Tương tự như đoạn dạo đầu, đoạn kết giữ vai trò quan trọng với mục đích chính của nó là tổng kết lại toàn bộ chất liệu, âm hưởng, nhịp điệu, hòa thanh mà trước đó các thành phần khác trong bản nhạc đã tham gia. Về chức năng, đoạn kết giúp tóm tắt lại những đường nét chính của chất liệu chủ đề, kết thúc sự phát triển của giai điệu, tạo sự cân bằng và ổn định cho bản nhạc trước khi nó chấm dứt. Tùy vào từng bản nhạc mà trường độ của đoạn kết sẽ dài hay ngắn. Theo đó, đoạn kết ngắn thường dài từ 02 đến 04 nhịp, còn đoạn kết dài thì cũng chỉ từ 08 đến 12 nhịp. Ý nghĩa của đoạn kết được hiểu một cách nôm na là nêu bậc cảm xúc, liên tưởng đến hình tượng nghệ thuật của bản nhạc. Đoạn kết nào cô đọng và tạo ấn tượng tốt sẽ góp phần vào thành công chung của phần trình diễn bản nhạc ở các phần khác trước đó.
Có nhiều kiểu để thực hiện đoạn kết tùy theo ý đồ của bạn. Dưới đây là các kiểu kết thường gặp:
- Kết bằng một hợp âm duy nhất;
- Kết bằng một vòng hòa âm nào đó ví dụ như vòng hòa âm bậc I-IV-V-I.
- Kết sử dụng giai điệu có trong bản nhạc. Theo đó, câu nhạc của đoạn kết sẽ nhắc lại một đoạn giai điệu tiêu biểu nào đó của bản nhạc. Kiểu kết này đem lại cảm giác an toàn, ổn định, như một nét vẽ tô đậm thêm cho phần giai điệu tiêu biểu cần được nhắc lại trong bản nhạc;
- Kết sử dụng một nhân tố giai điệu nào đó trong bản nhạc nhưng có sự phát triển thêm;
- Kết bằng cách xử lý tốc độ (tempo) chậm dần (rall) rồi dừng hẳn. Bằng thủ pháp để tốc độ chậm dần rồi dừng hẳn như thế, đoạn kết tạo âm hưởng lắng đọng, lưu giữ cảm giác như thể không muốn bản nhạc dừng lại tại đó và đây được xem là lối kết rất phổ biến hiện nay. Khi tốc độ chậm dần lại, những hợp âm khác nhau được sử dụng trong bản nhạc sẽ xoay chuyển cùng âm lượng, nhạc cụ để diễn tả sắc thái như thể không muốn kết thúc, vẫn lắng đọng theo âm hưởng bản nhạc chuyển đến tai người nghe.
- Kết ngắt. Đây là kiểu kết đối lập với kiểu kết chậm dần ở trên vì nó làm cho bản nhạc dừng lại một cách đột ngột, nhằm gây hiệu quả bất ngờ, hụt hẫng với người nghe. Về mặt giá trị, kết ngắt vẫn tác động đến tâm lý của người nghe bằng âm hưởng kết mà lại không kết, có nghĩa là kết thúc toàn bộ âm nhạc, lúc đó người nghe sẽ nhớ lại những diễn biến, giai điệu, lời ca được trình bày trước đó. Âm hưởng của bản nhạc như vẫn còn vang vọng trong tâm tư, tình cảm, để lại những vấn đề cần lý giải, suy tư của người nghe.
- Kết bằng cách nhắc lại đoạn mở đầu của bản nhạc. Có hai thủ pháp khi muốn kết theo kiểu này là: (i) nhắc lại nguyên mẫu đoạn mở đầu là không có bất kỳ sự thay đổi chi tiết nào của đoạn mở đầu. Cách kết này còn được gọi là giả kết, nó làm cho người nghe như thể được nghe lại toàn bộ bản nhạc thêm một lần nữa. Sau khi tái hiện phần mở đầu, âm nhạc sẽ dừng lại và kết thúc ở đó, đây là thủ pháp gây ấn tượng với người nghe; hoặc (ii) nhắc lại nguyên mẫu của đoạn mở đầu rồi tiếp tục phát triển thêm bằng những cách ví dụ như thay đổi nhịp điệu, tốc độ, tạo cho kết được sinh động và hiệu quả thêm.
- Kết bằng một chất liệu âm nhạc mới tương phản với chất liệu âm nhạc có trong bản nhạc.
Kết cũng có nhiều loại thủ pháp, nhưng có hai dạng thủ pháp chủ yếu là kết hẳn (hoàn toàn) và kết nửa (hoặc kết lửng, kết tạm).
- Kết hẳn là hợp âm cuối của bản nhạc sẽ là T (I), tạotính chất ổn định, vững chắc, trọn vẹn. Có hai loại kết hẳn là kết hẳn chính cách và kết hẳn biến cách. Kết hẳn chính cách là đặt D trước khi về T. Ví dụ, (bậc V – bậc I) trong khi kết hẳn biến cách là đặt S trước khi về T. Ví dụ : (bậc IV – bậc I).
- Kết tạm cũng về hợp âm cuối là T (bậc I) nhưng nốt trên cùng của hợp âm lại không phải là nốt chính của hợp âm đó mà là một trong hai nốt còn lại của hợp âm, tức là ở các thể đảo của hợp âm.
- Kết nửa tức là hợp âm cuối là D (bậc V) hoặc S (bậc IV). Kết nửa có tính chất không ổn định và đòi hỏi âmnhạc phải được tiếp tục phát triển. Có hai loại kết nửa là kết nửa chính cách và kết nửa biến cách. Kết nửa chính cách là kết bằng hợp âm D (bậc V) ở cuối câu và kết nửa biến cách là kết bằng hợp âm S (bậc IV) ở cuối câu.
Còn một cách kết nữa theo dạng quãng hai trưởng và rất thường được áp dụng trong các hợp âm thứ. Ví dụ, nếu hợp âm chủ là Am thì bạn sẽ kết nữa bằng cách di chuyển từ hợp âm F đến hợp âm G rồi về hợp âm Am. Tuy nhiên, ở hợp âm trưởng thì cũng áp dụng kiểu kết nữa này. Ví dụ, Hợp âm chủ là A thì bạn sẽ di chuyển từ hợp âm F đến hợp âm G rồi về hợp âm A dù âm giai của hợp âm A không có hợp âm F và hợp âm G mà chỉ có hợp âm F# và hợp âm G#.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.