Câu hỏi 111: Trong vụ án ly hôn có yếu tố người nước ngoài mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt thì quy định của pháp luật Việt Nam có bắt buộc phải có người thông dịch không? Chi phí thông dịch này sẽ do ai chịu? Ai sẽ là người được chọn người thông dịch? Một trong hai bên vợ, chồng có được quyền thay đổi người thông dịch không?

  1. Trong vụ án ly hôn có yếu tố người nước ngoài mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt thì quy định của pháp luật Việt Nam có bắt buộc là phải có người phiên dịch không?

Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, tiếng nói và chữ viết dùng tại Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trong trường hợp này phải có người phiên dịch[1]. Người phiên dịch trong định nghĩa của pháp luật tố tụng dân sự là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt[2]. Như vậy nếu vợ hoặc chồng là người nước ngoài có thể sử dụng được tiếng Việt trong quá trình giải quyết vụ án thì không bắt buộc phải có người phiên dịch.

Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định sử dụng được tiếng Việt hay không chưa được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định một cách rõ ràng. Trong một số lĩnh vực khác, ví dụ như khám bệnh, chữa bệnh, người nước ngoài hành nghề lựa chọn sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì họ phải có chứng chỉ thông thạo tiếng Việt do các cơ sở giáo dục có chức năng cấp. Việc bỏ ngỏ quy định về vấn đề này dẫn đến sự áp dụng không thống nhất khi người nước ngoài là vợ, chồng có thể sử dụng được tiếng Việt và quyết định không cần phiên dịch trong vụ án ly hôn. Trong trường hợp Tòa án không yêu cầu phiên dịch và vợ, chồng là người nước ngoài không có bằng chứng nào chứng minh họ có thể sử dụng được tiếng Việt, mặc dù vợ, chồng là người nước ngoài đó có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt tại phiên tòa, thì sau khi có bản án của Tòa án, vợ, chồng là người nước ngoài đó ví một lý do nào đó lại không “chịu” nói tiếng Việt nữa thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt nhưng lại không có phiên dịch. Hậu quả pháp lý của vấn đề này có thể sẽ làm cho vụ án thêm phức tạp. Do vậy, nếu các bên có vợ, chồng là người nước ngoài, tuy họ có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt, nhưng không có bằng cấp nào xác nhận họ có thể sử dụng được tiếng Việt thì một cách tốt nhất cho bên còn lại là tự mình mời phiên dịch hoặc yêu cầu Tòa án yêu cầu người phiên dịch để tránh các rắc rối phát sinh sau khi có bản án.

2. Chi phí người phiên dịch sẽ do ai chịu? Ai sẽ là người chọn người phiên dịch?

Chi phí của người phiên dịch sẽ do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận khác. Trong trường hợp Tòa án yêu cầu người phiên dịch thì chi phí cho người phiên dịch sẽ do Tòa án chi trả[5]. Người phiên dịch có thể được vợ hoặc chồng lựa chọn hoặc hai bên thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận. Ngoài ra, người phiên dịch còn có thể được Tòa án yêu cầu để phiên dịch[6].

3. Một trong hai bên vợ chồng có thể thay đổi người phiên dịch không?

Vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch theo quy định về Luật Tố tụng dân sự[9]. Người phiên dịch bị thay đổi trong những trường hợp sau[10]:

  • Người phiên dịch đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;
  • Có căn cứ rõ ràng cho rằng người phiên dịch có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ;
  • Người phiên dịch đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó; hoặc
  • Người phiên dịch đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.    

Khi có người yêu cầu thay đổi người phiên dịch thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trong trường hợp không chấp nhận thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do[13].

Trước khi mở phiên tòa, nếu nhận thấy người phiên dịch không bảo đảm chuyên môn thì đương sự có quyền đề nghị Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thay đổi người phiên dịch. Thẩm phán phải báo cáo ngay với Chánh án để xem xét có căn cứ hay không để thay đổi người phiên dịch. Nếu nhận thấy việc thay đổi người phiên dịch là có căn cứ thì Chánh án sẽ ra quyết định thay đổi người phiên dịch, nếu không thay đổi thì phải ra văn bản và nêu rõ lý do.


[1] Điều 20 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[6] Điều 81.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 70.14 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[10] Điều 82.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[13] Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.