Câu hỏi 88: Trong vụ án ly hôn thì ai trong vợ chồng sẽ là người có nghĩa vụ chứng minh các yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp? Nguyên đơn, bị đơn, bên thứ ba hay Tòa án?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự nào đưa ra yêu cầu muốn được Tòa án xem xét, chấp nhận thì đương sự đó có nghĩa vụ chứng minh rằng yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp[1], trừ một vài ngoại lệ có liên quan đến vụ án lao động hay bảo vệ người tiêu dùng mà người sử dụng lao động hay nhà sản xuất hàng hóa có nghĩa vụ chứng minh thay vì người lao động hay người tiêu dùng. Như vậy, trong vụ án ly hôn, người vợ hoặc chồng có nghĩa vụ chứng minh có thể là nguyên đơn, bị đơn hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, miễn là họ là người được quyền đưa ra yêu cầu để Tòa án xem xét. Chẳng hạn, chồng khởi kiện yêu cầu ly hôn với vợ thì chồng phải chứng minh được rằng vợ đã có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được[2]. Hoặc, người thứ ba là chủ nợ của vợ chồng khi được Tòa án đưa vào làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn, nếu yêu cầu vợ chồng trả nợ thì người đó cũng sẽ có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu trả nợ là có căn cứ (bằng cách cung cấp giấy tờ nhận nợ, phiếu chuyển tiền). Nếu người đó không chứng minh được thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của người đó.

Một điểm đặc biệt trong vụ án ly hôn là việc có một số người không phải là vợ chồng hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng vẫn được quyền khởi kiện vụ án ly hôn. Đó là trong trường hợp khi một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn[5]. Trong trường hợp này thì cha, mẹ, người thân thích đó sẽ có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu ly hôn là có căn cứ[6].

Tòa án đóng vai trò là người xem xét và chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các bên. Do đó, Tòa án sẽ không có nghĩa vụ chứng minh các yêu cầu của Tòa án là có căn cứ. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan xét xử, Tòa án có trách nhiệm chứng minh các quyết định của Tòa án về việc giải quyết các yêu cầu của đương sự là hợp pháp.

Ngoài ra, có một số tình tiết, sự kiện mà pháp luật quy định không yêu cầu đương sự phải chứng minh tính xác thực của nó trong vụ án ly hôn. Những tình tiết, sự kiện đó bao gồm[9]:

  • Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
  • Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; và
  • Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện đó hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản chính.

Một bên thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh[11]. Một bên có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của bên đó nếu không vượt quá phạm vi đại diện[12].


[1] Điều 91.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 56.1 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[5] Điều 51.2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[6] Điều 91.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[9] Điều 92.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[11] Điều 92.2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[12] Điều 92.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về các vấn đề về ly hôn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: +84 (28) 36223522 hoặc email cho chúng tôi tại info@phuoc-partner.com.