Câu hỏi 173. Khi NLĐ nữ là người nước ngoài nghỉ thai sản thì có được hưởng quyền lợi gì từ BHXH Việt Nam nếu đã đóng đủ BHYT theo quy định? NSDLĐ có nghĩa vụ phải trả trợ cấp thai sản cho NLĐ nữ là người nước ngoài không? Nếu NLĐ nữ là người nước ngoài trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản 04 tháng thì NSDLĐ có phải trả thêm 02 tháng tiền lương do đi làm sớm không?

1.NLĐ nữ là người nước ngoài nghỉ thai sản có được hưởng quyền lợi gì từ BHXH Việt Nam nếu đã đóng đủ BHYT?

Theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2018, NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên nhưng không quá 36 tháng với NSDLĐ tại Việt Nam. Ngoài ra, NLĐ là người nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nếu như thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc
  • NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động;

Căn cứ theo Luật BHXH, điều kiện để NLĐ nữ sinh con được hưởng chế độ BHXH do cơ quan BHXH chi trả là phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con[495]. Theo đó, việc hưởng chế độ thai sản chỉ có liên quan đến việc đóng BHXH mà không liên quan đến việc đóng BHYT (BHYT chỉ dành cho việc chi trả y tế khi NLĐ bị ốm đau, khám, chữa bệnh).

Do vậy, nếu NLĐ nữ là người nước ngoài đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.

Tuy nhiên, cần lưy ý rằng NLĐ nữ là người nước ngoài cũng là đối tượng áp dụng của BLLĐ nên sẽ vẫn được hưởng mọi quyền lợi của NLĐ đối với việc nghỉ thai sản như:

  • Được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng;[496]
  • Có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ và được NSDLĐ đồng ý.[497] Vì vậy, kể cả khi NSDLĐ đồng ý để NLĐ đi làm sớm, NSDLĐ cũng nên yêu cầu NLĐ cung cấp giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của NLĐ để tránh các rủi ro pháp lý sau này.

2. NSDLĐ có phải trả trợ cấp thai sản cho NLĐ nữ là người nước ngoài không?

Quy định của BLLĐ không yêu cầu NSDLĐ phải chi trả trợ cấp thai sản cho NLĐ nữ khi sinh con. Đối với NLĐ nữ đã tham gia BHXH như đã nêu ở trên, NLĐ sẽ được hưởng chế độ thai sản từ quỹ BHXH mà không được hưởng lương do NSDLĐ chi trả.

Về mặt nguyên tắc, NSDLĐ không phải trả lương cho NLĐ nữ trong thời gian nghỉ thai sản. Tuy nhiên, do NLĐ nữ là người nước ngoài không được hưởng chế độ thai sản từ quỹ BHXH tại Việt Nam nên việc “trợ cấp thai sản” hoặc “các quyền lợi hỗ trợ thêm” (nếu có) sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận ban đầu giữa NSDLĐ (doanh nghiệp tại Việt Nam hay công ty mẹ ở nước ngoài) với NLĐ nữ là người nước ngoài.

3. Nếu NLĐ nữ là người nước ngoài trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản 04 tháng thì NSDLĐ có phải trả thêm 02 tháng tiền lương do đi làm sớm không?

Khi NLĐ nữ là người nước ngoài đi làm sớm trước thời hạn nghỉ thai sản thì NSDLĐ phải trả lương cho những ngày làm việc, cụ thể ở đây là 02 tháng tiền lương đi làm sớm hơn (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương, nếu có như đã thỏa thuận trong HĐLĐ)[498].


[495] Điều 31.1 Luật BHXH

[496] Điều 139.1 BLLĐ

[497] Điều 139.4 BLLĐ

[498] Điều 139.4 BLLĐ