Câu hỏi 100: Trong vụ án ly hôn, có trường hợp nào khi Tòa án có yêu cầu tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó nhưng tổ chức, cá nhân đó không chịu cung cấp? Nếu không cung cấp theo yêu cầu của Tòa án thì các tổ chức, cá nhân đó sẽ bị chế tài như thế nào? Có bị buộc các tổ chức, cá nhân đó phải cung cấp không? Nếu việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có phát sinh chi phí cho các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ (chi phí sao chụp tài liệu, chi phí dịch thuật nếu tài liệu, chứng cứ là tiếng nước ngoài) thì nếu có yêu cầu thì ai sẽ chịu các chi phí này?

  1. Trong vụ án ly hôn, có trường hợp nào mà khi Tòa án có yêu cầu tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó nhưng tổ chức, cá nhân không chịu cung cấp? Nếu các tổ chức, cá nhân không cung cấp theo yêu cầu của Tòa án thì tổ chức, cá nhân đó sẽ bị chế tài như thế nào? Có bị buộc phải cung cấp không?

Tự thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ vừa là thẩm quyền, cũng vừa là trách nhiệm của Tòa án. Do đó, Luật Tố tụng dân sự đã quy định, khi có yêu cầu của Tòa án thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu[1]. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp cho dù có yêu cầu của Tòa án nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu vẫn không chịu cung cấp đầy đủ các chứng cứ, tài liệu. Lúc này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do tại sao không chịu nộp. Nếu không cung cấp được vì có lý do chính đáng thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân này sẽ không chịu trách nhiệm cho việc không thực hiện yêu cầu của Tòa án. Chẳng hạn, các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án yêu cầu cung cấp thuộc đối tượng bảo mật theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, và người có thẩm quyền không cho phép họ sao chụp, gửi tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án. Tuy nhiên, nếu lý do của họ không chính đáng thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi của họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[2].

2. Nếu việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có phát sinh chi phí cho tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ (chi phí photo tài liệu, chi phí dịch thuật… nếu tài liệu, chứng cứ là tiếng nước ngoài) nếu có yêu cầu thì ai sẽ chịu các chi phí này?

Theo quy định của pháp luật, khác với một số chi phí tố tụng khác đã được quy định cụ thể như chi phí người làm chứng; người phiên dịch; giám định; thẩm định tại chỗ, chi phí liên quan đến việc giao nộp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án vẫn chưa được quy định rõ ràng trong cả Bộ luật Tố tụng dân sự lẫn pháp luật chuyên ngành. Do đó, chưa có cơ sở pháp lý để khẳng định khoản chi phí này sẽ do ai chịu. Tuy nhiên, theo ý kiến của các tác giả, trong trường hợp có phát sinh chi phí thì các chi phí phát sinh (nếu có) sẽ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu trữ, bảo quản tài liệu, chứng cứ chịu. Căn cứ Điều 106.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Như vậy, việc cung cấp theo yêu cầu của Tòa án là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang bảo quản, lưu trữ tài liệu đó, họ có trách nhiệm cung cấp, hỗ trợ Tòa án giải quyết vụ án. Trong thực tiễn, khi đương sự yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ không phải chịu bất kỳ lệ phí nào phát sinh từ yêu cầu trên. Khi nhận được yêu cầu và chứng cứ chứng minh đương sự không thể tự mình thu thập được, Tòa án sẽ gửi công văn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang cầm giữ tài liệu, chứng cứ để yêu cầu cung cấp. Khi nhận được yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên sẽ gửi bản sao của các tài liệu, chứng cứ hoặc công văn trả lời. Đương sự không phải đóng bất kỳ chi phí nào cho yêu cầu nêu trên. Trong Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 có quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án không quy định đương sự phải chịu chi phí này, nên không có căn cứ pháp lý để buộc đương sự phải chịu chi phí yêu cầu cung cấp chứng cứ. Ngoài ra, trên thực tế, chi phí nêu trên thường không lớn nên việc yêu cầu người yêu cầu nộp là không cần thiết.

Đối với chi phí dịch thuật các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng nước ngoài sẽ thuộc về nghĩa vụ của Tòa án nếu thuộc các trường hợp mà Tòa án phải tự mình thực hiện việc yêu cầu cung cấp tài liệu này, hoặc sẽ thuộc về nghĩa vụ của đương sự trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án thay đương sự yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ.


[1] Điều 106.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 106.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.