mạc hoặc khi bên tay phải của bạn đã có quá nhiều nốt giai điệu mà nếu tay trái chơi toàn bộ phần mẫu âm hình đệm tay trái thì sẽ bị dư, không có tính chất hòa thanh vì giữa các nốt giai điệu và phần mẫu âm hình đệm có nhiều nốt trùng nhau). Tuy nhiên, khi đã quyết định đệm theo cách không có đầy đủ nốt trong mẫu âm hình đệm thì bạn phải bảo đảm tính thống nhất của việc đệm đó cho đến khi hết đoạn nhạc nào đó rồi mới thay đổi sang một mẫu âm hình đệm khác nếu muốn.
Bạn không nên để khoảng cách giữa các nốt giai điệu của tay phải và mẫu âm hình đệm của tay trái quá gần nhau vì khi đó hai tay sẽ chạm hoặc chồng vào nhau. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để chúng cách xa nhau hơn hai quãng tám vì ở vị trí đó, âm thanh phát ra ở hai phân khu khác nhau dễ bị loãng ở giữa vì khoảng cách khá lớn giữa mẫu âm hình đệm của tay trái và phần giai điệu của tay phải. Khoảng cách giữa âm Bass và phần chơi mẫu âm hình đệm tay trái cũng không nên cách xa nhau quá hai quãng tám (trừ một vài trường hợp ví dụ như bạn muốn làm các hiệu ứng như sóng biển, mưa rơi, v.v…).
Khi đệm cho ca sĩ hát và cho tay phải liền bậc bám theo các hợp âm của bản nhạc, bạn không nên chơi nhịp của giai điệu của tay phải tương tự như nhịp của âm Bass của tay trái vì không làm rõ được phần chức năng âm Bass của tay trái (ví dụ, nếu giai điệu có mẫu âm hình đệm tay trái dạng móc đơn thì tay phải nên chơi móc kép hoặc móc dựt trừ trường hợp bạn muốn dùng kỹ thuật Tutti (xem cách sử dụng kỹ thuật Tutti bên dưới) tức là tay phải và tay trái chơi cùng một giai điệu với mục đích nhấn mạnh giai điệu tại một đoạn ngắn nào đó trong câu nhạc (thường là từ 1 đến hai ô nhịp) ví dụ như đường dẫn vào đoạn điệp khúc B của bản nhạc).
Khi đệm cho ca sĩ hát, các phách mạnh phải có đầy đủ các nốt có trong hợp âm trong khi mẫu âm hình đệm bên tay trái khi rải theo mẫu âm hình đệm ở các phách mạnh lại chỉ sẽ chơi được một âm Bass trong hợp âm đó tại một điểm thời gian nào đó nên phần mẫu âm hình đệm bên tay phải phải bù đắp cho việc thiếu hụt đó bằng cách chồng hợp âm cho đủ các nốt có trong hợp âm. Tuy nhiên, khi chơi độc tấu thì tay phải của bạn không cần chồng âm vì các nốt giai điệu của bên tay phải sẽ giúp làm khá đầy các nốt có trong hợp âm ở ô nhịp đó.
Ở đoạn phiên khúc A1, bạn không nên dùng âm Bass trầm hoặc siêu trầm vì chúng có độ vang lớn và rền mà nên dành phần âm Bass trầm hoặc siêu trầm đó cho đoạn điệp khúc B hoặc đoạn phiên khúc A2 có tính chất cao trào hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi độc tấu thì bản nhạc đã sử dụng âm Bass trầm để tạo sự tương phản, ấm tượng ngay từ đầu nhằm mục đích thể hiện một ý đồ nào đó của tác giả bản nhạc.
Khi chơi độc tấu, bạn nên chia bàn phím piano làm bốn phân khu chính. Tay trái đảm nhận hai chức năng chính là: (1) chơi các âm Bass của tiết điệu ở phân khu 1 ở quãng tám cực trầm và quãng tám trầm (ví dụ, điệu Rumba thì phải có ba âm Bass tại các nhịp 1-3-4) để ra chất của điệu Rumba; và (2) phụ trách phần mẫu âm hình đệm rải ở phân khu hai ở vị trí quãng tám lớn và một phần quãng tám nhỏ để thể hiện công năng chính của đàn piano. Để phần mẫu âm hình đệm ở phân khu hai có các nốt nghe hòa quyện với nhau khi thay đổi từ hợp âm này sang hợp âm kia, bạn nên tìm các nốt chung hoặc gần nhau của hai hợp âm bằng cách sử dụng các thể đảo của hợp âm. Khoảng cách giữa phân khu một và phân khu hai cũng không nên quá hai quãng tám, tốt nhất là trong vòng một quãng tám. Cũng rất thường gặp trường hợp bạn sử dụng mẫu âm hình đệm cố định để đảm nhiệm cả hai chức năng âm Bass và đệm, tức là phân khu một và phân khu hai sẽ nằm gần nhau (âm Bass và nốt hợp âm kế tiếp nên cách nhau một quãng năm thay vì một quãng ba để không bị ồn). Cách này được xem là thuận tiện vì bạn không phải suy nghĩ nhiều đến các thế đảo của hợp âm trong phần mẫu âm hình đệm nhưng có bất lợi là nó sẽ không hòa quyện vào nhau trọn vẹn vì các nốt của hợp âm trước và các nốt của hợp âm sau chỉ trùng nhau có một nốt trong đa số các trường hợp, chứ không trùng nhau đến hai nốt và các nốt khác trong hợp âm cũng gần với nhau hơn. Trong khi đó, tay phải của bạn phụ trách phân khu 3 để chơi phần giai điệu. Khi các nốt của giai điệu rơi vào các phách mạnh hoặc phách mạnh vừa thì tay phải của bạn sẽ cùng lúc chơi nốt giai điệu và nốt gốc của hợp âm tại ô nhịp đó nhằm hỗ trợ cho âm Bass bên tay trái do chơi rải nên không đủ mạnh và dày, nếu tay phải của bạn còn có ngón dư thì dùng nó kẹp thêm các nốt khác có trong hợp âm tại ô nhịp đó như là một cách chơi bè. Phân khu 4 (để chơi các âm treble) dùng để lót câu, nối, dẫn, sử dụng nốt hoa mỹ. Tuy nhiên, cũng có khi vị trí của phân khu 4 lại trùng với vị trí của phân khu 3 hoặc chúng sẽ nằm giữa vị trí của phân khu hai và phân khu 3 (với điều kiện là bạn phải chơi phần lót câu, các nốt hoa mỹ, v.v… với âm lượng nhỏ lại để làm nổi bật phần giai điệu) hoặc phần mẫu âm hình đệm của phân khu 3 lại trùng với vị trí phân khu hai khi có những bản nhạc có (ton) giọng thấp.
Nếu có những đoạn nhạc không có nốt giai điệu ở đó và nếu tay phải của bạn cũng không sử dụng kỹ thuật fill-in, chạy ngón hoặc tô điểm gì thì tay phải của bạn sẽ bị dư nên vào lúc đó tay phải của bạn sẽ hỗ trợ phần âm Bass của tay trái và/hoặc giúp một phần hoặc toàn bộ chức năng đệm của tay trái để tay trái chỉ lo phần âm Bass hoặc tay trái chỉ lo phần âm Bass và một phần của phần mẫu âm hình đệm và tay phải sẽ giúp một phần mẫu âm hình đệm (âm thanh của tay phải lúc này phải nhỏ lại bằng với âm thanh của phần mẫu âm hình đệm bên tay trái), hoặc tay phải lúc đó sẽ chồng hợp âm ở các phách mạnh ở phân khu 3 để hỗ trợ phần mẫu âm hình đệm của tay trái được dày hơn (đặc biệt là ở phần cao trào của đoạn điệp khúc B). Tuy nhiên, lưu ý rằng khi cần lặp lại việc chồng âm sau khi vừa chồng âm có nốt giai điệu thì bạn nên chồng âm mà tránh nốt giai điệu để có sự phân biệt giữa phần hỗ trợ đệm với nốt giai điệu. Cũng cần lưu ý thêm rằng có những bản nhạc giai điệu hơi thấp mà sẽ bị lem qua một phần của phân khu hai thì phần mẫu âm hình đệm và phần giai điệu chồng lên nhau ở phân khu hai. Trong trường hợp đó, tay phải của bạn sẽ tạm thời đảm nhận luôn phần mẫu âm hình đệm đan xen với chơi các nốt giai điệu ở các nốt giai điệu thấp đó, để tay trái của bạn chỉ đảm nhận phần âm Bass.
Tuy nhiên, khi đệm cho ca sĩ hát thì bạn không phải lo phần giai điệu vì ca sĩ đã hát phần giai điệu nên để phối hợp nhịp nhàng giữa hai tay thì tay trái của bạn sẽ đảm nhận chức năng âm Bass để giữ tiết điệu và đảm nhận một phần phần mẫu âm hình đệm còn tay phải sẽ giúp phần còn lại của phần mẫu âm hình đệm bằng cách rải hoặc chồng hợp âm. Nếu vào lúc đó tay phải của bạn cần chạy ngón, lót câu, chơi Đoạn dạo đầu, Giang tấu, Đoạn Kết thì tay trái của bạn sẽ phải đảm nhận phần âm Bass và toàn bộ phần mẫu âm hình đệm theo đúng mẫu âm hình đệm đã chọn hoặc phải gần giống với toàn bộ mẫu âm hình đệm, đặc biệt là ở những chỗ phách mạnh hoặc những chỗ đặc trưng của tiết điệu đã chọn hoặc vẫn chỉ lo phần âm Bass và một phần của phần mẫu âm hình đệm và trong lúc chạy ngón, lót câu, chơi Đoạn dạo đầu, Giang tấu, Đoạn Kết mà tay phải còn dư ngón được lúc nào thì sẽ nhét phần rải đệm vào giúp tay trái để có được đầy đủ mẫu âm hình đệm.
Khi tay trái của bạn đảm nhận chức năng của phân khu một (âm Bass) và phân khu hai (âm hình mẫu đệm) cùng một lúc thì bạn sẽ không có đủ ngón để chơi hết các nốt có trong hợp âm ở các vị trí âm Bass (phách mạnh) của tiết điệu. Trong trường hợp đó, bạn chỉ cần chơi âm Bass đầu và chuyển qua phần đệm rải (có hơi nhấn mạnh ở các nốt có các âm Bass khác đi qua) là đủ nhưng thỉnh thoảng cũng nên hy sinh một phần phần mẫu âm hình đệm để tay trái chơi toàn bộ hoặc một phần các âm Bass đặt trưng còn lại của tiết điệu để ra chất của tiết điệu đó rồi quay lại như cũ là chơi âm Bass đầu rồi chuyển qua phần mẫu âm hình đệm.
Cũng cần chú ý, nếu tay trái của bạn chỉ phụ trách các âm Bass thì sẽ chơi các nốt ở các quãng hai, quãng ba mà không sợ bị ồn. Tuy nhiên, nếu bạn dùng mẫu âm hình đệm cố định (tay trái của bạn vừa phụ trách phần âm Bass và vừa phần mẫu âm hình đệm) thì nên có khoảng cách ở quãng năm, quãng tám từ âm Bass đầu đến các nốt đệm hợp âm kế tiếp để bớt bị ồn.
Trong một bản nhạc, bạn sẽ chơi rải theo tính chất đặc trưng của đàn piano với mẫu âm hình đệm cố định ở đoạn phiên khúc A1 để phát huy thế mạnh của đàn piano và không làm rõ ràng tiết điệu của bản nhạc. Khi đến đoạn phiên khúc A2, bạn vẫn đệm rải đàn piano nhưng phải cho ra tiết điệu của phần mẫu âm hình đệm theo mẫu âm hình đệm cố định hoặc vận dụng hòa thanh ở phần mẫu âm hình đệm qua việc sử dụng các hợp âm ở thế đảo để giúp các hợp âm hòa quyện và hút vào nhau. Đến đoạn điệp khúc B, bạn cần chơi một cách rõ ràng cho ra chất của tiết điệu qua việc chơi âm Bass ở tay trái và tay phải sẽ đảm nhiệm phần giai điệu kèm theo phần mẫu âm hình đệm. Nếu phần giai điệu có quá nhiều nốt mà làm cho tay phải không đủ ngón để đảm nhận phần mẫu âm hình đệm thì nếu chỉ là thoáng qua trong chỉ một đến hai ô nhịp thì bạn không cần đệm đầy đủ, các âm Bass trầm sẽ đảm nhận công việc này nhưng nếu nó có nhiều ô nhịp hơn thì bạn sẽ nhờ tay trái hỗ trợ cả hai chức năng là âm Bass và phần mẫu âm hình đệm cho đến hết đoạn rồi mới quay lại như cũ. Nếu phần âm Bass ở vị trí quá xa so với phần giai điệu làm tạo ra khoảng trống âm thanh ở giữa thì phần mẫu âm hình đệm (hoặc là tay phải hoặc là tay trái tùy từng tình huống) cần chen vào vị trí giữa đó để lấp khoảng trống, không cho phần mẫu âm hình đệm và phần giai điệu bị rời rạc.
Để chơi độc tấu piano hay thì âm Bass của tay trái nên di chuyển ngược chiều với sự di chuyển của nốt giai điệu ở tay phải. Đối với phần mẫu âm hình đệm, vì đã theo mẫu âm hình đệm cố định, nên không quan trọng là nó di chuyển đi lên hoặc đi xuống.
Phần mẫu âm hình đệm cũng sẽ có nhiều biến tấu. Ví dụ, với điệu Boston, phần mẫu âm hình đệm là móc đơn thì ở những đoạn trong các ô nhạc không có nốt giai điệu thì bạn sẽ chuyển sang sử dụng móc kép hay liên ba móc đơn trong một vài phách nào đó để tạo ra sự khác biệt nhưng ở những chỗ phách yếu của điệu Boston thì cũng phải nhấn mạnh hơn để phân biệt với các nốt lướt qua hoặc đảm nhiệm chức năng chèn để tạo ra tiết điệu. Cần lưu ý rằng rằng dù có biến tấu thế nào đi chăng nữa thì đến phần phách mạnh bạn cũng phải quay trở về âm Bass chứ không được di chuyển miên man đâu đó.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.