Câu hỏi 63: Trong thời kỳ hôn nhân, hai bên vợ chồng có được quyền thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và xác định thời điểm để các tài sản khác hình thành từ thời điểm đó trở đi sẽ là tài sản riêng của người vợ hoặc chồng tạo lập ra nó không? Nếu được thì cần sự xác nhận của cơ quan Nhà nước nào?

Việc chia tài sản chung của vợ chồng sẽ được thực hiện nếu vợ chồng muốn phân chia tài sản chung và vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân. Đây là quyền cơ bản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trong trường hợp vợ chồng muốn phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vấn đề này có thể thực hiện bằng một trong các cách sau đây[1]:

  • Vợ, chồng tự nguyện thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng và phải lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn đối tượng được chia là bất động sản thì bắt buộc phải công chứng; và
  • Theo yêu cầu của vợ hoặc chồng, Tòa án sẽ giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Sau khi lập văn bản thỏa thuận chia tài sản chung, tùy vào từng trường hợp cụ thể để có thể xác định thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng[3]:

  • Vợ chồng tự nguyện thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực và nêu rõ thời điểm này trong thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng thì hiệu lực của thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định căn cứ theo thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp văn bản thỏa thuận không có thời điểm có hiệu lực thì thời điểm được tính vào ngày lập văn bản;
  • Trong trường hợp theo quy định của pháp luật các giao dịch có liên quan đến tài sản được phân chia phải tuân theo một hình thức nhất định nào đó thì việc thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng sẽ có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. Lấy ví dụ như tài sản được phân chia là quyền sử dụng đất hay nhà ở thì phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, thời điểm có hiệu lực sẽ được tính từ ngày hoàn tất thủ tục đăng ký theo luật định; và
  • Trong trường hợp vợ, chồng yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì việc phân chia tài sản chung sẽ có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, vợ chồng không thể thỏa thuận trong văn bản việc phân chia tài sản chung của vợ chồng rằng các tài sản khác hình thành từ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực trở đi hoặc từ một mốc thời gian khác trở đi sẽ là tài sản riêng của người tạo lập. Bởi bản chất của việc phân chia tài sản chung là các đối tượng được chia phải là tài sản chung cụ thể của vợ chồng. Trong cùng văn bản này, vợ chồng được phép chia một hoặc nhiều hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng nhưng các tài sản chung phải là có thật, có thể xác định được (dù hiện có hoặc chưa hình thành nhưng chắc chắn sẽ được hình thành trong tương lai). Nếu vợ chồng có nhu cầu xác định tài sản nào hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản riêng của mỗi người thì hai bên vẫn có thể thỏa thuận được nhưng thỏa thuận này phải được xác lập trước khi hai bên đăng ký kết hôn, và được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực[5].


[1] Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[5] Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.