Câu hỏi 86: Khi giải quyết ly hôn mà có các tài sản chung của vợ chồng cần định giá nhưng vợ chồng lại không thể thỏa thuận được với nhau về giá trị tài sản và/hoặc đồng ý với nhau việc chọn đơn vị thẩm định tài sản thì Tòa án có quyền chỉ định một bên thứ ba cung cấp dịch vụ thẩm định tài sản không hay chỉ khi nào có yêu cầu của một trong hai bên vợ chồng hay của cả hai bên thì Tòa án mới được quyền chỉ định? Nếu Tòa án được quyền chỉ định khi có yêu cầu thì ai sẽ chịu chi phí thẩm định này?

Việc xác định giá trị của tài sản chung của vợ chồng trong quá trình ly hôn trước tiên được căn cứ dựa theo sự thỏa thuận và thống nhất một cách hợp lý của vợ chồng, dựa trên cơ sở phù hợp với giá thị trường tại thời điểm thỏa thuận và không nhằm trốn tránh một nghĩa vụ nào khác với bên thứ ba, bao gồm cả nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong trường hợp vợ và chồng không thể thống nhất được với nhau về giá trị của tài sản chung của vợ chồng để yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia thì việc xác định giá trị của các tài sản chung này sẽ được thực hiện như sau:

  • Trước tiên, vợ và chồng sẽ thống nhất việc lựa chọn một tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định và nộp kết quả thẩm định để Tòa án làm căn cứ giải quyết. Chi phí cho việc thẩm định giá do hai bên vợ chồng tự thỏa thuận hoặc trong trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án có thể phân chia căn cứ theo nguyên tắc mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà người được được chia[1];
  • Trong trường hợp vợ chồng không thể thống nhất việc lựa chọn bên thứ ba thực hiện việc thẩm định giá của tài sản chung của vợ chồng hoặc không đưa ra được thỏa thuận chung về đơn vị sẽ thẩm định giá tài sản; giá tài sản, cũng như mức giá đưa ra khác nhau thì có thể yêu cầu Tòa án chỉ định một tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định. Tòa án, do đó, có quyền chỉ định bên thứ ba cung cấp dịch vụ thẩm định giá tài sản trong trường hợp được một trong hai bên hoặc cả hai bên vợ chồng yêu cầu. Trong trường hợp này, chi phí cho việc thẩm định sẽ được Tòa án xác định dựa theo nguyên tắc xác định ở trường hợp trên. Tức là, phần tài sản được chia cho vợ hoặc chồng nào thì người đó phải chịu chi phí thẩm định tương ứng với phần tài sản đó;
  • Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đơn vị thẩm định giá có vi phạm trong công tác thẩm định hoặc mức giá hai bên vợ chồng thỏa thuận với đơn vị thẩm định giá thấp hơn mức giá thị trường tại thời điểm định giá và việc này nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc với người thứ ba có liên quan thì Tòa án có quyền chỉ định một bên thứ ba cung cấp dịch vụ thẩm định tài sản. Chi phí thẩm định trong trường hợp này sẽ được xác định như sau[3]:

Đương sự phải chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản nếu kết quả thẩm định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ. Việc xác định phần chi phí mỗi bên vợ, chồng phải chịu vẫn sẽ trên nguyên tắc phần tài sản được chia cho người nào thì người đó phải chịu chi phí thẩm định tương ứng với phần tài sản đó;

Tòa án sẽ trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.

Mặc dù trong trường hợp (b) và (c).(i) nêu trên, Tòa án sẽ xác định chi phí thẩm định trên nguyên tắc phần tài sản được chia cho người vợ hoặc chồng nào thì người đó phải chịu chi phí thẩm định tương ứng với phần tài sản đó, nhưng các bên có thể tự nguyện thỏa thuận với nhau và yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận có liên quan đến nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định này trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trên đây là toàn bộ những quy định theo lý thuyết nhưng trên thực tế việc áp dụng luật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như quy định về việc tổ chức thẩm định giá đưa ra giá thẩm định thấp. Đối với các loại tài sản đặc biệt chẳng hạn như quyền sử dụng đất, Tòa án có thể căn cứ vào khung giá đất hằng năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu không chỉ là quyền sử dụng đất, nhà mà còn các loại tài sản khác ví dụ như xe, máy móc, thiết bị đồ dùng gia đình, v.v. thì rất khó để có thể xem xét giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra có phù hợp không. Trong trường hợp các đương sự thuê tổ chức thẩm định giá lại càng khó cho Tòa án trong việc xác định giá khi có sự thỏa thuận giữa tổ chức thẩm định giá với các đương sự, mọi chuyện chỉ phát sinh khi có sự tranh cãi, mâu thuẫn giữa vợ chồng[5].

Ngoài ra, theo quy định, nếu giá tài sản mà vợ chồng thỏa thuận với nhau hoặc giá tài sản theo thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá tài sản thấp hơn mức giá của thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc bên thứ ba, Tòa án sẽ ra quyết định thẩm định giá. Tuy nhiên, hiểu thế nào là giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá lại là câu chuyện khác. Giá thị trường là một khái niệm khá mơ hồ và đặc biệt khó xác định đối với những tài sản mang tính biến động cao về giá chẳng hạn như quyền sử dụng đất, nhà, cổ phiếu, v.v.. Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm định giá cũng không chính xác, bởi vì một vụ án dân sự có thể trải qua quá trình tố tụng trong một khoảng thời gian rất dài, qua nhiều giai đoạn xét xử chẳng hạn như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy thời điểm định giá là thời điểm sơ thẩm lần đầu hay tại từng giai đoạn phải tổ chức một lần thẩm định lại giá tài sản cho phù hợp với giá thị trường tại thời điểm xét xử là một vấn đề pháp lý còn đang bị bỏ ngỏ[7].


[1] Điều 165.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 165.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Nguyễn Nam Hưng, “Một số vướng mắc về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong BLTTDS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 9/2018, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nhung-bat-cap-ve-dinh-gia-tai-san-tham-dinh-gia-tai-san-trong-blttds-nam-2015

[7] Nguyễn Nam Hưng, “Một số vướng mắc về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong BLTTDS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 9/2018, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nhung-bat-cap-ve-dinh-gia-tai-san-tham-dinh-gia-tai-san-trong-blttds-nam-2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.