27 bước xử lý kỹ thuật bản nhạc piano bạn cần nên biết

Để chơi một bản nhạc nào đó chỉ có khóa Sol thì bạn sẽ bị bối rối không biết phải chơi như thế nào, có cố nhớ kỹ thuật piano này thì lại quên kỹ thuật piano kia. Để tự chơi một bản nhạc trên đàn piano cho hay, bạn cần biết cách phân tích và xữ lý bản nhạc sao cho tinh tế, phải biết nhạc lý, một số loại mẫu âm hình đệm xếp hẹp và xếp rộng, biết đôi chút về kỹ thuật hòa âm, sáng tác, phải biết thế mạnh và điểm yếu của đàn piano so với các loại nhạc cụ khác để vận dụng vào phần âm Bass và các mẫu âm hình đệm sao cho phù hợp nhất. Ví dụ, thế mạnh của đàn piano là chức năng đệm rải chứ không phải chơi theo tiết điệu của mẫu âm hình đệm hay chơi chồng hợp âm một cách rõ ràng như trên đàn organ nên bạn phải biết cách chuyển các tiết điệu nào thường được chơi theo tiết điệu rõ nét ở các loại nhạc cụ khác như đàn guitar sang cách chơi đệm rải trên đàn piano nhưng phải làm sao để giữ được nét đặt trưng của tiết điệu đó thì mới nghe hay. Để làm được như vậy, bạn nên thực hiện một số bước sau đây:

  • Bước 1: Bạn nên nghe thử vài lần ca từ của bản nhạc để biết những điểm chính của bản nhạc rồi từ đó sẽ hiểu được ý đồ của tác giả bản nhạc. Điều này sẽ giúp bạn nhập tâm vào bản nhạc để tạo ra Đoạn dạo đầu, Giang tấu, Đoạn Kết sao cho phù hợp nhất;
  • Bước 2: Bạn phải xem bản nhạc thuộc thể loại nhạc gì, ví dụ đó là dân ca Nam bộ, Bolero, nhạc Mỹ La Tinh, hoặc nhạc Tây Nguyên, v.v… để từ đó sẽ sử dụng một tiết điệu và âm giai nào đó phù hợp để chơi bản nhạc đó;
  • Bước 3: Bạn bắt tay phân tích cấu trúc của bản nhạc để tìm mô-típ chính của nó (mô-típ thường nằm ở đoạn đầu tiên của bản nhạc), rồi từ mô-típ chính đó bạn sẽ hình thành nên chi câu, rồi khi tập hợp nhiều chi câu sẽ tạo ra câu, từ nhiều câu hợp lại sẽ tạo ra đoạn và sau cùng từ nhiều đoạn sẽ tạo ra một bản nhạc hoàn chỉnh. Việc phân tích cấu trúc của bản nhạc sẽ giúp bạn đưa các câu lót, đoạn chạy ngón, các kiểu dằn ví dụ như tutti, tace vào giữa các đoạn, các câu nhạc để bài nhạc của bạn thêm phong phú;
  • Bước 4: Tùy vào dấu hóa biểu của bản nhạc là dấu # hoặc b, bạn sẽ xác định được điệu thức của bản nhạc rồi từ điệu thức đó bạn sẽ suy ra âm giai chính của bản nhạc rồi từ đó sẽ suy tiếp sáu hợp âm cơ bản trưởng và thứ của âm giai và các hợp âm bà con, họ hàng, cháu chắt khác sao cho phù hợp nhất. Bạn cũng cần biết về cung, quãng, hợp âm và biết cách sử dụng chúng, đặc biệt là các hợp âm mở rộng (hay còn gọi là hợp âm màu), cách tiến hành hợp âm, nối tiếp hợp âm (bạn cần biết kết hợp việc sử dụng các hợp âm đảo, hợp âm màu như hợp âm sus2, hợp âm sus4, hợp âm m7-5, hợp âm dim, hợp âm dim7, hợp âm 6, hợp âm M7, hợp âm, 7, hợp âm 9, hợp âm 11, hợp âm 13, hợp âm hai thứ Napoli, hợp âm add9, hợp âm add11, hợp âm add13 xen kẻ với sáu hợp âm cơ bản trưởng, thứ trong âm giai của bản nhạc);
  • Bước 5: Bạn sẽ chọn mẫu âm hình đệm tay trái phù hợp cho đoạn phiên khúc A (thường là mẫu âm hình đệm đơn giản, ít nốt) và đoạn điệp khúc B (mẫu âm hình đệm phức tạp, có nhiều nốt, dày hơn, cường độ mạnh hơn) của bản nhạc. Bạn cũng sẽ thay đổi các mẫu âm hình đệm đã chọn bằng cách chồng hợp âm, rải hợp âm, chạy ngón, với đặc trưng là di chuyển tư thế của tay trái ở các khoảng cách từ hẹp (từ quãng năm đến quãng tám) đến rộng (đến quãng mười) và rất rộng (từ quãng mười hai trở lên) và ngược lại;
  • Bước 6: Bạn sẽ cho các âm Bass di chuyển theo bước lần từ nửa cung đến một cung hoặc di chuyển theo bước lần của hợp âm ở các quãng ba, quãng bốn, quãng năm, quãng sáu (xin xem thêm ở phần hướng dẫn về đường đi của âm Bass trong Quyển Hướng dẫn này);
  • Bước 7: Bạn nên tập chơi giai điệu nhiều lần cho đến khi không cần nhìn bản nhạc nhưng bạn vẫn nhớ giai điệu, hợp âm và mẫu âm hình đệm. Điều này sẽ giúp bạn phiêu theo bản nhạc vì chính vào lúc này bạn đã không còn phải nhìn vào bản nhạc nữa;
  • Bước 8: Nếu nhịp điệu của bạn chưa thật vững vàng thì nên mở máy đập nhịp (metronome) hoặc nút chơi nhịp của đàn piano điện để chơi theo nhịp hoặc chân của bạn sẽ đập nhịp giúp bản nhạc được trình bày một cách nhịp nhàng và giúp bạn có nhịp trong người;
  • Bước 9: Ở các phách mạnh và phách mạnh vừa của tiết nhịp và tiết điệu thì hai tay của bạn phải biết nhấn nhá để phân biệt các phách mạnh và phách yếu và chân phải của bạn cũng cần nhấc lên, đạp xuống cho phù hợp ở các ví trí của các phách mạnh và phách mạnh vừa;
  • Bước 10: Bạn nên tập chơi lơi nhịp một ít ở phần giai điệu tay trái để giai điệu của bản nhạc được dàn trải, nghe du dương giống như lời ca của ca sĩ khi hát để phù hợp với thế mạnh của đàn piano là chức năng đệm rải;
  • Bước 11: Ở phần giữa nối hai câu với nhau thường không có giai điệu ở vị trí đó nên có khoảng trống với trường độ khá lớn, bạn sẽ thay đổi mẫu âm hình đệm của tay trái một chút tại những vị trí đó (thường sẽ là rộn ràng, quãng rộng hơn, nhiều nốt hơn) và sẽ phối hợp với tay phải để cả hai cùng chơi các mẫu âm hình đệm; hoặc tay trái của bạn sẽ chơi theo mẫu âm hình đệm, còn tay phải sẽ chạy ngón hoặc cả hai tay cùng chạy ngón di chuyển đi lên hoặc đi xuống, để tạo ra một ít khác biệt với phần mẫu âm hình đệm chính rồi khi vào lại phần giai điệu tiếp theo của bản nhạc thì tay trái của bạn sẽ trở về với nhiệm vụ chính của mình là đảm nhận mẫu âm hình đệm ban đầu và tay phải trở về tiếp tục đảm nhận phần chơi giai điệu và sử dụng các thủ pháp biểu diễn để tô điểm làm đẹp cho giai điệu;
  • Bước 12: Ở các khoảng trống giữa các chi câu và các câu, bạn sẽ dùng các thủ pháp biểu diễn để làm đẹp giai điệu ví dụ như tô điểm quanh nốt sau cùng của giai điệu, lót câu bằng các hình thức láy rền, láy chùm, âm vỗ, lót câu bằng cách lặp lại theo giai điệu và tiết tấu của câu vừa mới chấm dứt, v.v…;
  • Bước 13: Khi di chuyển từ đoạn phiên khúc A vào đoạn điệp khúc B, bạn nên cho dẫn vào cao trào theo cách đi lên và sẽ chạy ngón theo hợp âm hoặc theo âm giai đi lên, dùng các kỹ thuật ví dụ như glissando, chạy âm giai đi lên, chồng hợp âm đi lên, sử dụng lặp lại các quãng thuận, v.v… với cường độ tăng dần để tạo cao trào;
  • Bước 14: Ở những khoảng trống giữa các câu giai điệu nào đó mà có trường độ khá dài hoặc khi di chuyển từ đoạn phiên khúc A vào đoạn điệp khúc B, vì muốn làm ngắn gọn bản nhạc để dễ in ấn hoặc muốn cho chẳn chi câu trong bản nhạc nên tác giả bản nhạc sẽ cho chuyển câu hoặc chuyển đoạn với khoảng cách hơi ngắn không đủ cho ca sĩ lấy hơi ngân dài thì bạn sẽ cho giai điệu vào trễ 01 đến 02 nốt móc đơn hoặc bạn thậm chí sẽ chủ động đưa thêm vào một đến hai ô nhịp nữa rồi xem ô nhịp mà giai điệu kế tiếp sẽ sử dụng hợp âm gì để dựa vào hợp âm đó ghi hợp âm tại ô nhịp thêm vào là hợp âm 7 át của hợp âm sau để tạo sức hút từ hợp âm 7 át về hợp âm chủ;
  • Bước 15: Bạn sẽ dùng các kỹ thuật đàn piano ví dụ như trill (láy đều) để diễn tả tính chất vui tươi của bản nhạc hoặc tremolo (láy rền) để tạo sự phong phú cho tiết tấu, hình tượng âm nhạc theo các quãng thuận như quãng ba, quãng năm, quãng sáu, quãng tám để làm đẹp thêm các nốt giai điệu (việc này không nhất thiết chỉ ở các nốt phách mạnh);
  • Bước 16: Bạn sẽ chồng nốt giai điệu ở các quãng ba, quãng năm, quãng sáu, quãng tám (đây là các quãng thuận phổ biến nhất) theo các nốt có trong hợp âm ở tại các phách mạnh hoặc nguyên một đoạn nhạc nào đó để giai điệu được dày lên theo ý đồ của tác giả bản nhạc;
  • Bước 17: Bạn sẽ dùng kỹ thuật trimolo ở một vài đoạn nhạc nào đó hoặc ở các vị trí của phách mạnh ở các quãng ba, quãng năm, quãng tám của các nốt giai điệu để thay đổi sắc thái của bản nhạc;
  • Bước 18: Bạn sẽ tìm những vị trí nào đó trong bản nhạc mà bạn sẽ sử dụng các kỹ thuật piano khác ví dụ như tutti, tace để giúp thay đổi sắc thái của bản nhạc;
  • Bước 19: Bạn sẽ dịch chuyển giai điệu đi lên hoặc đi xuống một đến hai quãng tám so với vị trí ban đầu, đặc biệt là trong các bản nhạc song ca cần có hai bè đối đáp nhau, chơi mạnh, nhẹ tùy vào vị trí của quãng (quãng thấp thì chơi nhẹ để không bị ồn, còn quãng cao thì chơi to cho rõ tiếng);
  • Bước 20: Bạn sẽ chạy ngón có chọn lọc trên: (i) âm giai trưởng hoặc âm giai thứ tùy vào tính chất của bản nhạc buồn hay vui; (ii) âm giai chromatic nửa cung; (iii) âm giai ngũ âm (nếu bản nhạc có âm hưởng dân ca); hoặc (iv) chạy theo các quãng thuận ví dụ như quãng ba thứ, quãng ba trưởng, quãng sáu thứ, quãng sáu trưởng, quãng bốn đúng, quãng năm đúng, quãng tám đúng;
  • Bước 21: Bạn sẽ chọn một câu giới thiệu nào đó hay, phù hợp với bản nhạc để dẫn nhập ở đoạn dạo đầu của bản nhạc;
  • Bước 22: Bạn soạn Đoạn dạo đầu cho bản nhạc (xem phần hướng dẫn soạn Đoạn dạo đầu);
  • Bước 23: Bạn soạn Giang tấu cho bản nhạc (xem phần hướng dẫn soạn Giang tấu);
  • Bước 24: Bạn soạn Đoạn kết cho bản nhạc (xem phần hướng dẫn soạn Đoạn kết);
  • Bước 25: Bạn thỉnh thoảng thay đổi trường độ các nốt giai điệu nếu trường độ của chúng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nghe nhàm chán;
  • Bước 26: Bạn sẽ lên (ton) giọng của bản nhạc từ nửa đến một cung ở đoạn điệp khúc B khi nó được lặp lại để vào kết; và
  • Bước 27: Bạn cũng sẽ thay đổi tiết điệu mà tác giả bản nhạc đã chọn cho bản nhạc nếu phù hợp (ví dụ từ điệu Boston chuyển sang điệu Slow Rock) để thay đổi tiết tấu của bản nhạc.

    Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.