Làm Thiện Nguyện, Liệu Có Thôi Những Ngại Ngần?

Làm Thiện Nguyện, Liệu Có Thôi Những Ngại Ngần?

(Luật sư Trần Thị Kim Nga, Nguyễn Đức Huy & Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty Luật Phuoc & Partners)

Việc Nghị định 64/2008/NĐ-CP thiếu vắng hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân (sau đây gọi chung là “pháp nhân”) và cá nhân đứng ra vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện đã phần nào dẫn đến không ít “lùm xùm”, thậm chí là tâm lý “ngại” làm thiện nguyện trong thời gian vừa qua. Để khắc phục thiếu sót đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (“Nghị định 93”) có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2021, thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề nêu trên. Bằng việc phân tích, góp ý về những điểm chưa thật rõ ràng của Nghị định 93 trong việc kêu gọi đóng góp khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố, bài viết sau đây hi vọng sẽ góp phần “minh bạch hóa” hoạt động thiện nguyện vốn dĩ đầy tính nhân ái.

Thứ nhất, căn cứ, thủ tục vận động đóng góp tự nguyện

Theo Nghị định 93, việc vận động để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố chỉ được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người và tài sản hoặc làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo đó, thiên tai được hiểu là do tự nhiên gây ra, sự cố do thiên tai hoặc con người gây ra; dịch bệnh sẽ liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở người, dịch bệnh động vật, dịch hại thực vật[1]. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp xảy ra trên thực tế, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân và rất cần được hỗ trợ nhưng lại chưa được điều chỉnh theo Nghị định 93, ví dụ như chiến tranh, địch họa, bạo loạn, chiến tranh kinh tế hoặc mệnh lệnh hành chính, khiến cho hàng hóa không thể xuất khẩu hoặc tiêu thụ. Thiết nghĩ, Nghị định 93 nên mở rộng các tình huống được vận động quyên góp theo hướng nêu trên.

Quy định về thủ tục vận động đóng góp tự nguyện là một điểm sáng của Nghị định 93. Theo đó, các pháp nhân, cá nhân phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc trên trang thông tin điện tử (đối với pháp nhân) cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, đối tượng vận động, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối, sau đó, phải gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã nơi đặt trụ sở chính (đối với pháp nhân) hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) theo mẫu của Nghị định 93[2]. Tuy nhiên, Nghị định 93 lại không quy định về việc cá nhân, pháp nhân có được phép thay đổi nội dung của cuộc vận động hay không (thay đổi thời gian vận động, phân phối sẽ được bàn ở phần tiếp theo), nếu có thì cần phải thực hiện thủ tục như thế nào. Thiết nghĩ, Nghị định 93 cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Thứ hai, về thời gian tiếp nhận, phân phối và thủ tục phân phối, sử dụng

Đối với pháp nhân, thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp là không quá 90 ngày, kể từ ngày phát động cuộc vận động và sau đó, phải hoàn thành việc phân phối trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiếp nhận[3]. Đối với cá nhân, dù Nghị định 93 không có quy định điều chỉnh trực tiếp nhưng theo mẫu văn bản thông báo đến UBND cấp xã[4], thời gian tiếp nhận, phân phối cũng tương tự như trên. Nghị định 93 cho phép pháp nhân được kéo dài hai thời gian trên khi có cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp trong khi đối với cá nhân thì không có quy định. Theo tác giả, Nghị định 93 nên cho phép kéo dài tương tự đối với cá nhân, bởi lẽ, về cơ bản, việc tiếp nhận, phân phối đóng góp từ thiện giữa cá nhân và pháp nhân có tính chất tương tự nhau. Ngoài ra, nếu không thuộc trường hợp có cam kết khác với người đóng góp nêu trên thì trong trường hợp cần thiết, duy nhất chỉ có Ban Vận động từ cấp tỉnh trở lên mới có quyền quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp[5]. Có thể thấy, sự phân biệt này là không cần thiết. Tình huống Ban Vận động cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận thường là khi thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng kéo dài, dẫn đến việc cần huy động nhiều hơn nguồn lực đóng góp từ xã hội. Thiết nghĩ, Nghị định 93 nên tạo cơ chế để pháp nhân, cá nhân kéo dài thời gian tiếp nhận đóng góp cũng như cơ quan Nhà nước có thể quản lý việc kéo dài này thông qua việc yêu cầu pháp nhân, cá nhân phải gửi thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã, trong đó làm rõ các nội dung như: nguyên nhân, thời gian kéo dài, cam kết đi kèm…

Về thủ tục phân phối và sử dụng, pháp nhân và cá nhân vận động đóng góp phải thông báo cho UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp hoặc liên hệ với UBND cấp tỉnh hướng dẫn khi cần thiết, để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp[6]. Trong vòng 03 ngày làm việc, UBND nơi tiếp nhận phải hướng dẫn pháp nhân, cá nhân đó thực hiện các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, Nghị định 93 không có quy định về việc, nếu hết thời gian trên mà UBND lại không hướng dẫn, dù đã được thông báo, liên hệ, thì các pháp nhân, cá nhân có được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không. Về điểm này, Nghị định 93 nên cho phép pháp nhân, cá nhân thực hiện việc này, bởi vì cứu trợ thiên tai, sự cố, dịch bệnh là việc rất cấp bách, không nên để sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến việc cứu trợ người dân.

Thứ ba, pháp luật trao quyền chủ động cho người đóng góp

Không “phó thác” hoàn toàn cho pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp, Nghị định 93 đã quy định rất nhiều “công cụ” để tổ chức, cá nhân đóng góp chủ động hơn trong việc giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm như họ mong muốn. Có thể nói, đây là điểm rất tiến bộ của Nghị định 93. Tổ chức, cá nhân đóng góp cần nắm rõ các quyền và trách nhiệm của họ như sau[7]: (i) quyền yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin về việc vận động đóng góp theo thông báo của pháp nhân, cá nhân kêu gọi; (ii) quyền quyết định thời gian tiếp nhận, phân phối các khoản đóng góp vượt quá mốc 90 ngày, 20 ngày; (iii) quyền đưa ra điều kiện, địa chỉ cụ thể nhận các khoản vận động và quyền quyết định việc chi khoản đóng góp của mình; (iv) quyền được bàn bạc, thống nhất để có phương án phân phối, sử dụng khoản tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận còn dư; (v) có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình trong trường hợp yêu cầu địa chỉ cụ thể để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu; (vi) quyền đồng ý về chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp được chi từ nguồn đóng góp của mình hoặc không, quyền được tiếp cận công khai với các tổng hợp chi phí này nếu đồng ý; (vii) quyền yêu cầu cung cấp biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật. Theo đó, pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp phải thực hiện theo các cam kết (nếu có) đối với người đóng góp. Tuy nhiên, Nghị định 93 không quy định về hình thức, nội dung đối với các cam kết này. Xét về mặt bản chất, các cam kết này sẽ được xem là giao dịch dân sự giữa pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân đóng góp, và vì thế sẽ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Như vậy, nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của các cam kết này, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh hay xử lý vi phạm, các cam kết này, tốt nhất nên được lập bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử theo đúng quy định pháp luật.

Thứ tư, vấn đề khấu trừ thuế đối với các khoản đóng góp

 

Theo Điều 6.1 và Điều 6.2.24 Văn bản hợp nhất số 66/VBHN-BTC hợp nhất các thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ bao gồm “chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, không bao gồm các trường hợp chi khắc phục hậu quả do sự cố, dịch bệnh, trong khi tính chất của các khoản chi này là tương đồng nhau. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có điều chỉnh đối với quy định này để thống nhất với Nghị định 93.

Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”), cá nhân chỉ được miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền hỗ trợ nhận được từ các quỹ từ thiện[8] và chưa có quy định nào cho phép miễn thuế TNCN đối với các khoản tiền nhận được từ pháp nhân, cá nhân theo Nghị định 93. Có thể nói, sẽ bất hợp lý nếu nhà nước lại thu thuế TNCN của những người dân khó khăn, được nhận hỗ trợ do chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh. Ngoài ra, pháp luật về thuế TNCN mới chỉ cho phép giảm trừ vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản đóng góp của cá nhân vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa hoặc khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học[9]. Việc các khoản chi của cá nhân đóng góp vào các đợt vận động do pháp nhân, cá nhân phát động theo Nghị định 93 nhưng chưa có quy định được giảm trừ theo pháp luật về thuế TNCN là chưa hợp lý, bởi vì đây cũng là các khoản chi mang tính chất từ thiện theo quy định. Vì vậy, các văn bản về thuế TNCN nên có sự điều chỉnh lại để phù hợp với những quy định mới tại Nghị định 93.

Tóm lại, bên cạnh việc tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc cho phép pháp nhân, cá nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện nói trên, Nghị định 93 vẫn còn đó một số điểm chưa thật rõ ràng mà cơ quan lập pháp nên cân nhắc để sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn phù hợp thay vì “thả trôi nổi” gây lúng túng khi thực hiện. Về phía người vận động và người đóng góp thiện nguyện, thay vì “ngại ngần”, nên nắm bắt sâu sát, hiểu rõ cả những điểm chưa rõ ràng của Nghị định 93 để có thể “dấn thân” làm việc thiện chuyên nghiệp, tránh những vướng mắc pháp lý có thể xảy ra.

Bài viết trên được soạn thảo dựa vào những kiến thức chuyên môn pháp luật cũng như kinh nghiệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Nếu bạn thấy bài viết trên là hữu ích cho bạn, xin ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào webiste của Công ty luật Phuoc & Partners www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công trong công việc của mình. Thân ái.


[1] Điều 3 Nghị định 93

[2] Điều 6.5, Điều 17.1 Nghị định 93, Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[3] Điều 8.2, Điều 8.3 Nghị định 93

[4] Phụ lục đính kèm Nghị định 93

[5] Điều 8.2, Điều 9.1(a) Nghị định 93

[6] Điều 10.6(a), Điều 18.1 Nghị định 93

[7] Các Điều 6.5, 8.2, 8.3, 9.7, 10.6(a), 10.6(c), 11.3, 17.1, 17.2, 18.3, 18.4, 19.1 Nghị định 93

[8] Điều 3.1(p) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân

[9] Điều 9.3(a) Văn bản hợp nhất số 68/VBHN-BTC ngày 19/12/2019 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân