Câu hỏi 33. Khi chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có thể giữ lại một phần hoặc toàn bộ khoản tiền phải thanh toán cho NLĐ hoặc giữ sổ BHXH của NLĐ cho đến khi NLĐ hoàn thành các nghĩa vụ đối với NSDLĐ không? Nếu NLĐ gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc không chịu bàn giao tài sản cho doanh nghiệp, NSDLĐ có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ vào khoản thanh toán sau cùng cho NLĐ không?

  1. Trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ

BLLĐ có quy định trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ như sau[105]:

  • Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, các bên phải thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Thời hạn thanh toán có thể được kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây[106]:
  • NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
  • NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế;
  • Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; và
  • Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
  • Bên cạnh trách nhiệm thanh toán các khoản có liên quan đến NLĐ thì NSDLĐ còn phải thực hiện thủ tục với cơ quan BHXH có thẩm quyền để trả sổ BHXH và các những giấy tờ khác (nếu có) cho NLĐ[107].

Căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy rằng trách nhiệm thanh toán/hoàn trả đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên không chỉ thuộc về một mình NSDLĐ hay NLĐ mà là của cả các bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy định của BLLĐ luôn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như là bên yếu thế trong mối quan hệ lao động, NSDLĐ vẫn có nghĩa vụ thanh toán/chi trả các chế độ cho NLĐ cho dù NLĐ có hoàn thành các nghĩa vụ của mình chưa. Nói theo một cách khác, việc không hoàn thành trách nhiệm của NLĐ sẽ không phải là lý do hợp pháp để loại trừ nghĩa vụ của NSDLĐ khi HĐLĐ chấm dứt.

Nếu NSDLĐ không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán cho NLĐ trong thời hạn 14 ngày làm việc được tính từ ngày chấm dứt HĐLĐ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất là 4.000.000 đồng nếu NLĐ khiếu nại với cơ quan thanh tra lao động có thẩm quyền[108]. Do đó, NSDLĐ cần thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với NLĐ dù NLĐ có hoàn thành mọi nghĩa vụ của NLĐ hay chưa để tránh rủi ro pháp lý như được nêu ở trên. Nếu sau đó, NLĐ vẫn không hoàn thành nghĩa vụ của NLĐ đối với NSDLĐ khi HĐLĐ chấm dứt thì NSDLĐ có thể khởi kiện NLĐ ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu NLĐ bồi thường.

2. NSDLĐ có được quyền khấu trừ lương của NLĐ để bảo đảm cho các nghĩa vụ chưa hoàn thành của NLĐ đối với doanh nghiệp không?

Về mặt nguyên tắc, NSDLĐ không được quyền khấu trừ phần giá trị tài sản mà NLĐ chưa hoàn trả lại cho NSDLĐ vào tiền lương và các khoản phải trả chưa được thanh toán của NLĐ. Theo quy định của BLLĐ, việc khấu trừ lương của NLĐ chỉ được NSDLĐ thực hiện để bồi thường thiệt hại do NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ[109]. Cụ thể, NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong HĐLĐ của tháng trước liền kề trước khi gây ra thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương nếu do sơ suất NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị thuộc tài sản của doanh nghiệp với tống giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi mà NLĐ làm việc do Chính phủ công bố tại từng thời điểm[110]. Ngoài trường hợp trên, chưa thấy có quy định nào của BLLĐ cho phép NSDLĐ cấn trừ các khoản tiền khác (ngoài khoản tiền dùng để bồi thường thiệt hại như đã nêu ở trên) vào tiền lương của NLĐ. Do đó, nếu NLĐ không thuộc các trường hợp phải bồi thường thiệt hại cho NSDLĐ thì không có căn cứ pháp lý để NSDLĐ có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ. Như vậy, NSDLĐ vẫn phải trả đầy đủ các khoản chưa thanh toán cho NLĐ. Nếu sau khi đã thực hiện xong các nghĩa vụ của NSDLĐ và quá thời hạn theo quy định của pháp luật mà NLĐ vẫn không hoàn trả lại tài sản cho NSDLĐ theo yêu cầu, nếu số tài sản đó có giá trị lớn và/hoặc nếu xét thấy cần thiết phải làm gương cho những NLĐ khác trong doanh nghiệp thì NSDLĐ có thể khởi kiện NLĐ tại Tòa án có thẩm quyền để đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của pháp luật dân sự, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật[111]. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình khởi kiện đòi tại tài sản tại Tòa án có thẩm quyền thường mất nhiều thời gian và công sức của người đi kiện mà nhiều khi chi phí đó còn cao hơn phần tài sản cần được thu hồi. Do đó, NSDLĐ có thể cân nhắc thêm phương án thương lượng với NLĐ để yêu cầu NLĐ hoàn trả tài sản trong một khoảng thời gian hợp lý.

[105] Điều 48 BLLĐ

[106] Điều 48.1 BLLĐ

[107] Điều 48.3 BLLĐvà Điều 21.5 Luật BHXH

[108] Điều 11.1(a) Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/8/2013

[109] Điều 102.1 và Điều 129 BLLĐ

[110] Điều 129.1 BLLĐ

[111] Điều 166 Bộ luật Dân sự