Câu hỏi 91: Khi nguyên đơn là vợ hoặc chồng cung cấp các chứng cứ có liên quan đến vụ án ly hôn nhưng Tòa án phát hiện các chứng cứ đó là giả mạo hay có đơn tố cáo các chứng cứ đó là giả mạo thì nguyên đơn có quyền xin Tòa án rút lại các chứng cứ mà nguyên đơn đã nộp không?

Không hiếm các trường hợp trong vụ án ly hôn, nguyên đơn là vợ hoặc chồng đã cung cấp cho Tòa án các chứng cứ bị giả mạo một cách cố ý hoặc vô ý. Đương nhiên, những chứng cứ bị giả mạo này sẽ không được xem là chứng cứ có giá trị chứng minh, bởi vì theo quy định của pháp luật, chứng cứ phải là những gì có thật[1]. Trong những trường hợp như vậy, pháp luật cho phép nguyên đơn rút lại các chứng cứ bị tố cáo là giả mạo. Nếu nguyên đơn không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có thể tự mình quyết định việc trưng cầu giám định chứng cứ bị nghi là giả mạo[2].

Hậu quả của việc giao nộp chứng cứ giả mạo không chỉ là việc Tòa án sẽ không xem xét chứng cứ đó, mà còn có thể dẫn đến trách nhiệm của người giao nộp về mặt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự đối với người giao nộp. Ngoài ra, nếu kết luận giám định khẳng định chứng cứ là giả mạo thì người nộp chứng cứ giả mạo còn phải chịu chi phí giám định.

Vấn đề quan trọng ở đây là tại thời điểm nào thì người cung cấp chứng cứ có thể rút lại chứng cứ do người đó cung cấp? Theo quy định của pháp luật, sau khi có đơn tố cáo chứng cứ là giả mạo thì theo yêu cầu của một bên hoặc nhiều bên đương sự, Tòa án có thể ra quyết định trưng cầu giám định chứng cứ mà bị tố là giả mạo. Trong trường hợp không có yêu cầu giám định từ các bên đương sự, Tòa án có thể tự ra quyết định trưng cầu giám định nếu xét thấy việc giám định là cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Như vậy, có thể thấy, việc rút lại chứng cứ của người cung cấp chứng cứ nên được thực hiện trước khi có quyết định trưng cầu giám định từ phía Tòa án. Bởi vì, khi đã có quyết định từ phía Tòa án, chứng cứ sẽ được gửi đi giám định ngay nên đương sự sẽ không thể rút lại chứng cứ trong quá trình giám định. Đến khi kết quả giám định đã có thì việc rút lại chứng cứ đã không còn ý nghĩa nữa bởi vì việc chứng cứ là thật hay bị giả mạo đã được làm rõ thông qua kết quả giám định.


[1] Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 103.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.