Hoạt Động Marketing Cho Luật Sư Và Tổ Chức Hành Nghề Luật Sư Trong Bối Cảnh Hội Nhập Quốc Tế (phần 4)

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Công ty luật Phuoc & Partners)

4.           Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp.

 

4.1.      Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp.

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho tổ chức hành nghề luật sư nói chung và cá nhân luật sư nói riêng là một nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai, trong bất kỳ xã hội nào. Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về những phương pháp, cách thức để mỗi cá nhân hành nghề luật sư có thể xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân mà pháp luật chỉ đưa ra các nguyên tắc chung để luật sư vận dụng trong quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân như luật sư có thể quảng cáo về hoạt động hành nghề của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ hành nghề luật sư, nghề luật sư cũng như phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp khi quảng cáo. Như vậy, thực hiện marketing như thế nào để không những đạt được hiệu quả cao nhất mà còn không vi phạm những quy tắc mà pháp luật đã đặt ra thì không phải luật sư nào cũng biết được, đặc biệt là những luật sư còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Không những vậy, có rất nhiều phương thức marketing mà mỗi phương thức sẽ phù hợp với mỗi tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư khác nhau nhưng không phải tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư nào cũng có thể lựa chọn được phương pháp marketing phù hợp với tổ chức hành nghề luật sư, với bản thân mình. Chẳng hạn, với tổ chức hành nghề luật sư mới được thành lập thì phương thức marketing bằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo có thể sẽ không đem lại hiệu quả cao bằng những tổ chức hành nghề luật sư đã có tên tuổi lâu năm. Chính vì vậy, nhận thức được điều này, có thể nói rằng việc bổ sung các kiến thức nền tảng về marketing vào chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp là vô cùng phù hợp. Bởi lẽ những học viên đang theo học tại Học viện Tư pháp sẽ sớm thôi trở thành những luật sư trong tương lai, và marketing cho luật sư mới hành nghề là thật sự cần thiết để xây dựng thành công hình ảnh cá nhân hoặc của tổ chức hành nghề luật sư của luật sư trong tương lai.

4.2.      Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp.

Hằng năm, nhằm nâng cao chất lượng hành nghề của các luật sư, các luật sư phải tham gia tối thiểu là 08 tiếng bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn và nghiệp vụ của luật sư. Đây là cơ hội để các luật sư trẻ được bồi dưỡng thêm các kỹ năng hành nghề của luật sư, đạo dức, cách xứng xử mà một người luật sư nên có hay được các luật sư có thâm niên trong nghề trao đổi những kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được trên con đường hành nghề của họ để từ đó, những luật sư trẻ tuổi có thể phần nào đó không mắc lại những sai lầm mà những người luật sư đi trước đã gặp phải.

Những luật sư trẻ tuổi cũng như các bạn sinh viên luật mới ra trường vậy, phần lớn quãng đường mới chập chững trên con đường hành nghề luật sư rất gian nan, họ phải chật vật tìm “chỗ đứng” của họ trong nghề đầy tính cạnh tranh này. Họ có thể phải mất 5 năm, 10 năm hay thậm chí là 15 năm, 20 năm mới có cơ hội trở thành những chuyên gia pháp lý nổi tiếng trong một lĩnh vực pháp luật nhất định nào đó, được mọi người biết đến. Đã làm việc, ai cũng có tham vọng muốn trở thành một luật sư chuyên nghiệp được mọi người biết đến và tôn trọng. Vấn đề là cần phải “biến” tham vọng này trở thành hiện thực mà không phải ai cũng biết cách để thực hiện. Vậy tại sao, trong những buổi bồi dưỡng luật sư, những buổi trao đổi kinh nghiệm, chúng ta lại không thể đưa kỹ năng marketing cho tổ chức hành nghề luật sư và cả luật sư là nội dung để cùng nhau trao đổi.

Kỹ năng marketing có thể là phương thức để các khách hàng, đối tác biết để cá nhân luật sư, tổ chức hành nghề luật sư của luật sư để sử dụng dịch vụ pháp lý. Nhưng có thể thấy rằng, vấn đề cốt lõi để “giữ chân” khách hàng, đối tác lại chính là thái độ và chất lượng dịch vụ và từng cá nhân luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp. Chính vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, luật sư cũng cần luôn tìm tòi, học hỏi, chăm chút để phát triển hơn nữa về kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Một luật sư tư vấn pháp lý trong lĩnh vực thuế thì phải luôn cập nhập kịp thời tình hình thay đổi nhanh chóng của các văn bản pháp luật về thuế, song song đó có sự tham chiếu đến thực tiễn áp dụng tại từng địa phương mà luật sư cần. Với việc ý thức kịp thời tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân và nắm bắt các phương pháp xây dựng đúng đắn sẽ vạch ra giúp cho từng cá nhân luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có được một lộ trình phù hợp để từng bước tạo dựng những thành tựu trong tương lai. Từ đó, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư sẽ có được lợi thế nâng cao giá trị bản thân, của tổ chức hành nghề luật sư của mình, tạo dấu ấn và chỗ đứng khác biệt, nổi bật trên thị trường so với các ứng viên khác. Cũng nên ghi nhớ cho rằng, nghề luật sư là một nghề nghiệp được xã hội tôn trọng, được ưu ái, đồng thời nhân sự luật sư phải chịu sự ràng buộc của quy định của các tổ chức nghề nghiệp như các đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Sở tư pháp và chịu sự điều chỉnh bởi các Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Vậy nên, khác với nhân sự của những ngành nghề khác, những người hành nghề luật sư khi xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân đòi hỏi phải có sự cẩn trọng và tinh tế nhất định.