Câu hỏi 124. Các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp dành cho NLĐ về sinh nhật, ma chay, cưới hỏi, tai nạn, hỗ trợ khi nhân viên bị ốm đau dài ngày… thông thường được quy định như thế nào? Doanh nghiệp có thể quy định các chính sách phúc lợi này trong sổ tay nhân viên của doanh nghiệp được không?

  1. Các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp được quy định như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật?

Các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp dành cho NLĐ thường được đưa vào trong nội dung TƯLĐTT của doanh nghiệp. Để thuận tiện cho việc xây dựng các chính sách phúc lợi này, NSDLĐ có thể tham khảo một số nội dung tương tự tại bảng dưới đây và có thể điều chỉnh các nội dung được đề cập sao cho phù hợp với chính sách cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật:

Chế độMức hưởngYêu cầu
Mừng sinh nhật500.000 đồng/ NLĐ 
Mừng đám cưới1.000.000 đồng/đám cướiBổ sung bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.  
Mừng sinh con1.000.000 đồng/con  Bổ sung bản sao giấy khai sinh của con.
Tang chế1.000.000 đồng/ NLĐÁp dụng đối với tứ thân phụ mẫu (cha mẹ vợ, cha mẹ chồng), vợ, chồng, con ruột của NLĐ; và   Bổ sung bản sao giấy chứng tử.  
Nằm viện do ốm đau, tai nạn1.000.000 đồng/ NLĐ /trường hợp.Từ 02 ngày đêm trở lên; và   Bổ sung bản sao giấy ra viện.  
Quà kỷ niệm khi NLĐ nghỉ việc500.000 đồng/ NLĐÁp dụng cho trường hợp NLĐ nghỉ việc có thời gian công tác tại doanh nghiệp từ đủ 03 năm trở lên tính từ ngày làm việc đầu tiên.  
Quốc tế phụ nữ ngày 8/3 (kể cả NLĐ thử việc)500.000 đồng/ NLĐ nữ và công ty tổ chức tiệc ngọt   
 Quốc tế thiếu nhi ngày 1/6 (kể cả NLĐ thử việc)   500.000 đồng/bé (dưới 12 tuổi) 
Du lịch hằng năm (kể cả NLĐ thử việc)  Tối thiểu 01 lần/năm 
Lưu ýĐối với NLĐ nào có thời gian làm việc từ đủ 01 năm trở lên được tính từ ngày đầu tiên làm việc cho doanh nghiệp sẽ được hưởng 100% chế độ. Áp dụng đối với tất cả các chế độ, sự kiện khác (nếu có). Đối với NLĐ có thời gian làm việc từ dưới 01 năm từ ngày đầu tiên làm việc cho doanh nghiệp sẽ được hưởng 50% chế độ. Mức hưởng áp dụng đối với tất cả các chế độ, sự kiện khác (nếu có).

2. Có thể quy định các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp trong sổ tay nhân viên của doanh nghiệp được không?

Trong thực tiễn, sổ tay nhân viên của doanh nghiệp có nguồn gốc xuất phát từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, du nhập theo cách các doanh nghiệp ở nước ngoài thường làm. Thông thường, sổ tay nhân viên của doanh nghiệp sẽ bao gồm tất cả các thông tin mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến NLĐ và muốn NLĐ phải hiểu và tuân thủ trong suốt thời gian NLĐ làm việc cho doanh nghiệp chẳng hạn như:

–  Lịch sử, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp;

  Các quy định về chế độ, chính sách đang áp dụng tại doanh nghiệp bao gồm thời giờ làm việc, tuyển dụng, đào tạo, nghỉ phép, cam kết bảo mật, khen thưởng, KLLĐ…;

–  Các quy tắc ứng xử chung;

–  Các chế độ phúc lợi dành cho NLĐ; và

  Các quyền lợi, nghĩa vụ khác của các bên…

Thông qua các nội dung như trên, có thể thấy rằng sổ tay nhân viên của doanh nghiệp thường bao gồm các thông tin được tổng hợp một phần từ NQLĐ và TƯLĐTT của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi NQLĐ và TƯLĐTT của doanh nghiệp được xem là hai văn bản có giá trị pháp lý của doanh nghiệp đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì sổ tay nhân viên lại không được xem là có giá trị pháp lý như vậy. Cụ thể, nếu có phát sinh tranh chấp lao động thì vấn đề chỉ được giải quyết dựa theo quy định của NQLĐ và TƯLĐTT của doanh nghiệp mà thôi. Ví dụ: nếu xử lý KLLĐ hoặc giải quyết tranh chấp lao động thì các quy định trong NQLĐ của doanh nghiệp sẽ được sử dụng làm cơ sở pháp lý bên cạnh các quy định của pháp luật lao động có liên quan để giải quyết vụ việc; hoặc nếu sổ tay nhân viên có quy định các chế độ phúc lợi cho NLĐ thấp hơn TƯLĐTT thì khi có tranh chấp lao động xảy ra, các nội dung được quy định tại TƯLĐTT vẫn được ưu tiên áp dụng…

Hơn nữa, chỉ có các chế độ phúc lợi cho NLĐ được nêu ra trong TƯLĐTT của doanh nghiệp mới được chấp nhận là chi phí được trừ của doanh nghiệp khi tính TTNDN (nếu hội đủ các điều kiện khác nữa), còn đối với những quy định được nêu trong sổ tay nhân viên thì sẽ không được xem là chi phí được trừ khi tính thuế TTNDN.

Với các lý do nêu trên thì sổ tay nhân viên của doanh nghiệp chỉ được xem là một văn bản nội bộ cần có cho mục đích chính là phục vụ công việc quản trị doanh nghiệp mà không phải là tài liệu bắt buộc phải có về phương diện pháp lý so với NQLĐ và TƯLĐTT của doanh nghiệp. Vì vậy, NSDLĐ nên cân nhắc để đưa các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp vào TƯLĐTT của doanh nghiệp hoặc đưa nội dung giống nhau vào cả TƯLĐTT và sổ tay nhân viên cho nhất quán thay vì chỉ đưa vào sổ tay nhân viên để bảo đảm sự phù hợp và tính hiệu lực của các chính sách phúc lợi nêu trên theo quy định của pháp luật thuế và lao động.