Câu hỏi 57. Nếu NSDLĐ vi phạm quy định về việc làm thêm giờ, có phải cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ căn cứ vào số giờ làm thêm thuộc các trường hợp sau đây: (i) vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; (ii) vượt quá 40 giờ trong 01 tháng; hoặc (iii) vượt quá 200 giờ trong 01 năm để tự đề ra mức phạt vi phạm hành chính cụ thể phải không? NSDLĐ có buộc phải cho NLĐ đi kiểm tra sức khỏe sau khi tăng ca quá sức không?

Theo quy định của BLLĐ, NSDLĐ phải bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ như sau[158]:

  • Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, nếu áp dụng chế độ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm của NLĐ sẽ không quá 12 giờ trong 01 ngày; nếu làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;
  • Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần;
  • Không quá 40 giờ trong 01 tháng; và
  • Tổng số giờ không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì NLĐ được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.

Theo đó, các điều kiện về số giờ làm thêm phải được NSDLĐ đảm bảo tuân thủ đồng thời và cùng lúc. Việc không tuân thủ bất kỳ điều kiện nào được nêu ở trên đều được xem là vi phạm quy định về làm thêm giờ theo quy định của BLLĐ. Ví dụ, thời gian làm việc trong 01 ngày của NLĐ là 08 giờ thì nếu. NLĐ được yêu cầu làm thêm giờ, NSDLĐ phải vừa đảm bảo số giờ làm thêm của NLĐ không quá 04 giờ trong 01 ngày và tổng số giờ làm thêm trong cùng 01 tháng cũng không được vượt quá 40 giờ.

Nếu huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định, NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[159]. Cơ quan Nhà nước xử lý vi phạm có thẩm quyền sẽ không tự đưa ra các mức phạt mà sẽ căn cứ vào mức phạt và hình thức phạt bổ sung nói trên để xử lý nếu phát hiện NSDLĐ vi phạm quy định về việc làm thêm giờ.

Không có quy định nào của BLLĐ yêu cầu NSDLĐ phải đưa NLĐ đi kiểm tra lại sức khỏe sau một thời gian tăng ca liên tục. Thay vào đó, NSDLĐ chỉ bị buộc phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ định kỳ hằng năm[160]. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của NLĐ sau mỗi đợt tăng ca và nếu có khả năng, NSDLĐ được khuyến khích tổ chức một buổi khám lại sức khỏe cho những NLĐ nào đã làm việc tăng ca[161].


[158] Điều 107.2 BLLĐvà Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ

ngày 14/12/2020

[159] Điều 5.1 và Điều 17.3 (a) Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/3/2020

[160] Điều 21.1 Luật An toàn, VSLĐ

[161] Điều 4.1 BLLĐ