Câu hỏi 48: Khi xét xử vụ án ly hôn của các cặp vợ chồng có nhiều con thì việc phân chia các con sẽ được Tòa án quyết định như thế nào? Tất cả các con sẽ được giao cho một bên và bên còn lại sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng hay là phân chia các con ra thành hai nhóm đồng đều nhau hay sẽ phân chia, một bên nhiều con và một bên ít con tùy theo khả năng của mỗi bên?

Hiện nay, một trong những vấn đề luôn được các cặp vợ chồng khi ly hôn quan tâm và dễ xảy ra tranh chấp nhất trong việc giải quyết ly hôn đó là giành quyền nuôi con. Dù một hay nhiều con thì việc xác định người trực tiếp nuôi con cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Pháp luật nói chung luôn đề cao sự thỏa thuận và Luật Hôn nhân và Gia đình cũng không phải là một ngoại lệ. Theo đó, hai bên vợ, chồng có quyền thỏa thuận với nhau về người nào sẽ trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn. Tuy nhiên, nếu không thể thỏa thuận được, Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện tốt nhất để quyết định ai trong hai bên vợ, chồng sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các con, cụ thể[1]:

  • Quyền lợi về mọi mặt của con;
  • Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; và
  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trên thực tế, để xem xét điều kiện đảm bảo quyền lợi của con, Tòa án thường căn cứ vào thu nhập, chỗ ở, thời gian chăm sóc con, quan hệ tình cảm của mỗi bên với người thứ ba, v.v. Như vậy, để bảo đảm điều kiện này, người vợ hoặc chồng nào muốn nuôi con đều phải chứng minh được bản thân có thể cung cấp cho con điều kiện sống tốt về vật chất (chỗ ở, học tập, vui chơi, giải trí, v.v.) và cả về tinh thần (thời gian con được cha, mẹ thương yêu, chăm sóc, giáo dục, v.v.). Hoặc ngược lại, vợ hoặc chồng có thể đưa ra những bằng chứng chứng minh chồng hoặc vợ còn lại không có đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi con. Thông thường, yếu tố tinh thần dễ được chứng minh hơn và thường được áp dụng trên thực tế. Chẳng hạn, bên còn lại đưa ra văn bản xác nhận của những người thân thích trong gia đình, hàng xóm, tổ trưởng khu phố, ấp hoăc thôn về việc người đang giành quyền nuôi con là người thường xuyên có những hành vi bạo lực gia đình, không thương yêu và làm gương tốt cho con hoặc đang sống chung như vợ chồng với người khác. Về mặt vật chất, họ có thể đưa ra các bằng chứng chứng minh về mức thu nhập thực tế của người kia là không đủ để nuôi sống hay là đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho con.

Đối với việc xem xét, lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên cần tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do đối tượng được lấy ý kiến khá đặc biệt và rất dễ nhạy cảm, nên người lấy ý kiến cần bảo đảm sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên[3]. Trong thực tế, Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 07 tháng 4 năm 2017 tại điểm 26 Mục IV hướng dẫn về việc này như sau: “…để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.” Như vậy có thể hiểu rằng, mặc dù có quy định về việc tham khảo ý kiến, tôn trọng quyết định của con nhưng Tòa án vẫn ưu tiên bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con hơn nên trên thực tế việc xem xét nguyện vọng của con chỉ mang tính tham khảo, một phần nhỏ để Tòa án đưa ra quyết định[4].

Dù là một hay nhiều con thì Tòa án vẫn luôn dựa trên các căn cứ nêu trên để đưa ra quyết định ai trong hai bên vợ, chồng sẽ là người sẽ có quyền nuôi con. Đặc biệt trong trường hợp nhiều con, Tòa án phải làm rõ điều kiện của các bên để quyết định giao các con cho ai hay có sự phân chia các con một cách hợp lý dựa trên khả năng thực tế của hai bên. Khó khăn cho Tòa án lúc này là buộc phải có sự tính toán về mức thu nhập của từng bên để xác định khả năng của một người có thể nuôi được mấy người con, đồng thời xác định các yếu tố khác ví dụ như chỗ ở, nơi học tập, vui chơi, ý kiến của các con, v.v. Trong trường hợp sau khi phân chia xong các con chung nhưng chưa cân bằng “lợi ích” thì người trực tiếp nuôi dưỡng (các) con này mà gánh vác ít trách nhiệm hơn người trực tiếp nuôi dưỡng (các) con kia sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên còn lại. Ví dụ: bản án ly hôn tuyên người chồng nuôi một con 16 tuổi, người vợ nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi. Khi đó, xét thấy chồng không phải dành quá nhiều thời gian, tiền bạc để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho con, Tòa án có thể căn cứ vào yếu tố này để quyết định về việc cấp dưỡng của chồng đối với hai con nhỏ. Điều này dựa trên nguyên tắc sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình và cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con[7].


[1] Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 208.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Nguyễn Phan Nam, “Quyền nuôi con khi ly hôn và các quy định của pháp luật”, Tạp chí Tòa án Nhân dân, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyen-nuoi-con-khi-ly-hon-va-cac-quy-dinh-cua-phap-luat.

[7] Điều 81.1, 82.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.