Câu hỏi 64: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, trong thời gian hôn nhân hai bên có quyền thỏa thuận với nhau về việc phân chia một phần hay toàn bộ tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, đối với những hoa lợi, lợi tức và chi phí phát sinh từ những tài sản được chia đó thì sẽ do ai được hưởng hay gánh chịu? Có những loại tài sản nào mà không thể được chia? Có trường hợp nào mà vợ chồng không được quyền chia tài sản không? Thỏa thuận phân chia tài sản của vợ chồng có cần người làm chứng không? Vợ chồng có cần đem thỏa thuận phân chia tài sản đi công chứng hoặc chứng thực không?

Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những tài sản được phân chia theo thỏa thuận của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu của ai? Chi phí mà phát sinh từ những tài sản được chia này do ai chịu?

Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không còn quá xa lạ trong các giao dịch về tài sản của các cặp vợ chồng hiện nay. Theo nguyên tắc chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân đều được xem là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi chia một tài sản chung cụ thể nào đó thành tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó sẽ được xem là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác[1].

Về chi phí phát sinh từ những tài sản được chia, có thể xác định một số chi phí có liên quan chẳng hạn như: thuế thu nhập cá nhân; lệ phí quản lý Nhà nước có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; nghĩa vụ chung của vợ chồng đã phát sinh từ tài sản được chia.

Thuế thu nhập cá nhân

Cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú tại Việt Nam đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập thuộc danh sách các loại thu nhập chịu thuế theo quy định của luật thuế thu nhập cá nhân. Theo Điều 3.9, 3.10 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014, các loại thu nhập phát sinh từ vợ, chồng thuộc loại thu nhập chịu thuế như sau:

  • “9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
  • 10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.”
  • Theo Điều 4.1 và Điều 4.4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập sau đây từ vợ, chồng thuộc diện thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân:
  • “1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
  • 4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”

Có thể thấy rằng, thu nhập của vợ, chồng phát sinh từ việc chia tài sản chung của vợ chồng không được quy định thuộc loại thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, hay thuộc loại thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không quy định nguyên tắc để xác định loại thu nhập không được quy định trong luật sẽ thuộc các loại thu nhập chịu thuế hay thu nhập được miễn thuế.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định, bản án của Tòa án thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế  thu nhập cá nhân[3]. Trong một văn bản của Cục Thuế Thành phố Hà Nội hướng dẫn Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam năm 2018 có nội dung như sau: “…Trường hợp cá nhân Bà X được chồng thỏa thuận chuyển số chứng khoán đứng tên chồng sang thành tài sản riêng (tên bà X) thì bà X phải nộp thuế TNCN tương ứng với số lượng chứng khoán là tài sản riêng của chồng tặng cho hoặc 50% số lượng chứng khoán nếu là phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tương ứng với phần của chồng chuyển sang…”[4]. Theo các quy định được trích dẫn ở trên, quà tặng là chứng khoán giữa vợ và chồng là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng không có quy định chứng khoán là tài sản riêng được vợ chồng phân chia trong thời kỳ hôn nhân là thu nhập chịu thuế hay được miễn thuế.

Do đó, trước các thiếu sót của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đã phân tích và tham khảo các hướng dẫn dưới luật, thuế thu nhập cá nhân phát sinh từ việc phân chia tài sản chung của vợ chồng sẽ được xem xét trên nguyên tắc như sau:

  • Các thu nhập là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, tài sản phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân. Bởi lẽ, thu nhập từ việc được vợ hoặc chồng tặng cho, nhận thừa kế các loại tài sản trên từ vợ hoặc chồng đều là các loại thu nhập không phải đền bù và phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Việc vợ hoặc chồng có được phần tài sản riêng từ việc phân chia tài sản chung của vợ chồng cũng có tính chất không phải đền bù cho người còn lại. Vì vậy, thu nhập từ việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các loại tài sản riêng nêu trên, ở góc độ thu ngân sách Nhà nước, sẽ được xem là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; và
  • Đối với các tài sản riêng được phân chia là bất động sản, cũng theo lý lẽ trên, thu nhập là bất động sản được chia trong thời kỳ hôn nhân sẽ phải là thu nhập được miễn thuế. Bởi lẽ, ngay cả khi ly hôn, tức là lúc hai bên vợ chồng không còn là vợ chồng nữa, thì thu nhập có được là bất động sản là tài sản chung của vợ chồng được phân chia cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân, thì không có lý do gì thu nhập có được là bất động sản là tài sản chung của vợ chồng được chia trong thời kỳ hôn nhân không được xem là thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân.
  • Lệ phí quản lý Nhà nước có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

Có một số tài sản mà theo quy định của pháp luật chủ sở hữu, sử dụng tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và trả một khoản lệ phí cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được pháp luật cấp giấy chứng nhận và bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các tài sản thuộc loại này có thể kể đến như: nhà, đất, tàu thủy, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay, xe máy, ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, và các loại xe tương tự.

  • Nghĩa vụ chung của vợ chồng phát sinh từ các tài sản được chia

Sau thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng, những tài sản đã được chia trở thành tài sản riêng của vợ, chồng. Do đó, về nguyên tắc chung, nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng là nghĩa vụ riêng của mỗi người và được thanh toán từ tài sản riêng của người đó[7]. Các nghĩa vụ liên quan đến tài sản được chia được xác lập trước đó giữa vợ chồng với những người thứ ba sẽ được giữ nguyên[8]. Những người thứ ba này khi giao dịch về tài sản với vợ, chồng không buộc phải biết vợ, chồng đã phân chia tài sản chung của họ vào lúc nào trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, để tránh trường hợp người thứ ba giao dịch với vợ chồng mà đã phân chia tài sản chung của vợ chồng rồi, khi giao dịch tài sản với vợ chồng, người thứ ba nên làm rõ tài sản đó hiện là tài sản riêng hay là tài sản chung của vợ chồng để xác định người sẽ có nghĩa vụ với mình.

Trong trường hợp nào vợ chồng không được quyền chia tài sản hoặc những tài sản không thể được phân chia theo quy định của pháp luật

Thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng là quyền của vợ chồng trên cơ sở ý chí tự nguyện của hai bên. Tuy nhiên, để bảo vệ điều kiện sống của gia đình trong một số trường hợp đặc biệt hoặc để đảm bảo nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của vợ chồng được thực hiện đầy đủ, pháp luật có những quy định hạn chế quyền này của vợ chồng như sau:

Thứ nhất, những trường hợp vợ và chồng không được quyền chia tài sản chung của vợ chồng gồm[11]:

  • Việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình; và
  • Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ: nuôi dưỡng, cấp dưỡng; bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức, cá nhân khác hay nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ nộp thuế hay các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước và các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.

Khi đó, thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng sẽ bị vô hiệu.

Thứ hai, những tài sản không thể được phân chia: Đây là những tài sản mặc dù có thể được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng theo quy định của pháp luật là tài sản riêng của vợ, chồng[13], bao gồm:

  • Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác;
  • Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; và
  • Đối với những tài sản mà vợ chồng không thể thỏa thuận phân chia, luật chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Tuy nhiên, có thể áp dụng tương tự việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, theo đó, quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản chỉ được chia cho bên vợ hoặc chồng nào mà có điều kiện sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Ví dụ: Người chồng anh A là một thương nhân trong ngành máy móc, thiết bị nông ngư cơ, người vợ chị B là một nông dân chuyên canh hoa màu. Chị B được Nhà nước giao đất trước khi kết hôn với anh A nhưng sau khi kết hôn, hai bên thỏa thuận đưa quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm được giao thành tài sản chung của hộ gia đình gồm anh A và chị B. Như vậy, khi chia tài sản nêu trên, mặc dù chị B đồng ý chia cho anh A, nhưng do anh A là thương nhân, không sống bằng nghề nông nên không đủ điều kiện để được chia quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.

Hình thức của thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng không cần sự có mặt và xác nhận của người làm chứng nhưng phải được lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, đối với bất động sản, động sản phải đăng ký ví dụ như tàu biển, ô tô, xe máy, v.v., thì văn bản thỏa thuận phân chia tài sản phải được công chứng.


[1] Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Điều 14.2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[3] Điều 3.1.(a) Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài chính.

[4] Công văn số 8377/CT-TTHT ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội.

[7] Điều 44.3, 45.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[8] Điều 40.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[11] Điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[13] Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.