Cao độ, trường độ và cường độ quan trọng thế nào khi học đàn piano?

1242

Trước khi tìm hiểu về đàn piano, bạn nên bắt đầu tìm hiểu một khái niệm rộng và bao quát hơn đó là âm nhạc. Vậy theo bạn, âm nhạc là gì? Có thể trả lời một cách nôm na rằng âm nhạc là nghệ thuật mà theo đó âm thanh được lấy làm phương tiện để biểu hiện, khắc họa cuộc sống và thể hiện tư tưởng cũng như tâm tư, tình cảm của con người. 

Các bộ môn thuộc về âm nhạc thường được chia thành ba nhánh chính như sau:

  • Các loại nhạc cụ bao gồm: (1) bộ nhạc cụ dây là nhóm những loại nhạc cụ tạo ra âm thanh từ dao động trên dây ví dụ như đàn piano, violin, guitar, mandolin, v.v..; (2) bộ nhạc cụ gõ là nhóm những loại nhạc cụ sử dụng vật dụng để gõ, tác động lên bề mặt nhạc cụ nhằm tạo ra thanh âm, tiết tấu ví dụ như trống, mõ, v.v…; và (3) bộ dụng cụ hơi là nhóm những loại nhạc cụ có chứa một hộp cộng hưởng (thường là một ống dài), trong đó có một khối không khí được làm rung động khi những người chơi thổi vào một miệng thổi được đặt ở cuối của hộp cộng hưởng ví dụ như sáo, kèn, phong cầm, v.v…);
  • Nhạc vũ điệu ví dụ như nhạc khiêu vũ, nhảy, múa, dance cover, dance sport, v.v…; và
  • Hát, thanh nhạc.

Tuy vậy, dù đó là bất kỳ môn học trong nhánh âm nhạc nào và bất kể bạn đang ở trình độ âm nhạc nào, có thể nói rằng âm nhạc đều xoay quanh bốn yếu tố chính theo một cách tuần tự như sau: cao độ, trường độ, cường độ, và âm sắc. Trong đó, cao độ được hiểu là độ cao thấp của âm thanh và khi chơi đúng các nốt có trong bản nhạc là bạn đã chơi đúng cao độ.Kế tiếp đó là trường độ, tức chỉ độ nhanh chậm, ngắn dài của âm thanh, hoặc nói theo cách khác, khi nhấn ngón tay vào một phím đàn thì bạn sẽ giữ ngón tay đó trên phím đàn trong bao lâu trước khi nhấc ngón tay đó lên để chuyển ngón tay đó sang phím đàn khác. Kế tiếp nữa đó là cường độ. Theo đó, cường độ chỉ độ to nhỏ của âm thanh mà phụ thuộc vào lực tác động của ngón tay của bạn lên phím đàn. Nếu lực của ngón tay mạnh thì tiếng nghe to, và ngược lại nếu lực của ngón tay nhẹ thì tiếng sẽ nghe nhỏ. Sau cùng, đó là âm sắc, hay còn được gọi là màu sắc của âm thanh. Khi bạn nghe một dạng âm thanh nào đó, âm sắc sẽ cho bạn biết loại nhạc cụ đang chơi là nhạc cụ gì. Ngoài ra, âm sắc còn được xem là chất giọng trong âm nhạc.

Nếu nắm vững được bốn yếu tố tạo nên âm nhạc như trên, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh và chắc chắn trong bất cứ môn học nào trong các nhánh âm nhạc vừa nêu. Cái hay ở đây là khi đã học được một môn âm nhạc nào đó thì khi chuyển sang học một môn âm nhạc khác bạn sẽ không phải học lại từ đầu vì các kiến thức nền tảng của âm nhạc giữa các môn âm nhạc là gần như nhau ví dụ như nhạc lý.

Vì bạn đang học đàn piano nên bạn sẽ chỉ tập trung ở phần nhạc cụ. Trong phần nhạc cụ thì chỉ gói gọn ở đàn piano chứ không bàn đến các loại nhạc cụ khác nên tạm thời sẽ không bàn đến yếu tố âm sắc. Chỉ khi nào bạn muốn học môn phối khí thì lúc đó bạn mới cần biết đến cách phối âm thanh của các loại nhạc cụ khác nhau trong một ban nhạc sao cho hài hòa, nhạc cụ nào cũng có phần, nghe sao cho thuận tay và hay nhất.

Như vậy, ba yếu tố còn lại cũng tương ứng với ba giai đoạn học tập mà một người học chơi đàn piano như bạn đều phải trải qua. Trước hết, bạn phải chơi đàn sao cho đúng cao độ, điều đó có nghĩa rằng bạn phải chơi sao cho đúng các nốt, ngón tay bấm của bạn sẽ cho ra giai điệu gần đúng nhất theo yêu cầu của bản nhạc. Sau đó, bạn sẽ tiến đến bước thứ hai đó là luyện tập để hoàn thiện về trường độ, điều đó có nghĩa là bạn phải chơi bản nhạc sao cho đúng với tốc độ theo ý đồ của tác giả bản nhạc. Sau cùng, thứ mà bạn cần là phải bổ sung hoàn thiện về cường độ, tức là làm thế nào để thể hiện cho được sắc thái và cảm xúc của bạn vào bản nhạc. Khi có khả năng thể hiện được cường độ vào bản nhạc như thế, bạn sẽ cảm thấy đam mê tiếng đàn piano và không dừng lại ở đó người nào nghe bạn chơi đàn piano cũng bắt đầu cảm thấy yêu thích tiếng đàn của bạn vì nó có hồn và đầy cảm xúc.

Để giúp bạn dễ hình dung, nếu chỉ chơi đúng cao độ thì bạn chỉ cần cố gắng làm sao để các nốt bên tay trái khớp với các nốt của bên tay phải của bạn.Bởi vậy, với những đoạn nhạc mà bạn có thể nhớ và nhìn được hai tay thì bạn chơi rất nhanh và mượt mà nhưng những đoạn nào mà bạn không nhớ chắc chắn, chưa tự tin thì buộc lòng bạn phải nhìn cả hai tay cùng một lúc. Đó là lý do làm cho giai điệu trong giai đoạn này của bạn có đoạn thì nhanh, có đoạn thì chậm, tốc độ bị giật cục và không được hợp lý cho lắm.Nói tóm lại, ởgiai đoạn hoàn thiện về cao độ, bạn phải chơi làm sao cho giai điệu gần đúng với cao độ của bản nhạc và đây chỉ được xem là bước khởi đầu.

Tiếp theo, bạn sẽ chuyển sang giai đoạn hoàn thiện về trường độ và giai đoạn này sẽ khác nhiều với giai đoạn hoàn thiện về cao độ.Trước khi chơi đàn piano cho mục đích giải trí, giải toả cảm xúc, căng thẳng, bạn phải trải qua giai đoạn này.Hoàn thiện về trường độ sẽ được xem là giai đoạn mang tính kỷ luật trong âm nhạc, hoặc nói theo một cách khác, bạn không chơi đàn theo nhịp tim đơn thuần của mình, mà phải chơi theo nhịp của máy vì nhịp của máy sẽ chính xác hơn. Vì nếu bạn tự vỗ tay hoặc dậm chân khi chơi đàn thì cũng không thực sự chính xác cho lắm.Tập với trường độ bằng nhịp phách của máy đập nhịp (metronome) sẽ giúp hai vấn đề đó là bạn vừa hoàn thiện kỷ luật lại vừa nâng cao kỹ thuật của các ngón tay.Nguyên tắc luyện tập đó là bắt đầu từ tốc độ chậm và đúng, sau đó bạn sẽ tăng dần tốc độ lên.

Một vấn đề lớn nữa mà hoàn thiện trường độ sẽ giúp bạn đó là sự tự tin khi bạn phải biểu diễn ở những nơi đông người. Cũng không cần nói đâu xa, chỉ cần một người đứng bên cạnh xem bạn đàn, chắc hẳn nhịp tim của bạn đã tăng nhanh và hồi hộp. Chỉ cần bị lỡ một nốt nào đó trong bản nhạc là bạn sẽ quên hết cả bản nhạc. Nếu nắm vững yếu tố trường độ thì sự bình tĩnh và tập trung của bạn sẽ được gia tăng một cách đáng kể. Dĩ nhiên, trong giai đoạn đoạn đầu mới luyện tập, bạn giữ được nhịp chỉ trong một đoạn nhạc ngắn của bản nhạc. Với thời gian và sự miệt mài luyện tập, bạn sẽ giữ được nhịp lâu hơn, tương ứng là sự gia tăng về mức độ bình tĩnh, kỷ luật và sự tập trung. Khi kiểm soát tốt nhịp, phách thì là lúc bạn đã kiểm soát được nhịp tim của mình, và bạn đã có thể bắt đầu chơi nhạc trước mặt nhiều người một cách suôn sẻ.

Bạn biết không, trường độ là yếu tố cần ngấm vào người, hoặc còn gọi là trong người bạn có nhịp. Nếu chịu khó luyện tập để có được trường độ tốt, nó sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh chóng ở bất cứ bộ môn âm nhạc nào mà bạn sẽ học sau này. Trường độ thường được xem là giai đoạn thử thách nhất cho người học đàn piano.

Có khá nhiều bạn chơi được những bản nhạc với kỹ thuật piano rất điêu luyện nhưng người nghe chỉ cảm thấy ngưỡng mộ về kỹ thuật tay ngón của họ chứ không cảm thấy được cảm xúc của họ trong giai điệu của bản nhạc. Hoặc nói theo một cách khác, bạn chơi bản nhạc đó như thể bạn đang trả bài vậy. Vào lúc đó, điều bạn cần là phải hoàn thiện yếu tố tiếp theo đó là cường độ. Lúc này, giai điệu mà bạn chơi sẽ có lúc nhanh, có lúc chậm, có to, có nhỏ theo một cách phân bỗ hợp lý và bắt đầu thể hiện được sắc thái, cảm xúc của bản nhạc và đây được xem là giai đoạn bạn đã chơi hay rồi đó.

Cũng cần lưu ý, bạn không được đốt cháy giai đoạn tức là khi chưa chơi được thật sự thuần thục về cao độ thì bạn không nên nhảy qua tập trường độ rồi khi vẫn chưa thuần thục về trường độ thì lại tiếp tục muốn chuyển sang luyện tập về cường độ dẫn đến kết quả là không có kỹ năng nào được bạn hoàn thiện. Bên cạnh đó, các kỹ thuật đàn piano là cần thiết để giúp bản nhạc không bị đơn điệu, giúp thể hiện cảm xúc vào trong bản nhạc nhưng không phải vì vậy mà bạn chỉ tập trung vào việc luyện tập các kỹ thuật đàn piano phức tạp mà quên đi yếu tố không kém phần quan trọng đó là thổi hồn của bạn vào âm nhạc tức là đưa sắc thái, cảm xúc, cái tôi của bạn vào trong bản nhạc. Bạn chỉ cần luyện tập sao cho các ngón tay của bạn được thả lỏng và thoải mái ở một mức độ nhất định nào đó thì bạn đã phần nào thành công trong việc thả cảm xúc, tâm hồn của mình vào giai điệu của bản nhạc. Nói tóm lại, khi ở giai đoạn chơi đúng, bạn đã hoàn thiện về cao độ và trường độ. Lúc đó, bạn vẫn phải nhớ giai điệu của bản nhạc ở tay phải, cách kết hợp với các nốt ở phần mẫu âm hình đệm bên tay trái, đọc bản nhạc và chơi trên đàn piano, chú ý đến nhịp, phách và có thể là việc đạp pedal cho đúng để theo được nhịp, phách của bản nhạc, v.v… Đó là sự kết hợp của nhiều bộ phận trong cơ thể của bạn cùng một lúc nên chúng sẽ tốn khá nhiều năng lượng của trí não và sự tập trung cao độ của bạn. Sau một khoảng thời gian chịu khó luyện tập chăm chỉ, siêng năng thì dần dần bạn sẽ thả lỏng các ngón tay của bạn và chúng sẽ không còn bị căng cứng như trước nữa, bạn sẽ tự điều khiển lực ngón tay là mạnh hay nhẹ, tốc độ nhanh hay chậm của từng phím đàn theo ý riêng của bạn. Đây cũng là lúc bạn đã kiểm soát được cường độ và bắt đầu chơi hay rồi đó.

Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.