Câu hỏi 75: Khi chia tài sản chung của vợ chồng là phần góp vốn trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên hay cổ phần trong công ty cổ phần thì việc chia tài sản đó sẽ được Tòa án xử lý như thế nào trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được? Tòa án sẽ giao hết quyền góp vốn hay quyền cổ đông đó cho người vợ hoặc chồng đang đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh hay sổ cổ đông của doanh nghiệp và người đó phải trả tiền mặt cho người còn lại hay sẽ chia ra cho hai bên theo tỷ lệ do Tòa án quyết định? Việc phân chia này là phân chia tài sản của doanh nghiệp hay là chia phần vốn góp hay quyền cổ đông của các bên trong doanh nghiệp?

Theo nguyên tắc xác định tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như đã phân tích ở phần trả lời các câu hỏi trước, tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, cổ phần trong công ty cổ phần hay phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đứng tên vợ hoặc chồng mà vợ chồng cùng nhau mua hay góp trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung vợ chồng.

Tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, khi ly hôn, sẽ được chia đôi nhưng có tính đến công sức của mỗi bên trong quá trình tạo lập và phát triển khối tài sản chung[1]. Do đó, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về việc phân chia khối tài sản chung, tài sản sẽ được Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Tòa án sẽ dựa trên bằng chứng do các bên cung cấp để xác định mức công sức đóng góp của mỗi bên và chia theo tỷ lệ phù hợp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, các chủ sở hữu, cổ đông của hai loại hình doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn góp vào doanh nghiệp. Đây là loại hình công ty đối vốn nên các chủ sở hữu, cổ đông có thể tự do chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình. Do đó, trong quá trình phân chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn có liên quan đến các tài sản là phần vốn góp của các bên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần trong công ty cổ phần, có hai phương án mà Tòa án sẽ lựa chọn giải quyết như sau:

  • Phương án thứ nhất, Tòa án sẽ xác định cho vợ hoặc chồng nào đang quản lý điều hành doanh nghiệp hoặc đang đứng tên trên giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc sổ đăng ký cổ đông sẽ được sở hữu phần vốn góp, cổ phần và người vợ hoặc chồng này phải thanh toán cho người vợ hoặc chồng kia giá trị của phần vốn góp, cổ phần đó tương ứng với tỷ lệ mà người vợ hoặc chồng kia được chia. Người vợ hoặc chồng nhận được phần góp vốn, cổ phần phải dùng tài sản riêng của mình để thanh toán cho người vợ hoặc chồng kia và không được dùng tài sản của doanh nghiệp cho mục đích này. Phương án này thường được Tòa án cân nhắc lựa chọn trong trường hợp vợ hoặc chồng không đứng tên trên giấy chứng nhận phần vốn góp hoặc cổ phần, không có sự tham gia vào việc quản lý, điều hành công ty hoặc sự tham gia của họ rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cũng như sự phát triển của công ty. Phương án này được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập[3]; và
  • Phương án thứ hai, sau khi xác định tỷ lệ phân chia tương ứng với sự đóng góp của vợ và chồng, Tòa án sẽ phân chia tài sản theo hướng vợ hoặc chồng đang đứng tên trong giấy chứng nhận phần vốn góp, cổ phần sẽ tặng cho lại phần vốn góp, cổ phần theo tỷ lệ tương ứng để cả hai vợ chồng cùng tham gia vào việc quản lý, điều hành công ty. Phương án này thường được Tòa án cân nhắc áp dụng khi: (a) cả vợ và chồng đều có sự đóng góp trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù trên giấy tờ chỉ có một người vợ hoặc chồng đứng tên sở hữu; và (b) đồng thời trong quá trình tranh chấp ly hôn, cả hai vợ chồng đều có nguyện vọng được tiếp tục tham gia quản lý, điều hành công ty.

Trên thực tế, việc cân nhắc lựa chọn một trong hai phương án ở trên sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án trên nguyện vọng của vợ, chồng cũng như công sức đóng góp, tạo dựng của họ đối với doanh nghiệp có phần vốn góp, cổ phần là tài sản chung của vợ chồng mà cả hai bên cùng tranh chấp. Việc phân chia này về bản chất là quyền tài sản trong doanh nghiệp đó tương ứng với phần vốn góp và quyền cổ đông của vợ, chồng trong doanh nghiệp. Giá trị quyền tài sản tương ứng với phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần trong công ty cổ phần sẽ được xác định dựa trên giá trị tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm phân chia tài sản.


[1] Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[3] Điều 59.2.(c) Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.