Câu hỏi 101: Trong vụ án ly hôn thì vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu: (i) ngân hàng xác định người kia có mở tài khoản tại ngân hàng và số dư là bao nhiêu không; (ii) phòng đăng ký tài sản của Ủy ban nhân dân quận, huyện để xác định người kia có đang đứng tên là chủ sở hữu các tài sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật không; (iii) phòng đăng ký kinh doanh của các Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố để xem người kia có đang là người góp vốn hay cổ đông trong các doanh nghiệp không? Nếu không được chấp thuận thì có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ không? Trong trường hợp nào thì Tòa án có quyền từ chối việc hỗ trợ xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ?

Việc xác định được cụ thể vợ và chồng trong vụ án ly hôn đang nắm giữ tài sản gì là một yêu cầu cần thiết khi vợ hoặc chồng muốn khởi kiện hoặc đưa ra yêu cầu trong vụ án ly hôn.

Một điều kiện không thể thiếu để một yêu cầu được Tòa án chấp thuận là yêu cầu đó phải cụ thể, không được mang tính chung chung để Tòa án có thể xác định được[1]. Vì vậy, vợ hoặc chồng phải tự xác định những tài sản mà vợ hoặc chồng bên kia đang nắm giữ bao gồm những gì. Chẳng hạn, đề nghị Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng là căn nhà X, tại địa chỉ Y, trị giá Z do chồng đứng tên và tài khoản ngân hàng A, số tài khoản B, số dư tài khoản C. Nếu chưa xác định được tài sản vợ hoặc chồng bên kia đang nắm giữ, họ không thể đưa ra yêu cầu để Tòa án chấp thuận trong vụ án ly hôn. Ví dụ, vợ chỉ yêu cầu Tòa án chia đôi tất cả tài sản chung của vợ chồng, mà không xác định được những tài sản đó gồm những gì, ở đâu, giá trị như thế nào thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Do đó, vợ hoặc chồng phải tự xác định được các vấn đề nêu trên, trước khi đưa ra các yêu cầu của mình đến Tòa án trong vụ án ly hôn.

Khi đã xác định được các yêu cầu của mình và nhờ Tòa án bảo vệ, đương sự là vợ hoặc chồng phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, các cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong một vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu hợp pháp[3]. Tuy nhiên, việc vợ hoặc chồng yêu cầu ngân hàng, phòng đăng ký tài sản hay phòng đăng ký kinh doanh xác nhận các thông tin về chồng hoặc vợ của người đó nắm giữ hay đứng tên trên tài sản nào hay không không thuộc vào trường hợp này, bởi đây chỉ là yêu cầu cung cấp thông tin. Chỉ khi nào vợ hoặc chồng đã nắm bắt được một thông tin xác thực nào đó, đưa ra yêu cầu cụ thể nhờ Tòa án bảo vệ dựa trên những thông tin đó, và cần các tài liệu, chứng cứ để chứng minh thì lúc này đương sự có quyền yêu cầu các tổ chức, các nhân khác cung cấp.

Bên cạnh đó, quyền yêu cầu ngân hàng, phòng đăng ký tài sản của Ủy ban nhân dân quận, huyện cung cấp các thông tin theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng là không khả thi theo các phân tích sau đây:

  • Đối với ngân hàng thương mại, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ cung cấp thông tin cho chủ tài khoản về giao dịch và số dư trên tài khoản của chủ tài khoản theo thỏa thuận với chủ tài khoản[5].

Đồng thời các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin có liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài[7]. Trên cơ sở đó, có thể hiểu rằng nếu không phải là chủ tài khoản xác thực về việc yêu cầu cung cấp thông tin thì không có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin có liên quan đến tài khoản của chủ tài khoản khác dù rằng chủ tài khoản đó là vợ hoặc chồng của người yêu cầu.

Có 02 trường hợp mà ngân hàng được phép tiết lộ thông tin của khách hàng cho chủ thể không phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Một là, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Hai là, có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng[9]. Tất nhiên trong vụ án ly hôn, bị đơn là vợ hoặc chồng sẽ không bao giờ cho phép ngân hàng của mình cung cấp thông tin về tài khoản của mình để hỗ trợ việc khởi kiện hoặc đưa ra yêu cầu cho bên nguyên đơn là vợ hoặc chồng của họ. Do đó, chỉ khi thuộc một trong các trường hợp được luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội cho phép thì ngân hàng mới có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về tài khoản và số dư tài khoản của người vợ hoặc chồng kia. Tuy nhiên cho đến nay, trừ quy định trên của Bộ luật Tố tụng dân sự, chưa có văn bản nào do Quốc hội ban hành quy định về trường hợp vợ hoặc chồng sẽ được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người còn lại. Trên thực tế, các ngân hàng cũng luôn tuân thủ quy định bảo mật này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các khách hàng của họ.

  • Đối với phòng đăng ký tài sản của Ủy ban nhân dân quận, huyện

Việc đăng ký tài sản hiện không tập trung thực hiện tại một cơ quan cụ thể, mà được tiến hành tại nhiều cơ quan khác nhau tùy thuộc vào loại tài sản đăng ký. Chẳng hạn, tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cơ quan đăng ký là Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tài sản là mô tô, xe máy thì đăng ký tại Công an cấp huyện. Tài sản là ô tô thì đăng ký tại phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Công an tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương. Tài sản là tàu thủy thì cơ quan đăng ký là Cảng vụ Hàng hải, Chi cục Hàng hải hoặc Cục Hàng hải tùy từng trường hợp. Mỗi cơ quan đăng ký tài sản sẽ quản lý thông tin của một loại tài sản đăng ký khác nhau. Do đó, sẽ không có một phòng đăng ký tài sản thống nhất nào trong cơ cấu tổ chức của các Ủy ban nhân dân quận hoặc huyện, cũng như không thể yêu cầu một cơ quan đăng ký tài sản cung cấp thông tin về các loại tài sản đăng ký khác. Vì vậy, việc yêu cầu phòng đăng ký tài sản của Ủy ban nhân dân quận hoặc huyện tìm thông tin tài sản cũng gặp nhiều khó khăn như được trình bày ở trên.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật không yêu cầu các cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc đăng ký tài sản xác định một người có phải là người đứng tên chủ sở hữu của tài sản phải đăng ký hay không để hỗ trợ việc khởi kiện hay đưa ra yêu cầu trong vụ án ly hôn. Các cơ quan này chỉ có trách nhiệm cung cấp một số thông tin về đối tượng tài sản đăng ký nếu có yêu cầu hợp pháp. Chẳng hạn, Văn phòng đăng ký đất đai có thể cung cấp thông tin về tình trạng của một thửa đất cụ thể như: quyền sử dụng thửa đất A có bị kê biên hay thực hiện biện pháp bảo đảm nào không, mà không có nghĩa vụ xác định ông B đang đứng tên trên quyền sử dụng những thửa đất nào.

Riêng đối với Phòng Đăng ký kinh doanh của các Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh hoặc thành phố, các bên có thể yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cung cấp về nội dung đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà các bên cho rằng vợ hoặc chồng của bên yêu cầu đang nắm giữ phần vốn góp, cổ phần trong đó. Bên cạnh việc yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin nêu trên, các bên còn có thể tự mình xác minh thông tin trên trang Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ở Cổng thông tin Quốc gia, các bên được cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất, báo cáo tài chính của doanh nghiệp và phải trả phí sử dụng thông tin[11]. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ, chồng là cổ đông trong công ty cổ phần chưa niêm yết thì các bên chỉ có thể xác minh được thông tin vợ, chồng có phải là cổ đông sáng lập của công ty mà thôi. Nếu vợ, chồng sở hữu cổ phần nhưng không phải là cổ đông sáng lập, bên còn lại sẽ khó có thể xác minh số cổ phần mà vợ, chồng mình đang nắm giữ do các thông tin này chỉ được ghi trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty và cổ phiếu do vợ, chồng nắm giữ, và chỉ có cổ đông công ty mới có thể tra cứu Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại doanh nghiệp[12].

Bên cạnh đó, trong vụ án ly hôn, người vợ hoặc chồng đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, trong trường hợp các tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể tự mình xác minh, thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ[15]. Như vậy, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của đương sự đầu tiên thuộc về đương sự. Đương sự phải thực hiện hết mức trong khả năng cho phép, nhưng nếu vẫn không thể thu thập được các tài liệu, chứng cứ cần thiết thì khi đó có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Đồng thời, Tòa án chỉ hỗ trợ việc này khi đương sự chứng minh được là đương sự không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ[16]. Ví dụ: người vợ biết chắc chắn là chồng mình đang sở hữu một thửa đất X tại tờ bản đồ số Y, địa chỉ Z và đã nhiều lần gửi yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai cũng như Phòng tài nguyên và môi trường tại địa phương có tài sản xác nhận chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đều có văn bản từ chối hoặc không có văn bản trả lời. Lúc đó, vợ có quyền đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ như đã trình bày bên trên.


[1] Điều 189.4.(g) Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 7 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 13.1 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[7] Điều 14.2 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[9] Điều 11 Nghị định 117/2018/NĐ-CP.

[11] Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2014.

[12] Điều 121.3 Luật Doanh nghiệp 2014.

[15] Điều 70.7, Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[16] Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 2.1 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.