Câu hỏi 3: Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi sẽ giao kết với người lao động theo loại hợp đồng lao động nào? người lao động cao tuổi có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

1. Loại hợp đồng lao động được ký kết với người lao động cao tuổi

Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi, là người đã đạt độ tuổi nghỉ hưu theo luật định (nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi)[15], tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động bằng hai cách kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới với điều kiện người lao động đó phải có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật[16]. Mặc dù vậy, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào rõ thêm về loại hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động được quyền ký kết với người lao động cao tuổi. Tuy nhiên, hiểu một cách logic, người lao động cao tuổi có thể sẽ không luôn luôn đáp ứng được điều kiện sức khỏe để làm việc cho một công việc mà không biết được thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Hơn nữa, như đã nói ở trên, người lao động cao tuổi phải luôn đảm bảo xuyên suốt là có đủ sức khỏe để làm việc và việc này chỉ được chứng minh qua giấy khám sức khỏe của người lao động cao tuổi. Thông thường, giấy khám sức khoẻ theo quy định chỉ có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khoẻ[17].

Do đó, khi có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi, người sử dụng lao động nên cân nhắc và xem xét ký kết với người lao động một hợp đồng lao động có xác định thời hạn với thời hạn tối đa không quá 12 tháng cho từng lần một để đảm bảo điều kiện về sức khỏe của người lao động cao tuổi theo quy định. Khi hết thời hạn 12 tháng, nếu người lao động vẫn đảm bảo sức khỏe làm việc theo giấy khám sức khỏe thì người sử dụng lao động có thể tiếp tục kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng tiếp theo.

Giả sử trong trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã ký kết một hợp đồng lao động không xác định thời hạn trước khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, người sử dụng lao động có thể tiếp tục loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn này. Tuy nhiên, hằng năm nên yêu cầu người lao động cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện làm việc để đánh giá tình trạng sức khỏe của người lao động. Nếu người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe theo giấy khám sức khỏe, người sử dụng lao động có thể tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động[18].

2. Vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động cao tuổi

 Pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định người hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[19]. Vấn đề đặt ra là “người hưởng lương hưu” được hiểu như thế nào theo quy định pháp luật?

Điều 187.1 Bộ luật Lao động 2012 có quy định rằng để xác định người lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu hay không, người lao động cần đáp ứng đầy đủ hai điều kiện sau đây: (i) người lao động đã đạt độ tuổi nghỉ hưu theo quy định (cụ thể là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); và (ii) người lao động đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội[20]. Như vậy, về nguyên tắc, chỉ khi thỏa mãn đủ 02 điều kiện nêu trên bao gồm về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì người lao độngmới được xem là người hưởng lương hưu và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Áp dụng đối với người lao động cao tuổi, dễ dàng thấy rằng không phải lúc nào người lao động cao tuổi cũng được coi là người hưởng lương hưu theo quy định pháp luật đã nêu trên bởi lẽ người lao động cao tuổi chỉ luôn có thể đáp ứng được một điều kiện của người hưởng lương hưu là độ tuổi. Do đó, để xem xét một người lao động cao tuổi có được coi là người hưởng lương hưu hay không còn phải xem xét thêm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đó. Như vậy, trong trường hợp người lao động chưa có đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì người lao động cao tuổi vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, người lao động và Công ty lần lượt đóng 8% và 17% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội và mỗi bên đóng 01% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Về vấn đề bảo hiểm y tế, người hưởng lương hưu sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và mức đóng bảo hiểm y tế sẽ do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng cho người lao động[21]. Trường hợp người lao động cao tuổi không đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm thì người lao động cao tuổi sẽ phải tự đóng bảo hiểm y tế theo mức quy định hiện hành (người lao động đóng 1,5% và Công ty đóng 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội).

Lưu ý rằng đối với những người lao động là người nước ngoài đang hưởng lương hưu tại quốc gia của người lao động sẽ không đương nhiên được xem là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật Việt Nam.