Bạn không bao giờ sẽ thực sự chinh phục được cây đàn piano nếu bạn không chơi bằng hai tay cùng một lúc vì đàn piano được sản xuất với tính năng như vậy, nó đòi hỏi bạn phải biết cách phối hợp hai tay sao cho nhịp nhàng trên tinh thần đồng đội, chia các công việc chung để hai tay cùng nhau làm, tay nào cũng có phần việc riêng của mình, tay này làm không hết thì tay kia sẽ hỗ trợ, tay này phải biết nhường nhịn, chiều chuộng tay kia và ngược lại giống như là hai đồng đội có cùng một mục tiêu chung cần đạt được với khẩu hiệu “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Với nhiều người học đàn piano như bạn, điều này thật sự là trở ngại lớn và bạn thường gặp khó khăn để có thể chơi đàn piano bằng hai tay thuần thục cùng một lúc với nhiều lý do khác nhau ví dụ như bạn chưa có nhiều hiểu biết về kiến thức âm nhạc, nhạc lý cần thiết thì việc đọc bản nhạc còn gặp nhiều khó khăn. Cách duy nhất sẽ giúp chơi được đàn piano là bạn phải biết cách học làm sao để có thể kết hợp cả hai tay cùng một lúc.
Nói chung, hiện có ba phương pháp phổ biến được trình bày dưới đây mà sẽ giúp bạn luyện tập chơi đàn piano tốt cả hai tay.
- Phương pháp truyền thống
Đây là cách chơi theo đúng những gì được thể hiện trên bản nhạc sau khi bạn đã biết cách đọc các nốt của khóa Sol (tay phải) và các nốt của khóa Fa (tay trái). Bạn sẽ dùng một cây thước kẻ để kẻ từng hàng dọc thẳng đứng ở các nốt nằm trên khóa Sol ở phía trên sao cho thẳng hàng với các nốt của khóa Fa ở phía dưới. Như vậy, khi bạn chơi đàn, các nốt nào thẳng hàng với nhau thì các ngón phù hợp của hai tay của bạn sẽ bấm vào các nốt thẳng hàng đó cùng một lúc, còn những nốt nào không thẳng hàng với nhau thì nốt nào xuất hiện trước ở khóa nhạc nào thì tay phải hoặc tay trái của bạn sẽ chơi nốt đó trước và ngược lại.
Việc sử dụng phương pháp kết hợp hai tay cùng một lúc như thế đòi hỏi bạn phải kiên trì, nhẫn nại và sẽ mất khá nhiều thời gian để luyện tập thuần thục, đặc biệt là trong thời gian đầu khi bạn mới làm quen với đàn piano. Vì khi phải nhìn vào bản nhạc dài, chi chít các nốt ở cả khóa Sol và khóa Fa thì bạn dễ bị rối mắt và sẽ dễ bị mất phương hướng. Bạn nên nhớ rằng bạn không cần tập hết bản nhạc trong một lần tập mà chỉ cần tập một đoạn ngắn nào đó dễ nhất khi mới tập và cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bạn thuần thục đoạn nhạc ngắn đó rồi mới từ từ chuyển sang đoạn nhạc khác phức tạp hơn cho đến khi hết cả một bản nhạc.
- Phương pháp tay phải và hợp âm
Như bạn đã biết, khi chơi đàn piano theo phong cách nhạc nhẹ thì tay trái của bạn sẽ phụ trách phần âm Bass và mẫu âm hình đệm trong khi tay phải phụ trách phần giai điệu và thực hiện các thủ pháp biểu diễn để tô điểm làm đẹp cho giai điệu. Ở phương pháp này, bạn chỉ cần tập chơi các nốt giai điệu và các kỹ thuật tô điểm của tay phải trong khi phần tay trái sẽ chơi theo cách đệm rải hoặc chồng hợp âm với các mẫu âm hình đệm của hợp âm, cũng như đường đi của âm Bass theo luật hòa âm, các kỹ thuật nối, dẫn từ hợp âm này sang hợp âm khác, điều này giúp bạn luôn ở thế chủ động để biết được khi nào hai tay nên kết hợp với nhau và khi nào thì không. Bạn sẽ tự chia bố cục và chọn thế tay phù hợp cho tay trái rồi từ đó sẽ chơi kết hợp hai tay lại với nhau. Nếu thường đệm các bản nhạc phổ cho đàn piano thì bạn sẽ thường sử dụng phương pháp này.
- Phương pháp tách riêng hai tay
Để tập được phương pháp này, bạn phải tập riêng từng tay rồi sau đó mới ráp lại với nhau. Theo đó, bạn sẽ tập tay phải trước với các nốt ở khóa Sol rồi đến tay trái với các nốt ở khóa Fa. Với phương pháp này, bạn muốn tập tay nào trước cũng được, nhưng nếu có thể, bạn nên tập các nốt của tay phải trước cho thuần thục, rồi sau đó mới chuyển sang tập đệm theo các mẫu âm hình đệm ở tay trái. Bạn cũng sẽ tập một đoạn ngắn của tay trái, rồi khi nào mệt thì chuyển sang tập một đoạn nhỏ của tay phải, rồi lại quay trở lại tập một đoạn ngắn của tay trái đã tập trước đó rồi lại tiếp tục chuyển sang tập một đoạn nhỏ của tay phải vừa tập xong, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi từng tay của bạn được thành thục. Bạn nên tập từ từ, chậm rãi và nhẹ nhàng nhưng phải chính xác, tập trung chú ý ở các đoạn giáp mí giữa các câu, chi câu, đoạn nhạc để giảm bớt những chỗ bị ngắt đột ngột mà thường bị quên. Bạn nên cố gắng giữ cho nhịp của bản nhạc được ổn định để tăng dần sự tự tin của mình để từ đó làm cho bàn tay của bạn sẽ di chuyển một cách nhẹ nhàng và thanh thoát.
Khi từng tay đã tập thành thục thì bạn sẽ bắt đầu tập ráp hai tay lại với nhau. Khi đó, bạn cứ nghĩ rằng bạn đang có mười ngón tay trước mặt để kết hợp với nhau thay vì chỉ nghĩ đến từng bàn tay riêng lẽ với chỉ năm ngón tay ở mỗi tay. Khi bạn nghĩ rằng 10 ngón bàn tay của bạn sẽ cùng kết hợp với nhau trên một mặt phẳng ngay trước mặt mình, bạn sẽ kiểm soát được âm thanh do chính hai bàn tay của bạn tạo ra. Thêm vào đó, nó còn giúp bạn tập trung vào việc đọc bản nhạc mà không bị lỡ mất những gì đôi bàn tay của bạn đang làm trong quá trình tập đàn piano.
Lúc đầu, bạn nên ráp hai tay chầm chậm để tránh sai sót làm cho hai tay bị loạn nhịp rồi khi hai tay đã thông thạo hơn thì bạn sẽ tăng tốc độ từ từ lên. Cho đến khi chơi được ở tốc độ mà bạn mong muốn, bạn sẽ không dừng lại ở đó mà hãy cố gắng tập thêm một vài lần nữa cho đến khi đạt được tốc độ nhanh hơn một tý so với tốc độ cần thiết theo yêu cầu của tác giả bản nhạc để sau này có dịp đi chơi nhạc thực tế ở bên ngoài, bạn sẽ tự tin chơi bản nhạc đó ở tốc độ ban đầu. Trong khi chơi nhạc, bạn cố gắng đừng nhìn xuống các ngón tay của mình mà thay vào đó nên tập nhìn vào bản nhạc và để hai bàn tay được phiêu theo giai điệu của bản nhạc.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.