Câu hỏi 110: Trong vụ án ly hôn, nếu được yêu cầu làm chứng mà người làm chứng phải tốn chi phí (ví dụ như tiền tàu, xe, lưu trú, ăn ở) thì ai sẽ phải chịu những chi phí này?

Việc triệu tập người làm chứng có mặt tại phiên tòa hoặc để lấy lời khai của họ trong vụ án ly hôn là việc rất cần thiết để làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Và dĩ nhiên, việc người làm chứng tham gia vào quá trình giải quyết vụ án sẽ làm phát sinh những chi phí có liên quan, chẳng hạn như chi phí đi lại, lưu trú, chi phí do nghỉ việc để tham gia phiên tòa, v.v.. Vì vậy, pháp luật phải làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả những chi phí trên cho người làm chứng. Hiện nay, pháp luật quy định 02 trường hợp mà người làm chứng tham gia quá trình giải quyết vụ việc ly hôn: Một là, do đương sự yêu cầu và hai là, do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập mà không có yêu cầu của đương sự. Và đối với mỗi trường hợp, trách nhiệm thanh toán các chi phí cho người làm chứng sẽ khác nhau.

Đối với trường hợp người làm chứng do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập, theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, trong trường hợp cần thiết thì Tòa án có thể tự mình triệu tập người làm chứng để lấy lời khai hoặc tham gia phiên tòa mà không cần đề nghị của đương sự[1]. Trong trường hợp này Tòa án có trách nhiệm chi trả chi phí cho người làm chứng. Chi phí này sẽ được lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của Tòa án.

Đối với trường hợp người làm chứng do đương sự đề nghị Tòa án triệu tập, sẽ có 02 trường hợp xảy ra[3]:

  • Người yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng phải nộp chi phí cho người làm chứng, nếu lời khai của người làm chứng không đúng với yêu cầu của người yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng hoặc lời khai của người làm chứng không phù hợp với sự thật khách quan của vụ việc. Ví dụ: nguyên đơn yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng với lý do người làm chứng đã chứng kiến nguyên đơn cho bị đơn vay 20 triệu. Tuy nhiên, khi khai trước Tòa án thì người làm chứng khai chỉ thấy nguyên đơn cho bị đơn vay 10 triệu. Trong trường hợp này, nguyên đơn sẽ phải trả chi phí người làm chứng vì lời khai của người làm chứng không đúng với yêu cầu của nguyên đơn. Hoặc, nếu người làm chứng khai thấy nguyên đơn cho bị đơn vay là 20 triệu, nhưng sau đó Tòa án phát hiện ra lời khai này là không đúng sự thật thì trong trường hợp này nguyên đơn cũng phải chịu chi phí cho người làm chứng; và
  • Trong trường hợp lời khai của người làm chứng phù hợp với sự thật khách quan của vụ việc và đúng với yêu cầu của người yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng, chi phí cho người làm chứng do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng nộp. Chẳng hạn, cũng trong ví dụ trên, nếu người làm chứng khai đúng là đã thấy nguyên đơn cho bị đơn vay 20 triệu và người làm chứng khai đúng với sự thật thì bị đơn sẽ phải chịu chi phí của người làm chứng.

[1] Điều 99.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[3] Điều 49.1 và 49.2 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.