Câu hỏi 18: Trong trường hợp nào thì Tòa án mà đã thụ lý vụ án ly hôn có quyền chuyển hồ sơ vụ án ly hôn cho một Tòa án khác tiếp tục thụ lý giải quyết? Trong trường hợp đó, các thời hiệu trong các quy định về tố tụng dân sự có bị tính lại từ đầu từ khi Tòa án sau chính thức thụ lý vụ án không?

  1. Trong trường hợp nào thì Tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn có quyền chuyển hồ sơ vụ án ly hôn cho một Tòa án khác tiếp tục thụ lý giải quyết?

Hiện nay, có hai trường hợp mà Tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn có quyền chuyển hồ sơ cho một Tòa án khác tiếp tục thụ lý giải quyết, đó là:

  • Thứ nhất, vụ án ly hôn không thuộc thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý;

Về nguyên tắc, nếu vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án không được thụ lý và phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Tuy nhiên, nếu vì nhầm lẫn hoặc vì một lý do nào khác, Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện vụ án ly hôn không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý. Quyết định này sẽ được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan[1]. Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ án và hồ sơ vụ án ly hôn phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; và

  • Thứ hai, Tòa án Nhân dân cấp huyện đề nghị Tòa án Nhân dân cấp tỉnh lấy vụ án ly hôn lên giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện.

Đối với một số vụ án ly hôn có nhiều phức tạp, dù thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện nhưng Tòa án Nhân dân cấp huyện có quyền đề nghị Tòa án Nhân dân cấp tỉnh lấy vụ án lên để xét xử sơ thẩm. Trong trường hợp này, khi đã thụ lý vụ án, Tòa án Nhân dân cấp huyện có thể chuyển hồ sơ lên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh để xem xét chuyển cấp xét xử[3].

2. Trong trường hợp đó thì các thời hạn trong các quy định về tố tụng dân sự có bị tính lại từ đầu từ khi Tòa án sau chính thức thụ lý vụ án không?

Có rất nhiều loại thời hạn trong quá trình giải quyết một vụ án ly hôn ví dụ như thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn khiếu nại, thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trong số những thời hạn này, chỉ có thời hạn chuẩn bị xét xử là thời hạn duy nhất có thể bị tính lại khi có một số sự kiện luật định xảy ra. Tuy nhiên, theo quy định thì thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn không được tính lại khi Tòa án chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền khác giải quyết. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chỉ có 03 trường hợp mà thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại, bao gồm: tạm đình chỉ vụ án tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, tạm đình chỉ vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, và chuyển thủ tục giải quyết vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường[5]. Do đó, trong trường hợp Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền khác thụ lý thì thời hạn tố tụng vẫn không được tính lại.


[1] Điều 41.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 37.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 203.1.(b), Điều 286.3, Điều 317.4, Điều 323.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.