Hút thuốc lá từ lâu đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là nam giới. Việt Nam hiện là một trong những nước được thống kê là có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo số liệu điều tra của Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá quốc gia, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại Việt Nam là khoảng 56,1%. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng hút thuốc lá là một thói quen xấu, tốn tiền, gây ra ô nhiễm không khí, và nhất là gây nhiều bệnh tật tai hại gây chết người. Tuy vậy, nhiều người vẫn cứ hút vì ghiền hay vì thói quen (một buổi sáng lý tưởng của đàn ông là phải có ly cà phê, tờ báo và điếu thuốc). Thử nghĩ bạn là một người không hút thuốc thì thật là cực hình cho bạn khi bạn bước vào các hàng ăn, quán cà phê, nhà hàng, tiệc cưới ở các thành phố lớn ở Việt Nam, nơi hầu như lúc nào cũng ngập tràn khói thuốc đủ loại mà các ống khói ở các bàn bên cạnh hay thậm chí ngay cả tại bàn của bạn đều thi nhau xả về phía bạn một cách vô tư dù nơi đó có thể là phòng máy lạnh và/hay có biển báo cấm hút thuốc. Bạn có muốn ngăn cản cũng không được vì luật không cấm cũng như hầu như mọi chủ các hàng ăn, quán cà phê, nhà hàng, tiệc cưới đều phải chiều khách hàng như thượng đế để giữ chân khách hàng.
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, từ lâu người ta đã thấy được tác hại của việc hút thuốc lá và đã có nhiều nước ban hành luật cấm hút thuốc nơi công cộng. Chẳng hạn như New Zealand đã thông qua Đạo Luật Sửa Đổi Môi Trường Không Khói Thuốc, Cộng Hòa Ai Len, quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hút thuốc ở mọi nơi làm việc (và sau đó là các quán bar và nhà hàng) vào ngày 29/3/2004, Úc, Na Uy, một số tiểu bang của Mỹ (New York và California) và Canada cũng đã ban hành lệnh cấm hút thuốc ở các quán bar, câu lạc bộ và nhà hàng. Ở Vương Quốc Anh, England đã ban hành luật cấm hút thuốc lá từ ngày 01/07/2007 trong khi Scotland, Xứ Wales and Bắc Ailen đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ trước đó. Tại một số nước như Pháp và Nga, lệnh cấm đã được ban hành sớm hơn mà theo đó chỉ cho phép các khu vực được hút thuốc trong nhà hàng, cũng như thiết lập những phòng đặc biệt dành riêng cho những người hút thuốc tại những nơi làm việc (mặc dù nhiều người sử dụng lao động không muốn phát sinh chi phí xây dựng và duy trì các phòng đặc biệt như vậy, và để cho nhân viên ra bên ngoài văn phòng hút thuốc).
Còn ở Việt Nam, nếu như mọi chuyện xảy ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ thì những người hút thuốc sẽ phải dần dần phải từ bỏ thói quen hút thuốc khó bỏ của mình bởi vì theo Lộ trình thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá quy định tại Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá ban hành kèm theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, việc hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn kể từ ngày 01/01/2010.
Riêng đối với các nơi công cộng trong nhà như: nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường thì chỉ được phép hút thuốc tại khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá; những nơi dành riêng cho người hút thuốc cần có bộ phận thông khí riêng biệt. Bản kế hoạch cũng quy định thêm rằng sẽ tiến tới việc cấm hút thuốc tại tất cả những nơi công cộng trong nhà trong năm 2010. Chế tài xử phạt sẽ được siết chặt đối với những người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Như vậy, trước mắt những nơi công cộng trong nhà chẳng hạn như các nhà hàng, khách sạn sẽ phải được quy hoạch, sắp xếp lại thành một khu vực riêng phục vụ cho người hút thuốc và một khu vực riêng dành cho những người không hút thuốc. Song song đó, các nhà hàng, khách sạn cũng cần phải treo các biển báo cấm hút thuốc lá và nêu rõ mức phạt nếu vi phạm tại những nơi dễ quan sát như trước cửa lối ra vào, dọc hành lang, trước cửa thang máy. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là những người chủ các nơi này đã có các bước chuẩn bị gì (kinh phí, diện tích, nhân lực) phục vụ cho việc thiết lập các khu vực dành riêng phục vụ cho người hút thuốc lá trước thời điểm 01/01/2010 chưa?
Tuy nhiên, dù có quy định trên thì những người không hút thuốc lá vẫn cảm thấy hồ nghi về hiệu quả của việc thực thi Quyết định 1315/QĐ-TTg bởi vì đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ban hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Trước đó, theo Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14/8/2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010, có quy định “không hút thuốc lá trong các cuộc họp, trụ sở cơ quan, các cơ sở y tế, trường học, nhà trẻ, rạp chiếu bóng, nhà hát, trên các phương tiện giao thông công cộng, những nơi tập trung đông người”.[1] Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10/5/2007 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã quy định: “Nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà; nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng …. coi hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá là hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi công cộng”[2]. Điều 16 của Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ cũng đã quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng. Thế nhưng hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn tràn lan, không kiểm soát nổi. Đến nay, vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào tại Việt Nam về lượng người bị phạt do vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Phải chăng chế tài xử phạt này chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe và/hoặc Việt Nam thiếu lực lượng của Nhà nước thực thi chế tài này dẫn đến việc tính răng đe chế tài không đủ?
Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới và đã xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện Công ước này. Để việc cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng được thực hiện triệt để, đã đến lúc phải đưa ra những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn như: tăng nhiều hơn nữa các mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, quy định bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả việc rút giấy phép kinh doanh) đối với ban quản lý những nơi công cộng nếu để xảy ra tình trạng hút thuốc lá tại đây mà không có biện pháp nhắc nhở, cấm đoán nghiêm khắc.
Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”., người xưa gặp nhau thì thường mời miếng trầu, còn ngày nay thì thường mời điếu thuốc. Miếng trầu hay điếu thuốc là cách xã giao để mở đầu câu chuyện theo phong tục tập quán của Việt Nam còn mãi cho đến tận ngày nay. Do đó, ý thức tự giác chấp hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của người dân Việt Nam chưa cao và thậm chí ở một số nơi nhất là ở vùng quê còn coi đó là lễ nghi xã giao tối thiểu phải có. Do đó, việc thực thi chế tài của nhà nước như hiện nay là còn quá nhẹ và lỏng lẻo. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể hơn về lực lượng chuyên trách có trách nhiệm xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Theo quy định tại Nghị định số 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng được giao cho thanh tra viên chuyên ngành về vệ sinh. Tuy nhiên, dường như lực lượng này còn quá mỏng, khá dàn trải. Nên chăng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng những tổ công tác chuyên ngành chuyên xử lý những hành vi vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng để lệnh cấm này có hiệu quả hơn.
Việt Nam đã khá thành công đối với việc quy định yêu cầu tất cả những người dân khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm để giảm tai nạn giao thông trong vài năm vừa qua dù ban đầu cũng gặp khá nhiều chỉ trích. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ có các chính sách rõ ràng, lực lượng tuyên truyền đúng lúc, kịp thời và lực lượng thực thi đồng bộ, quyết liệt, chúng ta cũng sẽ thành công trong việc hạn chế và dẫn đến cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại những nơi công cộng và những nơi công cộng trong nhà được phép hút thuốc để giảm các ca bệnh liên quan đến hút thuốc lá, giảm ô nhiễm không khí, giảm chi tiêu của người dân dành cho thuốc lá.
Ls Nguyễn Hữu Phước – Phuoc & Associates
—–
[1] Khoản 1(e), phần II, Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP
[2] Khoản 2(a), phần I, Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg