Câu hỏi 62: Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những loại tài sản hữu hình và vô hình nào? Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ ví dụ như quyền tác giả, quyền mua cổ phần, tư cách thành viên trong các hiệp hội xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, quyền hứa mua, hứa bán, quyền lợi trong di chúc của bên thứ ba mà hình thành trong thời kỳ hôn nhân có được xem là tài sản chung của vợ chồng không? Hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng của vợ, chồng có được xem là tài sản chung không? Tài sản hình thành từ hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng của mỗi vợ, chồng có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?

Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những loại tài sản hữu hình và vô hình nào?

Trước hết, tài sản cần được hiểu một cách tổng quát như thế nào. Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản rất rõ ràng, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản[1]. Theo tính chất vật lý, tài sản có thể được chia theo hai hình thức: hữu hình và vô hình. Vật, tiền, giấy tờ có giá, bất động sản, động sản có thể cầm, nắm hoặc nhìn thấy được là tài sản hữu hình và ngược lại, quyền tài sản (gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất[2], quyền đòi nợ[3] và các quyền tài sản khác) là tài sản vô hình (không thể nhìn thấy được).

Ở góc độ pháp lý về hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Như vậy, tùy thuộc vào loại tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá hay quyền tài sản để xếp chúng vào loại tài sản hữu hình hay vô hình. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm[7]:

Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;

  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng, trừ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng sau khi vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân và không có sự thỏa thuận rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia này là tài sản chung của vợ chồng;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung, tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; và
  • Thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, bao gồm:

Tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, ngoại trừ các khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi với người có công với cách mạng và quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; và

Tài sản mà vợ chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; và các khoản thu nhập hợp pháp khác[9].

Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ ví dụ như quyền tác giả, quyền mua cổ phần, tư cách thành viên trong các hiệp hội xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, quyền hứa mua, hứa bán, quyền lợi trong di chúc của bên thứ ba mà hình thành trong thời kỳ hôn nhân có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?

  1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ ví dụ như quyền tác giả hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, một trong những tài sản riêng của vợ, chồng đó là quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ[11]. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này còn nhiều vấn đề chưa thống nhất với nhau. Tình huống cụ thể như sau:

Trong thời kỳ hôn nhân, chị X sáng tác được 50 bài thơ và đã cho in thành sách. Chị X từ đó trở thành người nổi tiếng và nhận được nhiều tiền nhuận bút vì có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Chị có chồng là anh Y, sau khi chị X nổi tiếng thì hai bên phát sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến việc đôi bên thuận tình ly hôn nhưng có tranh chấp về tài sản. Theo anh Y, đây là tài sản chung của vợ chồng, vì chị X đã dành thời gian để sáng tác ra các bài thơ này trong thời kỳ hôn nhân, anh Y cũng buộc phải thay chị X gánh vác trách nhiệm gia đình chẳng hạn như việc chăm sóc con cái. Từ các lý lẽ trên, anh Y muốn được chia đôi 50 bài thơ do chị X sáng tác trong thời kỳ hôn nhân cũng như nhuận bút và những khoản thu nhập khác đã phát sinh từ các tác phẩm của chị X. Chị X không đồng ý với ý kiến của anh Y, vì chị cho rằng 50 bài thơ của chị là tác phẩm văn học, là tài sản sở hữu trí tuệ, gắn liền với nhân thân của chị và chị cũng dành thời gian lúc rảnh rỗi để sáng tác nên không ảnh hưởng đến công việc gia đình.

Vụ việc trên được Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết và có hai luồng quan điểm cho việc giải quyết vụ việc này:

Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận yêu cầu của anh Y. Hiện không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định tác phẩm văn học sáng tác trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Cũng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chị X sẽ được bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm, bao gồm các quyền hưởng nhuận bút, quyền được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng, quyền được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng dưới một số hình thức nhất định, quyền được nhận giải thưởng khi tác phẩm đạt giải.

Quan điểm thứ hai: Chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của anh Y. Nếu xem xét các tác phẩm văn học này dưới góc độ tài sản thì các khoản tiền tạo ra từ tác phẩm chẳng hạn như nhuận bút, những lợi nhuận phát sinh khác có thể được xem như khoản thu nhập được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thu nhập do lao động được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân hiển nhiên là tài sản chung của vợ chồng[13].

Trong hai quan điểm trên, quan điểm thứ hai tỏ ra hợp lý hơn. Bởi lẽ, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ là tài sản riêng của vợ, chồng. Do đó, quyền tài sản trong quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học là tài sản riêng của chị X. Chị X có thể khai thác, sử dụng tác phẩm văn học của mình để thu tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi tức mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình[15]. Theo đó, các khoản lợi tức mà chị X thu được từ việc khai thác quyền tài sản có thể được xem là lợi tức phát sinh từ tài sản riêng chị X. Như vậy, theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các khoản lợi tức này do phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên được tính là tài sản chung của vợ chồng.

2. Quyền mua cổ phần hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Đối với quyền mua cổ phần, có thể phát sinh một số trường hợp sau:

  • Người có quyền đang sở hữu cổ phần của công ty phát hành cổ phần; và
  • Người có quyền ưu tiên mua cổ phần do có những đặc điểm nhân thân, tài năng, uy tín, kỹ năng, v.v.

Trong trường hợp (a) ở trên, nếu nguồn gốc số tiền mua cổ phần là từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì quyền mua cổ phần, một quyền tài sản, được xem là tài sản riêng của vợ hoặc chồng do đây là tài sản hình thành từ tài sản riêng của mỗi bên. Ngược lại, nếu nguồn gốc số tiền mua cổ phần là từ tài sản chung của vợ chồng, theo phân tích nêu trên, quyền mua cổ phần là tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp (b) ở trên, vì quyền mua cổ phần chỉ phát sinh do các đặc điểm bản thân của vợ, chồng, nên quyền này có thể được xem là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của vợ, chồng. Do đó, quyền mua cổ phần được xác định là tài sản riêng khác của vợ, chồng[17].

3. Tư cách thành viên trong các hiệp hội xã hội, hiệp hội nghề nghiệp hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Đối với tư cách thành viên trong các hiệp hội xã hội và hiệp hội nghề nghiệp, cần xác định các tư cách thành viên này có định giá trị được bằng tiền được hay không. Nếu có thể định giá trị được bằng tiền, các quyền phát sinh từ các tư cách thành viên có thể xem xét đưới góc độ quyền tài sản[19] và là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của vợ, chồng. Trong trường hợp đó, tư cách thành viên trong các hiệp hội xã hội, nghề nghiệp có thể được xem là tài sản riêng của vợ, chồng.

4. Quyền hứa mua, hứa bán, quyền lợi trong di chúc của bên thứ ba mà hình thành trong thời kỳ hôn nhân

Đối với quyền lợi trong di chúc của bên thứ ba mà hình thành trong thời kỳ hôn nhân, quyền này có thể được xem là gắn liền với nhân thân của người được hưởng và là tài sản riêng của người vợ hoặc chồng đó.

Hiện nay, một trong những loại hình giao dịch tương đối phổ biến nhưng không được pháp luật điều chỉnh đó là quyền hứa mua, hứa bán. Tuy nhiên, pháp luật không cấm đối với loại giao dịch này nên trên thực tế nó vẫn diễn ra rất nhiều và từ đó phát sinh ra quyền hứa mua, hứa bán. Đây được xem là một loại quyền phát sinh tiền chuyển nhượng. Tuy nhiên, để xác định quyền hứa mua, hứa bán có phải là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay không sẽ phụ thuộc vào đối tượng được hứa mua, hứa bán. Chẳng hạn như đối tượng là nhà ở hình thành trong thời kỳ hôn nhân và thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì đương nhiên quyền hứa mua, hứa bán là tài sản chung của vợ chồng và ngược lại. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, đối tượng là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân và thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ chồng[21]. Từ đó, có thể hiểu rằng nếu đối tượng của hợp đồng hứa mua, hứa bán là tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân và hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì quyền này của chủ sở hữu sẽ bị hạn chế.

Hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng của mỗi người có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?

Về nguyên tắc cơ bản, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia là tài sản riêng của người đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác[23].

Hiện nay, xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng ngày càng phổ biến trong xã hội. Thỏa thuận này phải được lập trước khi đăn ký hôn nhân, và một trong những nội dung cơ bản của thỏa thuận này là xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng[25]. Do đó, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân có thể là tài sản riêng hoặc tài sản chung của vợ chồng phụ thuộc vào thỏa thuận này.

Tài sản hình thành từ hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng của vợ, chồng có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?

Nếu ở vấn đề trên, hoa lợi, lợi tức được xem là tài sản cấp bậc 1 được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng thì tài sản hình thành từ hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng được xem là cấp bậc 2 của tài sản riêng đó. Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ chồng[27]. Do vậy, có thể hiểu rằng những tài sản nào được hình thành từ tài sản chung của vợ chồng sẽ là tài sản chung, tức là tài sản nào hình thành từ hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng trong trường hợp này sẽ vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng.

Hiện nay, pháp luật cho phép vợ, chồng được quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ chồng mà không xác định được đó là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì sẽ thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng[29]. Như vậy, có thể kết luận rằng, khi đã chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, mọi tài sản hình thành từ hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của mỗi người sẽ là tài sản riêng của người đó.


[1] Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Điều 450.2 Bộ luật Dân sự 2015.

[7] Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[9] Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[11] Điều 11.1 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[13] Nguyễn Thị Huyền, “Tác phẩm văn học có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?”, Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=51955772

[15] Điều 10.2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.

[17] Điều 11.3 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[19] Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015.

[21] Điều 44.4 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[23] Điều 14.2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[25] Điều 48.1.(a) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[27] Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[29] Điều 14.3 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.