05 thủ pháp biểu diễn làm nổi bật giai điệu

Vì giai điệu âm nhạc nói chung và giai điệu của lời hát nói riêng nhiều khi đơn điệu và rời rạc nên bạn cần phải trang bị cho mình các kỹ thuật đàn piano hỗ trợ để giúp làm nổi bật giai điệu. Dưới đây là một số kỹ thuật hỗ trợ thường gặp nhất:

  • Việc bạn chọn chơi nốt giai điệu của tay phải ở quãng nào sẽ tùy thuộc vào nội dung ca từ của bản nhạc. Ví dụ, khi giai điệu của bản nhạc có tính chất trầm buồn thì bạn nên chơi giai điệu ở các quãng thấp gần với mẫu âm hình đệm của tay trái. Tuy nhiên, khi giai điệu của bản nhạc có tính chất cao trào, phấn khởi, vui tươi thì bạn nên chơi xa khỏi mẫu âm hình đệm bên tay trái để tạo sắc thái cho bản nhạc.
  • Khi gặp một đoạn giai điệu nào đó mà bạn muốn tạo khác biệt, tương phản với những phần giai điệu khác của bản nhạc thì bạn sẽ đột ngột di chuyển phần giai điệu đó đi ra xa đâu đó trong một hay vài ô nhịp để tạo hiệu ứng rồi cần di chuyển trở lại vị trí cũ. Việc di chuyển như vậy cũng sẽ được áp dụng với các bản nhạc hát song ca cách nhau một quãng tám. Ví dụ, ca sĩ A hát xong quãng tám này thì ca sĩ B sẽ di chuyển lên hoặc xuống một quãng ba, một quãng bốn, một quãng năm, một quãng sáu hay một quãng tám để hát tiếp. Sau đó, đến đoạn điệp khúc B thì cả hai giọng sẽ hợp lại với nhau thành bè quãng tám, bè quãng ba hoặc khó hơn nữa là bè quãng bốn, bè quãng năm, bè quãng sáu.
  • Khi chơi một bản nhạc nào đó, bạn sẽ dùng các kỹ thuật ví dụ như: chèn, lót câu, nối ở tay phải để nối các câu, các đoạn lại với nhau sao cho liền lạc. Theo đó:
  • Kỹ thuật chèn

Là sử dụng các nốt có trong hợp âm tại ô nhịp bạn đang chơi hoặc các nốt có trong âm giai của bản nhạc theo một trong ba cách sau: (1) chồng hợp âm; (2) rải các nốt có trong hợp âm; và (3) kết hợp cách (1) và cách (2) ở trên vào các khoảng trống giữa nốt cuối giai điệu của câu trước và nốt đầu giai điệu của câu sau nhằm giúp bản nhạc được đầy đặn, ít có khoảng trống mà sẽ làm cho âm thanh bị rỗng. Cần lưu ý rằng, không nhất thiết lúc nào chèn cũng phải nằm trong cùng quãng cao độ của các nốt giai điệu tại ô nhịp đó mà nó có thể từ một quãng nào khác ở phía lên hoặc phía dưới xa hơn một quãng tám tùy vào vị trí của giai điệu tại thời điểm đó ở đâu hoặc cũng có thể là từ một nốt có trong hợp âm của câu này đến một nốt có trong hợp âm của câu kế tiếp. Tuy nhiên, để chèn được hay, tiết tấu của đoạn chèn phải giống (đây có thể là giống hoàn toàn hoặc không giống hoàn toàn với sự thêm bớt của các nốt khác có trong âm giai nhưng phải làm sao để nghe ra được tính chất của điệu tính và tiết điệu của bản nhạc. Chú ý, do vị trí chèn thường nằm giữa hai câu nên sẽ không có giai điệu xuất hiện tại vị trí đó nên âm thanh của đoạn chèn cũng được xem là âm thanh của một giai điệu mới được chèn vào để làm cho bản nhạc thêm phần phong phú nên cường độ của đoạn chèn đó cũng ít hơn hoặc có thể bằng với cường độ của giai điệu.

  • Kỹ thuật câu đệm lót

Dù câu đệm lót cũng là một dạng của chèn nhưng nó thường được diễn đạt dưới một trong các hình thức sau đây:

  • Tay phải của bạn sẽ rải hợp âm đại diện cho ô nhịp tại vị trí mà bạn muốn chèn vào câu đệm lót nhưng bạn sẽ di chuyển tăng lên hoặc hạ xuống trong vòng một đến hai quãng tám làm sao để nốt sau cùng của giai điệu trước khi di chuyển đến vị trí mà bạn muốn chèn câu đệm lót nằm ở bìa bên phải của tay phải nhằm giúp âm thanh của nó khi vang lên sẽ nổi bật hơn so với các nốt khác có trong hợp âm tại vị trí đó, tức là bạn phải sử dụng đến các thể đảo của hợp âm;
  • Tay phải của bạn sẽ chồng các nốt có trong hợp âm đại diện của ô nhịp tại vị trí mà bạn muốn chèn câu đệm lót nhưng bạn sẽ tăng lên hoặc hạ xuống trong vòng một đến hai quãng tám để người nghe không bị lầm tưởng rằng câu đệm lót cũng là một phần của giai điệu bản nhạc;
  • Bạn sẽ phỏng tạo lại toàn bộ âm điệu của một đoạn giai điệu ngắn hoặc mô-típ tiêu biểu nào đó của bản nhạc (thường là đoạn nằm ngay ở trước câu đệm lót) bằng cách giữ nguyên khoảng cách chuyển động, trường độ, cường độ của đoạn giai điệu hoặc mô-típ đó nhưng thay đổi bậc âm tăng lên hoặc hạ xuống trong vòng một đến hai quãng tám để người nghe không bị lầm tưởng rằng câu đệm lót cũng là một phần của giai điệu bản nhạc hoặc bạn cũng sẽ chồng âm quãng tám để nghe giai điệu được dày hơn. Nếu bản nhạc có tiết tấu nhanh mà bạn nhận thấy rằng việc di chuyển xa như vậy rồi quay trở về sẽ không kịp thì bạn nên chơi câu đệm lót ngay tại khu vực của các nốt giai điệu nhưng phải chơi với cường độ nhỏ lại, hoặc phải sử dụng kỹ thuật staccato để người nghe thấy được sự thay đổi màu sắc giữa âm thanh của nốt giai điệu và âm thanh của câu đệm lót;
  • Bạn sẽ phỏng tạo lại tiết tấu của đoạn giai điệu hoặc mô-típ đó (thường thì bạn sẽ lấy đoạn của câu nằm ngay phía trước câu đệm lót đó) hoặc sẽ chỉ là chất liệu của đoạn giai điệu hoặc mô-típ tiêu biểu đó bằng cách cho câu đệm lót di chuyển trên các nốt có trong hợp âm tại vị trí đó hoặc các nốt có trong âm giai của bản nhạc hoặc là sự kết hợp của cả hai cách đó để làm câu đệm lót. Nếu đoạn giai điệu hoặc mô-típ đó có trường độ dài mà khoảng trống để lót câu đệm lót lại không đủ chỗ thì bạn sẽ cân nhắc tăng gấp đôi tiết tấu hoặc sử dụng các liên ba móc đơn, liên ba móc kép. Ngược lại, nếu ở vị trí cần có câu đệm lót lại có khoảng trống lớn trong khi đoạn giai điệu hoặc mô-típ có trường độ ngắn thì bạn sẽ chia đôi tiết tấu của câu đệm lót; và
  • Một kỹ thuật khác cũng thường được sử dụng cho câu đệm lót là bạn sẽ vận dụng các thủ pháp biểu diễn để tô điểm các nốt khác có trong âm giai của bản nhạc hoặc trong âm giai Chromatic (với trường độ chỉ bằng nữa cung) xung quanh nốt giai điệu sau cùng vừa chấm dứt trước khi di chuyển vào câu đệm lót. Cũng giống như chức năng của kỹ thuật chèn, câu đệm lót sẽ không quan trọng về mặt cao độ nhưng bạn phải làm sao để có thể phỏng tạo được tiết điệu của bản nhạc thì mới nghe ra chất của bản nhạc.
  • Kỹ thuật nối

Nối cũng là một dạng của chèn với hai chức năng chính là: (1) nối hòa âm từ một nốt bất kỳ của hợp âm trước sang một nốt bất kỳ của hợp âm sau; và (2) nối cao độ giai điệu từ cao độ nốt sau cùng của đoạn hoặc câu này sang cao độ của nốt giai điệu đầu tiên của đoạn hay câu kế tiếp. Có hai loại nối là nối chính và nối phụ.

  • Nối chính (chạy ngón)
  • Bạn phải xác định được thời gian và vị trí chỗ nối sao cho chính xác; và
  • Bạn có thể dùng kỹ thuật chồng âm hoặc rải giai điệu.

Nói chung, nối và dẫn đều nằm trên nền hòa âm (tức là nằm trên các hợp âm đang sử dụng) hoặc chuyển từ hợp âm này sang hợp âm khác (ví dụ, từ hợp âm G-Gsub4-G7-C).

  • Nối phụ

Khi khoảng trống giữa các câu hoặc các đoạn dài hơn phần giai điệu trước đó (thường là từ ba phách trở lên trong hai ô nhịp liên tiếp), sau khi lặp lại giai điệu thì có thể vẫn còn một khoảng trống đáng kể nào đó. Khi gặp trường hợp đó, bạn nên dùng kỹ thuật nối phụ để làm đầy khoảng trống đó. Khi sử dụng kỹ thuật nối phụ, bạn có thể cho các nốt trong đoạn nối phụ chạy xung quanh nốt sau cùng của giai điệu trước đó để tô điểm cho nó.

  • Kỹ thuật dẫn

Bạn cũng có thể sử dụng kỹ thuật dẫn để nối từ nốt cuối cùng của giai điệu của đoạn hoặc câu này sang nốt giai điệu đầu tiên của đoạn hoặc câu kế tiếp thông qua việc di chuyển theo các bước lần quãng hai, quãng ba theo âm giai của bản nhạc hay theo các nốt có trong hợp âm. Nối thường được sử dụng từ nốt sau cùng của đoạn phiên khúc A di chuyển vào nốt đầu tiên của đoạn điệp khúc B nhưng không nhất thiết là nối giai điệu mà có thể đó chỉ là nối về hòa âm cũng như cường độ sẽ có sự điều chỉnh từ nhỏ, lớn dần đến lớn để di chuyển vào phần cao trào của đoạn điệp khúc B.

Nói chung, dẫn nằm trên nền hòa âm (tức là trên các hợp âm đang sử dụng) hoặc chuyển từ hợp âm này sang hợp âm khác (ví dụ, từ hợp âm G-Gsub4-G7-C), theo đó:

  • Dẫn sẽ là phần chuẩn bị để từ đoạn phiên khúc A vào phần cao trào của đoạn điệp khúc B. Để dẫn làm sao cho hay thì bạn cũng phải lấy chất liệu từ giai điệu (bao gồm cả cao độ và tiết tấu) của bản nhạc làm khung sườn;
  • Dẫn sẽ di chuyển từ hợp âm này sang hợp âm khác;
  • Dẫn giai điệu sẽ xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn một ít so với nốt đệm trong hợp âm của tay trái (chú ý là âm đầu và âm cuối đều phải về đúng nốt có trong hợp âm);
  • Dẫn thì sẽ là dẫn lên hoặc dẫn xuống;
  • Dẫn sẽ lấy chất liệu giai điệu của bản nhạc; và
  • Dẫn muốn nghe hay thì cần có Mô-Típ được lặp đi lặp lại tịnh tiến đi lên hoặc đi xuống chứ nếu chỉ chơi cho có để lấp đầy chỗ trống thì nó sẽ được xem là chèn chứ không phải là dẫn. Về chất lượng của các quãng của Mô-Típ của kỹ thuật dẫn, bạn nên sử dụng nhiều quãng thuận của các hợp âm xuất hiện tại các ô nhịp dẫn đó và kết hợp với một số quãng nghịch có trong âm giai và nếu Mô-típ có trường độ dài thì sẽ thêm một ít quãng nghịch không có trong âm giai để tạo lực hút di chuyển đi lên hoặc hút xuống về các hợp âm mong muốn.

Khi sử dụng kỹ thuật dẫn, bạn cần xác định bạn sẽ dẫn từ đâu đến đâu hay dẫn từ hợp âm này sang hợp âm kia và nếu mẫu âm hình đệm của đoạn dẫn có chất liệu của giai điệu thì nó sẽ càng hay hơn còn nếu không thể làm được như vậy thì bạn cũng sẽ dẫn một cách độc lập.

  • Nốt tô điểm

Là áp dụng thủ pháp biểu diễn thông qua việc sử dụng các nốt tô điểm có tiết tấu khác đi (thường nốt tô điểm sẽ có trường độ nhanh hơn trường độ của nốt giai điệu tại vị trí sử dụng dụng nốt tô điểm và sẽ không được tính vào trường độ của nốt chính ví dụ như nốt qua, nốt thêu, luyến, v.v…) để tô điểm cho nốt sau cùng của một câu hay ở các chữ giai điệu trong câu có dấu hỏi, ngã, nặng. Còn với chữ giai điệu nào có dấu hỏi, bạn nên dùng móc kép đi lên còn chữ giai điệu có dấu ngã thì nên dùng móc kép đi xuống. Còn chữ giai điệu có dấu nặng thì bạn nên sử dụng hình thức láy qua láy lại. Thông thường, để đơn giản thì các nốt tô điểm sẽ được cho chạy xung quanh nốt cần tô điểm ví dụ như chạy chromatic nửa cung nhưng cũng sẽ tô điểm các nốt khác có trong hợp âm đã chọn ở ô nhịp đó ở vào vị trí quãng đó hoặc thậm chí là ở cả các quãng khác.

Khi đệm cho ca sĩ hát, việc sử dụng các kỹ thuật chén, lót, nối, dẫn, tô điểm như trên cũng gần tương tự như khi bạn độc tấu piano trừ một vài sự khác biệt nho nhỏ là tay phải của bạn sẽ không chơi giai điệu do ca sĩ đã hát phần giai điệu nên việc chèn, lót, nối, dẫn, tô điểm thường chỉ là sự di chuyển từ nốt có trong hợp âm ở nốt giai điệu sau cùng của câu trước sang nốt có trong hợp âm của câu sau tại vị trí gần với nốt giai điệu mà xuất hiện hợp âm mới (thường là ở các phách mạnh đầu tăng hoặc ở các phách mạnh vừa).

  • Mẹo 1: khi đệm cho ca sĩ hát các bản nhạc mà bạn chưa biết lời và bạn chỉ mới sẽ xác định được (ton) giọng trưởng hoặc thứ, âm giai và điệu của bản nhạc nhưng chưa biết rõ hợp âm của từng ô nhịp, nếu bí quá thì ngoài các mẹo như khi mới bắt đầu vào bản nhạc thì bạn còn có thể sử dụng hợp âm gốc cho đến hết một đoạn nào đó rồi dùng hợp âm gốc để vào B (nếu bản nhạc chỉ có một đoạn phiên khúc A và một đoạn điệp khúc B) hoặc dùng hợp âm ở bậc V để trở về hợp âm gốc bậc I của đoạn phiên khúc A2 (nếu bản nhạc có đoạn phiên khúc A1 và đoạn phiên khúc A2 và đoạn điệp khúc B), hoặc về hợp âm gốc khi kết bài, bạn sẽ dùng các kỹ thuật nối, dẫn từ hợp âm này sang hợp âm kia (dù sẽ không đúng hoặc không được hay về mặt hòa âm) thì người nghe vẫn sẽ chấp nhận được vì âm thanh của chúng có sự liền lạc, dẫn dắt, kiệu giữa các đoạn và câu với nhau.
  • Mẹo 2: khi đệm cho ca sĩ hát mà ca sĩ chưa quen với bản nhạc trước, nếu bạn sử dụng các kỹ thuật nối, dẫn hòa âm từ hợp âm này sang hợp âm kế tiếp thì sẽ giúp dìu ca sĩ theo được với tiết tấu, nhịp điệu của bản nhạc.
  • Mẹo 3: khi ban nhạc đang chơi cho ca sĩ hát mà bạn muốn chơi chung bằng cách sử dụng các kỹ thuật như chèn, lót, nối, dẫn, tô điểm cho giai điệu nhưng bạn chỉ nhớ được các nốt của giai điệu và âm giai của bản nhạc thì sẽ dùng kỹ thuật nối giai điệu chính xác từ nốt sau cùng của câu giai điệu trước đến nốt giai điệu tại phách mạnh của câu giai điệu tiếp theo tại bất kỳ cao độ nào (thường là ở cao độ cao hơn khu vực giai điệu một quãng tám).

Bạn cần xác định một cách chính xác các mốc thời gian và vị trí để chèn, lót câu sao cho phù hợp và nên dành một khoảng trống hợp lý nào đó để ca sĩ kịp lấy lại hơi để vào giai điệu của câu kế tiếp.

Có nhiều cách chèn, lót câu ví dụ như chơi chồng âm hay rải giai điệu. Riêng với cách rải giai điệu thì có hai loại là:

  • Cao độ
  • Lặp lại giai điệu ở cùng cao độ; và
  • Lặp lại giai điệu nhưng ở một cao độ khác cao hoặc thấp hơn cao độ hiện tại một quãng tám. Cách này cũng hữu ích khi đệm đàn piano vì bạn vừa chèn, lót câu lại vừa nhắc lời cho ca sĩ giúp ca sĩ hát được một cách thoải mái và tự nhiên hơn.
  • Mẫu âm hình đệm
  • Giữ nguyên cao độ và tiết tấu;
  • Thay đổi cao độ nhưng vẫn giữ nguyên tiết tấu;
  • Rút ngắn hoặc kéo dài mẫu âm hình đệm (ví dụ như đơn sang kép, đơn sang móc giật, v.v…); và
  • Sử dụng các thủ pháp biểu diễn để tô điểm xung quanh cao độ của nốt sau cùng của đoạn nhạc. Nốt tô điểm thường được chơi với trường độ ngắn nhất có thể bằng cách nhấc các ngón tay của bạn nhanh lên.

Khi đang đệm cho ca sĩ hát một đoạn nào đó, bạn nên giảm bớt việc sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ làm nổi bật giai điệu. Thay vào đó, ở những vị trí đó bạn nên đệm hoặc rải hợp âm theo tiết điệu đã chọn để giúp nhạc đệm và giọng của ca sĩ được hòa quyện với nhau.

Khi giai điệu gồm nhiều nốt có trường độ ngắn ví dụ như móc đơn, móc kép, liên ba thì mẫu âm hình đệm mà bạn chọn nên được dàn trải bằng các nốt có trường độ dài ví dụ như nốt đen, nốt trắng, nốt tròn và ngược lại.

Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.