Câu hỏi 66. Nếu bị cắt điện có báo trước mà không phải do lỗi của doanh nghiệp, NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐ nghỉ phép năm hoặc giảm lương NLĐ với lý do doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động và NLĐ không thể đi làm vào ngày đó không?

Theo quy định tại Điều 99.3 BLLĐ, nếu NLĐ phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không phải do lỗi của NSDLĐ, NLĐ vẫn sẽ được NSDLĐ trả tiền lương ngừng việc. Tiền lương ngừng việc phải do các bên tự thoả thuận, cụ thể như sau: (1) Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc của NLĐ được thỏa thuận sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; hoặc (2) Nếu NLĐ phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do các bên tự thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu bị cắt điện có báo trước do chính sách của đơn vị điện lực cũng có thể được xem như là sự cố về điện mà không phải do lỗi của NSDLĐ. Vì vậy, NLĐ vẫn được trả tiền lương ngừng việc như được quy định tại Điều 99.3 BLLĐ nói trên. Theo đó, cả 02 phương án: (i) yêu cầu NLĐ nghỉ phép hàng năm; hoặc (ii) giảm lương NLĐ đều không đúng với quy định của BLLĐ. Trong trường hợp này, NSDLĐ phải trả tiền lương ngừng việc cho NLĐ theo một trong 02 phương án như trên.

Lưu ý rằng, NSDLĐ cũng không nên đơn phương quyết định về khoản tiền lương ngừng việc phải trả cho NLĐ trong trường hợp này, dù mức lương mà NSDLĐ xác định có cao hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc trong 14 ngày đầu tiên có cao hơn mức lương tối thiểu vùng đi chăng nữa. Lý do cho quan điểm này là vì các quy định của BLLĐ chưa có quy định nào giải quyết cho trường hợp NLĐ không đồng ý với thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Vì vậy, để tránh rủi ro khi không đạt được thỏa thuận với NLĐ, NSDLĐ nên trả cho NLĐ đủ tiền lương như đã thỏa thuận trong HĐLĐ.

Câu hỏi đặt ra ở đây chính là việc NSDLĐ phải làm như thế nào nếu có quá nhiều NLĐ bị ảnh hưởng và khó có thể đạt được thỏa thuận về tiền lương ngừng việc đối với tập thể NLĐ? BLLĐ cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào đối với phương thức thỏa thuận trong trường hợp này. Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã tham vấn và nhận được đồng thuận với Ban chấp hành CĐCS trước khi thực hiện. Việc thỏa thuận này có thể được thông qua sau một cuộc họp để ghi nhận việc thỏa thuận về tiền lương ngừng việc trả cho NLĐ. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề chưa thật sự rõ ràng của BLLĐ, cho nên tính hợp pháp của giải pháp này vẫn chưa được chắc chắn. Vì vậy, NSDLĐ vẫn nên thỏa thuận với tất cả NLĐ của doanh nghiệp về mức tiền lương ngừng việc. Nhưng để đơn giản hóa quy trình, NSDLĐ cũng có thể lập danh sách NLĐ và đính kèm với đề xuất chung của doanh nghiệp về mức tiền lương ngừng việc với một tỷ lệ (%) giảm chung cho tiền lương của tất cả NLĐ nhưng sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, sau đó thu thập xác nhận của NLĐ bằng việc ký vào danh sách này.