Sáng tạo đường đi của giai điệu – ma thuật của quãng

Nói chung, một bản nhạc piano có hòa âm thường bao gồm bốn bè là bè Soprano (nữ cao), bè Alto (nữ trầm), bè Tenor (nam cao) và bè Basso (nam trầm), và trong đó giai điệu là bè Soprano (nữ cao) nằm ở khóa Sol của bản nhạc do tay phải của bạn phụ trách. Bè Soprano được xem là bè tiêu biểu đóng vai trò dẫn dắt những bè khác của bản nhạc, chiếm vị trí trung tâm vì vai trò của nó là tạo ra đường nét, hình tượng chính, diễn đạt nội dung cơ bản của bản nhạc.

Khi phân tích đường đi của giai điệu, bạn cần chú ý đặc biệt đến việc phân tích âm điệu vì âm điệu là khía cạnh quan trọng nhất của giai điệu, nó được xem là sự sáng tạo, bản chất của giai điệu. Qua âm điệu, bạn sẽ hiểu được một cách đầy đủ các khía cạnh và màu sắc khác nhau của từng giai đoạn trong một bản nhạc.

Nếu muốn phân tích âm điệu, bạn cần biết rằng giai điệu được tạo nên từ các quãng. Còn các quãng được hình thành từ việc cho tiến hành di chuyển đi lên hoặc đi xuống, di chuyển đi ngang hay lượn sóng theo ý đồ của tác giả bản nhạc, v.v…). Khi xem xét các quãng, không nên xem xét chúng một cách độc lập so với các thành phần khác của bản nhạc mà cần đặt chúng trong mối liên quan đến một số phương pháp diễn tả âm nhạc khác ví dụ như điệu tính, nhịp điệu, nhịp độ, cường độ, v.v… của bản nhạc. Khi thay đổi bất kỳ hay tất cả các điều kiện nêu trên, một âm điệu nào đó sẽ mang một ý nghĩa diễn tả khác đi so với ý nghĩa diễn tả ban đầu.

Ngoài âm điệu, bạn cũng cần chú ý đến các lối tiến hành di chuyển của giai điệu. Hầu hết giai điệu đều di chuyển theo hình lượn sóng bao gồm những tiến hành di chuyển đi lên và đi xuống lần lượt mà mục đích của chúng là giúp tạo ra sự thăng bằng lẫn nhau. Tiến hành di chuyển đi lên thường được sử dụng để biểu hiện sự căng thẳng tăng dần nên đi kèm theo đó phải là cường độ được tăng dần theo. Ngược lại, khi tiến hành di chuyển đi xuống thì thường được biểu hiện thông qua sự giảm bớt độ căng thẳng và kèm theo đó là sự giảm dần về cường độ.

Bên cạnh đó, một trong những điều kiện căn bản của sự biểu hiện giai điệu là mối quan hệ giữa các tiến hành di chuyển liền bậc và di chuyển theo bước nhảy mà trong đó, những bước di chuyển liền bậc được xem là dạng chính của sự chuyển động giai điệu. Lối tiến hành di chuyển liền bậc như vậy giúp tạo sự nhịp nhàng, liên tục trôi chảy của giai điệu.

Hơn thế nữa, trong giai điệu, sau khi tiến hành di chuyển liền bậc bình ổn cùng hướng, tiếp theo thường sẽ là di chuyển bằng bước nhảy (quãng nhảy) ngược hướng. Trái lại, sau khi đã di chuyển một bước nhảy xa tạo căng thẳng, giai điệu thường được tiến hành di chuyển bình ổn trở lại và sẽ di chuyển ngược hướng với bước nhảy đó nhằm mục đích trám đầy chỗ rỗng âm thanh do sự di chuyển của bước nhảy vừa nêu tạo ra.

Không dừng lại ở đó, làn sóng giai điệu sẽ di chuyển đi lên đến điểm cao nhất trong bản nhạc và được gọi là cao trào hay cao điểm (tức là đỉnh cao của giai điệu). Mỗi giai điệu của bản nhạc sẽ có nhiều cao trào, theo từng làn sóng giai điệu. Trong quá trình giai điệu di chuyển đi lên theo kiểu bậc thang, sẽ sẽ có những cao trào cục bộ của từng bậc thang đó. Trong đó, cao trào là cao điểm quan trọng nhất vì ở vào vị trí đó nó thể hiện sự căng thẳng nhất của giai điệu mang ý nghĩa chung cho toàn bộ giai điệu. Nói chung, bất kỳ bản nhạc nào cũng đều có một cao trào chính. Ngoài ra, còn có các cao trào cục bộ của mỗi làn sóng giai điệu, thường nằm ở vị trí cuối trong từng bộ phận của bản nhạc trong khi cao trào chính lại thường nằm ở vị trí 3/4 của bản nhạc. Sau khi đến cao trào chính thì giai điệu thường sẽ di chuyển theo hướng đi xuống với kiểu đi thẳng một mạch hoặc sẽ tiến hành đi xuống dần dần theo kiểu bậc thang. Ngoài ra, cũng có kiểu tiến hành di chuyển giai điệu đi xuống một cách đột ngột.

Khi muốn tìm cao trào của một bản nhạc, bạn cần chú ý để khỏi bị nhầm lẫn vì không phải lúc nào cao điểm của giai điệu cũng là cao trào nếu đi kèm theo nó là sự giảm dần về độ căng, cường độ. Thêm vào đó, cao trào không những phải nằm ở vị trí âm khu tương đối cao mà nó còn phải tổng hợp cả một số phương pháp diễn tả âm nhạc khác ví dụ như: cao trào thường nằm ở những bậc hoặc những âm có tính chất không ổn định so với điệu thức của bản nhạc, có sự thay đổi nào đó tạo ra sự không ổn định về nhịp điệu cùng với việc cường độ cũng phải được tăng dần lên, v.v…

Khi phân tích lối tiến hành giai điệu, bạn cần biết rằng giai điệu nói chung được tiến hành di chuyển theo kiểu lướt sóng, gồm việc tiến hành di chuyển đi lên rồi lại đi xuống, lần lượt thăng bằng lẫn nhau. Bước đi liền bậc là một dạng chính của sự chuyển động tạo cho giai điệu một sự nhịp nhàng, trôi chảy. Sau một bước nhảy ngược hướng hay sau một bước nhảy xa thì lại tiến hành việc di chuyển liền bậc nhằm mục đích trám đầy các khoảng trống về âm thanh do các bước nhảy xa nói trên tạo nên.

Nói chung, có ba loại bước nhảy tiêu biểu như sau:

  • Bước nhảy tuần tự:

Bước nhảy tuần tự là cách tiến hành di chuyển từ âm này sang âm kia bằng các quãng đồng âm hoặc quãng hai liền bậc (quãng hai trưởng và quãng hai thứ). Hướng di chuyển của bước nhảy tuần tự thường rơi vào một trong năm dạng sau:

+ Có khi di chuyển đi lên;

+ Có khi di chuyển đi xuống;

+ Có khi lại di chuyển đi ngang;

+ Có khi giai điệu lại được ghép lại với nhau chỉ gồm các quãng hai thứ và khi đó giai điệu sẽ trở thành những chuỗi chuyển động cromatic ngắn hoặc dài (dạng này thường được sử dụng cho các tác phẩm khí nhạc);

+ Có khi giai điệu lại được ghép lại với nhau bằng các quãng hai trưởng và thường thì chỉ nên ghép hai quãng hai trưởng, đôi khi có thể ghép đến ba quãng hai trưởng. Nếu bạn muốn ghép nhiều hơn các quãng hai trưởng thì sẽ gây hỗn loạn về điệu tính và tạo ra những quãng nghịch ẩn trong giai điệu.

Lưu ý:

* Thông thường, giai điệu được tiến hành di chuyển xen kẽ giữa quãng hai trưởng và quãng hai thứ.

* Bước nhảy tuần tự là cơ sở nền tảng của giai điệu âm nhạc phương Tây. Còn trong âm nhạc phương Đông với các điệu thức ngũ cung (nói chung là không có các quãng hai thứ), lối di chuyển nối tiếp kết hợp giữa quãng hai trưởng và quãng ba thứ sẽ được xem là các bước nhảy tuần tự.

  • Bước nhảy cách quãng

Bước nhảy cách quãng là cách ghép âm nọ sang âm kia bằng các quãng nhảy (đó là các quãng ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, v.v…). Hướng di chuyển của bước nhảy cách quãng thường rơi vào một trong các dạng sau đây:


+ Đôi khi nhảy cả những quãng rộng ngoài một quãng tám;

+ Đôi khỉ nhảy cả quãng nghịch là quãng bảy thứ năm giảm;

Hiện chưa thấy ai dùng bước nhảy của các quãng nghịch là quãng bốn tăng và quãng bảy trưởng trong giai điệu.

Các quãng nhảy trong giai điệu cũng có tính chất không ổn định giống như những hợp âm nghịch trong lối tiến hành hòa âm nên chúng cũng đòi hỏi có sự chuẩn bị và giải quyết như sau:


+ Chuẩn bị bước nhảy trước nó, giai điệu phải được tiến hành bình ổn (tiến hành di chuyển đi ngang hoặc di chuyển theo quãng hai liền bậc), nếu nó cũng là bước nhảy thì phải là bước nhảy di chuyển ngược hướng.


+ Để giải quyết bước nhảy, sau khi thực hiện xong bước nhảy thì giai điệu phải được cho di chuyển bình ổn trở lại và nếu phải di chuyển bước nhảy thêm một lần nữa thì cũng phải nhảy ngược hướng với bước nhảy đầu.


+ Trước khi thực hiện bước nhảy quãng bốn thì phải được chuẩn bị bằng bước nhảy tuần tự. Sau đó, nó sẽ được giải quyết cũng bằng bước nhảy tuần tự.


+ Trước khi thực hiện bước nhảy quãng tám thì phải được chuẩn bị bằng bước nhảy quãng bốn ngược hướng hay nó cũng được nhảy bằng bước nhảy quãng ba ngược hướng.


+ Quãng năm giảm chỉ có duy nhất một cách giải quyết là nhảy tuần tự bằng một quãng hai thứ.


+ Quãng bốn đúng sẽ nhảy được liên tục cùng hướng hoặc ngược hướng vì nó là một quãng cơ bản của âm nhạc phương Đông.


+ Đối với âm nhạc phương Tây, quãng bảy thứ được xem là quãng nghịch và cũng vì thế mà nó ít khi được sử dụng. Tuy nhiên, trong âm nhạc phương Đông thì nó lại là quãng nhảy phổ biến, thường được tiến hành trong giai điệu dân ca và trong các ca khúc mới.

  • Bước nhảy hợp âm

Bước nhảy hợp âm là cách ghép từ âm này sang âm kia bằng các nốt có trong các hợp âm ba. Do vậy, giai điệu sẽ được tiến hành di chuyển bằng những bước nhảy của quãng theo cùng hướng với nhau miễn sao những bước nhảy đó gồm những nốt có trong các hợp âm ba. Cách giải quyết trong trường hợp này là phải theo từng hợp âm một tại từng ô nhịp chứ không phải chuẩn bị và giải quyết đối với từng quãng một.

Lưu ý 1: Giai điệu có bè ẩn là một giai điệu mà có những bước nhảy hoặc những quãng nghịch nhưng nó lại bị trì hoãn không được giải quyết ngay sau đó mà phải đợi đến khi xuất hiện một số nốt nhạc khác nào đó thì nó mới được giải quyết, từ đó dẫn đến việc tạo ra hai bè cùng tồn tại trong cùng một giai điệu (cách này thường được dùng trong âm nhạc phức điệu vì nó làm dễ dàng hơn trong việc phát triển âm nhạc, tạo điều kiện thống nhất trong kết cấu các phần của một bản nhạc).

Lưu ý 2: Khi giai điệu di chuyển, nó sẽ tạo nên những đường nét khác nhau mà sẽ gọi nôm na là âm hình giai điệu. Mỗi âm hình giai điệu sẽ tạo nên những cảm xúc khác nhau và bên dưới là các loại âm hình giai điệu tiêu biểu:

  • Đường thẳng: tạo cảm giác mạnh mẽ, sáng sủa, tích cực;
  • Đường xiên: tạo cảm giác hài hòa, bình yên, êm ả;
  • Đường sóng nhỏ: tạo cảm giác nhảy nhót, tưng bừng, tươi trẻ;
  • Đường sóng lớn: tạo cảm giác thâm trầm, bình an; và
  • Đường đi lên cao trào: tạo cảm giác mở rộng, lạc quan, đi vào cao trào.

Nếu hiểu được đường đi của giai điệu và các loại cảm xúc của các âm hình giai điệu, bạn sẽ có thể tự mình sáng tạo các câu lót, câu dẫn, câu riff, Intro, Giang tấu, Kết hay đưa chúng một cách có chọn lọc vào các chỗ trống không có giai điệu trong bản nhạc nhằm làm phong phú thêm phần đệm, phù hợp với ca từ của giai điệu cũng như hỗ trợ làm đẹp cho giai điệu của bản nhạc.

Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.