- Những tài liệu nào sẽ được xem là chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự?
Chứng cứ là phần không thể thiếu trong mỗi vụ án ly hôn để làm rõ sự thật khách quan cũng như làm căn cứ chứng minh các yêu cầu của đương sự là hợp pháp. Một trong những nguồn chứng cứ phổ biến hiện nay là các tài liệu mà đương sự cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án tự thu thập. Để một tài liệu được xem là chứng cứ theo quy định của Luật Tố tụng dân sự thì tài liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Tài liệu này phải là có thật, không phải do ngụy tạo hay tự ý sửa chữa. Chẳng hạn, một giấy nhận nợ của vợ chồng với người thứ ba do người thứ ba tự lập và giả mạo chữ ký của một bên vợ hoặc chồng thì giấy này không phải là chứng cứ;
- Tài liệu được đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nếu việc giao nộp hoặc Tòa án tự thu thập này trái với trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì các tài liệu đó vẫn không được xem là chứng cứ. Chẳng hạn, nguyên đơn không chịu nộp chứng cứ trước phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của Tòa án mà cố tình giấu giếm chứng cứ, đợi đến hôm mở phiên tòa sơ thẩm mới công bố nhằm gây bất lợi cho bị đơn thì Tòa án có thể bác chứng cứ này; và
- Các tài liệu được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, một tài liệu dù là có thật, được nộp cho Tòa án đúng theo quy định của pháp luật nhưng không có liên quan đến vụ án thì vẫn không được xem là chứng cứ.
Tài liệu là chứng cứ theo quy định của pháp luật có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như tài liệu đọc được, nhìn được, nghe được, dữ liệu điện tử. Đối với mỗi nguồn, pháp luật có thêm những yêu cầu riêng để tài liệu thuộc nguồn đó được Tòa án xem xét là chứng cứ. Các nguồn tài liệu và yêu cầu của mỗi nguồn hiện nay được quy định như sau:
- Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao. Chẳng hạn: Bản sao chứng thực giấy khai sinh con chung, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc có liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu đó có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh, v.v.. Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp sẽ không được xem là chứng cứ. Chẳng hạn: nguyên đơn nộp một đoạn băng ghi âm lời nói của bị đơn cho Tòa án thì nguyên đơn phải gửi cho Tòa án văn bản trình bày liên quan đến việc ghi âm đó; và
- Thông điệp dữ liệu điện tử dược thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của Luật giao dịch điện tử.
Nếu các tài liệu đáp ứng tất cả các yêu cầu được nêu ở trên thì sẽ được xem là chứng cứ trong vụ án ly hôn.
2. Những đoạn trao đổi tin nhắn, điện thoại hay ảnh chụp đương sự có quan hệ bất chính có được xem là chứng cứ chứng minh cho việc ngoại tình hay không?
Đối với tin nhắn điện thoại
Tin nhắn điện thoại là một dạng thông điệp dữ liệu điện tử và có thể được xem như là chứng cứ theo Điều 95.3 Bộ luật tố Tụng dân sự 2015 và giá trị chứng cứ của tin nhắn sẽ được đánh giá theo Luật Giao dịch điện tử 2015. Điều 14.2 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Qua đó có thể thấy, những đoạn trao đổi tin nhắn mặc dù có thể được xem là chứng cứ, nhưng đây không phải là loại chứng cứ có giá trị chứng minh cao. Tin nhắn không có độ tin cậy về cách thức khởi tạo vì có thể dễ dàng bị làm giả khi một người có thể tự lấy điện thoại hoặc sim của người khác để tự nhắn tin. Tin nhắn cũng không bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu vì ít khi được trình bày dưới hình thức văn bản đầy đủ mà thường nhắn theo các câu riêng lẻ và người dùng có thể dễ dàng xóa bớt. Tin nhắn cũng khó xác định người khởi tạo bởi không dễ dàng để xác định chính xác người nhắn tin bên kia có đúng là người bị cáo buộc hay không. Do đó, Tòa án vẫn sẽ xem xét những tin nhắn này nhưng đương sự vẫn cần đưa ra những chứng cứ khác để thuyết phục Tòa án rằng vợ hoặc chồng đang có hành vi ngoại tình.
Đối với ảnh chụp đương sự có quan hệ bất chính
Ảnh chụp là tài liệu nhìn được theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tài liệu này chỉ được xem là chứng cứ khi được xuất trình kèm theo văn bản trình bày về xuất xứ của tài liệu nếu đương sự tự chụp hình, quay phim hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc có liên quan đến việc chụp hình, quay phim đó[1]. Như vậy, muốn ảnh chụp của vợ hoặc chồng có quan hệ bất chính với người khác được Tòa án xem xét, đương sự phải có văn bản trình bày về việc xuất xứ của những hình ảnh này, chẳng hạn như làm cách nào mà đương sự có được các hình ảnh đó (tự chụp hay thuê thám tử tư), hoặc xác nhận của người đã cung cấp cho đương sự những hình ảnh này. Nếu không, những hình ảnh cung cấp sẽ không có giá trị chứng minh trong vụ án ly hôn.
[1] Điều 95.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.