Khi chơi đàn piano, việc chăm chút cho hai bàn tay là rất quan trọng để tiếng đàn của bạn được rõ ràng, tư thế của bạn đẹp và sang trọng, vị trí các ngón tay phải thuận lợi cho việc di chuyển, không làm cho bàn tay mau bị mỏi. Để làm được điều đó, bạn cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:
- Khi chơi các nốt đen thì bạn nên sử dụng các ngón 2, ngón 3 và ngón 4, tránh sử dụng các ngón 1 và ngón 5 vì: (i) ngón 5 thường có lực yếu hơn các ngón khác nên lực chơi bị nhẹ, không vang, dễ bị trượt phím; và (ii) khi sử dụng các ngón 1 và ngón 5 để chơi các phím đen, bạn sẽ khó xoay bàn tay để bấm vào các nốt kế tiếp và nếu cố xoay bàn tay thì sẽ làm cho bàn tay của bạn không được đẹp;
- Khi di chuyển các ngón tay thì bàn tay của bạn nên thẳng 90 độ với bàn phím, nên tránh xoay tay vì sẽ làm cho tay của bạn không đẹp, làm cho tốc độ bị chậm lại khi bàn tay di chuyển qua lại giữa các nốt, khi xoay bàn tay thì được xem là chơi rướn nên âm thanh dễ bị lép và cũng vì khi chuyển sang các nốt khác thì bạn phải mất thời gian rút ngón tay về cho bàn tay thẳng trở lại rồi mới chơi tiếp nốt khác nên sẽ không kịp thời gian để chơi các nốt khác khi bản nhạc có tiết tấu nhanh;
- Đàn piano được chia làm 4 phân khu chính, gồm phần âm Bass trầm nằm sát bên tay trái của bạn, phần mẫu âm hình đệm cũng ở bên tay trái của bạn nhưng nằm cao hơn phần âm Bass một quãng tám. Phần dành cho giai điệu thường nằm ở khu vực trung tâm và có phần lệch về phía bên tay phải của bạn. Xa hơn phần giai điệu là phần được dùng để lót câu, chạy ngón. Lý do của sự tách biệt giữa phần âm Bass trầm và phần mẫu âm hình đệm là vì nếu bạn chơi mẫu âm hình đệm có dùng âm Bass trầm mà không tách khỏi phần mẫu âm hình đệm thì khi chơi thường bị ồn nên bạn chỉ cần phần âm Bass dày là đủ, còn phần mẫu âm hình đệm thì tốt nhất là nên dời tay lên một quãng tám. Nếu không cần âm Bass dày ở đoạn đầu của bản nhạc, bạn sẽ chơi âm Bass ở ngay phần mẫu âm hình đệm luôn. Về phần giai điệu, ở đoạn phiên khúc A bạn sẽ chơi ở phần giữa vì nó trầm, từ từ, không cần chạy ngón, v.v… nhưng khi đến phần cao trào của đoạn điệp khúc B thì bạn nên di chuyển lên một đến hai quãng tám để nghe được âm thanh bay bổng (tươi, sáng) và cũng là có một khoảng trống hợp lý để bạn chạy ngón, lót câu, tô điểm, v.v… Chú ý, phần mẫu âm hình đệm và phần giai điệu không được cách nhau quá hai quãng tám vì sẽ làm cho khu vực ở giữa của hai phần bị trống và loãng;
- Khi đệm hát, bạn không nên để ngón cái của bàn tay trái lệch ra bên ngoài bàn phím vì sẽ làm cho bàn tay của bạn không đẹp và làm chậm đi sự di chuyển của ngón tay từ hợp âm này sang hợp âm khác trong bản nhạc;
- Ngón tay của bạn nên thẳng khi bấm vào bàn phím. Bạn sẽ chơi bằng đầu ngón tay chứ không phải chơi bằng cổ tay vì nếu chơi bằng cổ tay thì tay của bạn sẽ mau bị mỏi (trừ ngón cái) và làm chậm các thao tác;
- Sau khi chơi xong nốt nào, bạn nên giữ ngón tay lại ở nốt đó cho đến hết trường độ của nốt đó trước khi nhấc ngón tay lên để chuyển sang nốt khác vì sẽ tạo độ vang và âm thanh giữa các nốt sẽ hòa quyện với nhau (trừ khi sử dụng kỹ thuật staccato);
- Khi chơi độc tấu paino, bạn cần tôn trọng giai điệu. Theo đó, giai điệu phải được chơi to và rõ ràng, không bị lem làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Các thủ pháp biểu diễn ví dụ như chèn, nối, tô điểm, v.v… chỉ nhằm mục đích tôn lên vẻ đẹp của giai điệu nên bạn không nên chơi tiếng của các kỹ thuật ví dụ như chèn, nối, tô điểm lớn bằng hoặc lớn hơn tiếng của giai điệu trừ ở Đoạn dạo đầu, Giang tấu và Đoạn Kết nơi mà không có giai điệu ở đó. Bạn sẽ chơi các phần chèn, nối, tô điểm cao lên phía trên hoặc thấp xuống phía dưới của vị trí của phần giai điệu. Nếu muốn chơi gần với phần giai điệu với lý do là tiết tấu của bản nhạc hơi nhanh sẽ không kịp để bạn di chuyển tay đi xa, bạn nên chơi âm thanh của các phần chèn, nối, tô điểm nhỏ hơn âm thanh của giai điệu ít nhất là ¼ để tạo ra sự khác biệt giữa giai điệu và các phần hỗ trợ giai điệu;
- Khi tay trái của bạn cần chơi âm Bass xa quãng tám, bạn không cần liết mắt quá xa về phía tay trái để tìm vị trí phù hợp của hợp âm vì sẽ làm cho sự di chuyển của các ngón tay trên các nốt bị chậm lại. Thay vào đó, bạn chỉ cần nhìn vào nốt tương tự ở quãng tám gần làm sao cho ngón cái của bàn tay trái của bạn chạm vào nốt đó rồi xòe bàn tay ra là chắc chắn ngón út của bạn sẽ bằng với nốt đó ở quãng tám xa;
- Nếu đến bất kỳ một hợp âm nào thì tay trái của bạn lại được nhấc lên để di chuyển về thể nguyên vị của hợp âm đó thì sẽ làm chậm thao tác và không được hay vì mẫu âm hình đệm luôn ở thể nguyên vị sẽ không có hòa thanh. Để việc di chuyển các hợp âm được gần nhau và âm thanh dễ hòa quyện hơn, ngón cái của bàn tay trái của bạn sẽ để ở vị trí âm gốc của hợp âm (ví dụ nếu C là nốt gốc thì các ngón tay còn lại của bàn tay trái sẽ nằm trên các nốt Si (ngón trỏ), La (ngón giữa), Sol (ngón áp út), Fa (ngón út). Khi chuyển qua một hợp âm khác ví dụ, Am thì ngón giữa sẽ chơi ở hợp âm chủ của hợp âm Am là La. Nếu hợp âm kế tiếp là F thì ngón áp út sẽ chơi nốt Fa. Tiếp đến, nếu hợp âm kế tiếp là Em thì trong trường hợp này nốt Mi nằm ở ngoài vị trí của năm ngón tay theo thứ tự ban đầu nên bạn phải dướn ngón út sang bên phía tay trái để chơi nốt Mi, lúc này thứ tự mới của năm ngón tay sẽ là Mi (ngón út), Fa (ngón áp út), Sol (ngón giữa), La (ngón trỏ), Si (ngón cái). Nếu hợp âm kế tiếp là quay trở lại C thì bạn nên cân nhắc vì nốt C nằm ngoài vị trí mới của năm ngón tay vào lúc đó nên bạn nên: (i) dịch chuyển ngón tay út một quãng hai đúng về phía bên tay trái; hay (ii) dịch chuyển nốt Mi lên một quãng tám để từ đó bàn tay trái của bạn sẽ nằm ở vị trí mới đó là: Mi (ngón cái), Rê (ngón trỏ), Đô (ngón giữa), Si (ngón áp út), La (ngón út). Việc dịch chuyển như trên ngoài việc giúp các ngón tay của bạn được trở về với vị trí thuận lợi vốn có mà còn giúp bạn điều chỉnh hướng di chuyển đi lên đi xuống của mẫu âm hình đệm ở tay trái phù hợp với phần giai điệu bên tay phải;
- Đối với bàn tay phải mà bạn di chuyển từ hợp âm này sang hợp âm kia thì cũng nên tìm vị trí thuận lợi 1-3-5 hoặc 1-2-4 để khỏi phải dịch chuyển nhiều làm chậm đi các thao tác tay; và
Khi chạy ngón, bạn nên dùng các ngón 1–3–5 của tay phải hoặc 5–3-1 của bàn tay trái hoặc 1–2-4 tay phải và 4–2-1 của tay trái. Bạn nên tránh dùng ngón 4 vì sẽ gặp trở ngại khi gặp hợp âm có nốt đen. Khi chạy ngón bằng tay phải, bạn cần nhớ là các ngón 2-3-4 thường được sử dụng cho các nốt đen vì sẽ dễ chạy ngón hơn các ngón 1 và ngón 5.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.