Câu hỏi 37: Đối với các vấn đề pháp lý trong vụ án ly hôn mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì Tòa án có được quyền áp dụng tập quán và/hoặc áp dụng tương tự pháp luật không?

  1. Áp dụng tập quán trong các vụ án ly hôn

Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng nào đó của Việt Nam[1]. Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì các tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc hay vi phạm điều cấm của Luật này sẽ được áp dụng. Như vậy, đối với các vấn đề pháp lý trong vụ án ly hôn mà pháp luật chưa có quy định, Tòa án hoàn toàn có quyền trong việc áp dụng các tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình trong việc giải quyết vụ án ly hôn. Ngoài ra, các bên cũng có quyền thỏa thuận về việc áp dụng tập quán để giải quyết vụ án ly hôn và Tòa án sẽ xem xét tôn trọng thỏa thuận đó[2]. Khi vụ án ly hôn có áp dụng tập quán, trình tự giải quyết sẽ được thực hiện như sau:

  • Nhà nước khuyến khích hai bên vợ, chồng tự hòa giải tại cơ sở và sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo; và
  • Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ án ly hôn có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ án đó như các vụ án ly hôn thông thường[5].

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, pháp luật chỉ cho phép áp dụng các tập quán tốt đẹp của dân tộc, còn đối với những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình thì cần được vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng. Theo đó, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình được định nghĩa là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014[7]. Phụ lục về Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng đã được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Một số ví dụ cho những tập quán này là: chế độ tảo hôn, chế độ phụ hệ, chế độ đa thê, v.v..

2. Áp dụng tương tự pháp luật trong các vụ án ly hôn

Áp dụng tương tự pháp luật trong vụ án ly hôn là trong trường hợp khi Tòa án đang giải quyết một vấn đề nào đó trong vụ án ly hôn nhưng không tìm thấy quy định của pháp luật điều chỉnh nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề đó, và cũng như không có tập quán hay thỏa thuận nào giữa các bên để làm căn cứ giải quyết, thì Tòa án có quyền sử dụng quy định của pháp luật điều chỉnh về một vấn đề tương tự để giải quyết vấn đề đó. Thông thường, khi giải quyết vụ án ly hôn, thứ tự ưu tiên áp dụng của Tòa án sẽ là: Một, thỏa thuận hợp pháp của các bên; Hai, quy định của pháp luật có liên quan; Ba, tập quán được thừa nhận; Bốn, áp dụng tương tự pháp luật; và Năm, nguyên tắc pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng[9]. Do đó, việc áp dụng tương tự pháp luật trong vụ án ly hôn chỉ được thực hiện khi Tòa án thực sự không tìm thấy quy định nào trong thỏa thuận của các bên, quy định của pháp luật hay tập quán điều chỉnh vấn đề này.

Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ án, cần xác định rõ là không có quy phạm pháp luật nào trong hệ thống pháp luật điều chỉnh mối quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự[11].


[1] Điều 3.4 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[2] Điều 3.2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[5] Điều 4 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[7] Điều 5.2 Nghị định 126/2014/NĐ-CP.

[9] Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 45.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ  bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.