Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân luật sư (phần 1)

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước viết dành cho Học Viện Tư Pháp)

Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân luật sư mà bạn cần biết

_____________________________________________________________

  1. Những vấn đề chung
    1. Sự cần thiết phải xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cá nhân
    1. Các yếu tố cần thiết trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cá nhân
  2. Các kỹ năng cần thiết trong xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cá nhân
    1. Kỹ năng chung
    1. Các phương pháp phát triển thương hiệu cá nhân – chia sẻ từ nghề luật sư

BÀI TẬP ỨNG DỤNG

Tài liệu tham khảo

ky-nang-xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan

_____________________________________________________________

1. Những vấn đề chung

1.1. Sự cần thiết phải xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cá nhân

Trong cuộc sống, làm thế nào để chúng ta có thể nhận diện được người này với người kia, tổ chức này với tổ chức kia mà không có sự nhầm lẫn khi mà trong xã hội luôn có rất nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Trên thực tế, Nhà nước sẽ thông qua hệ thống pháp luật để cá biệt hóa các cá nhân và tổ chức thông qua các tên gọi và cách thức khác nhau; như phân chia xã hội theo nhiều nhóm ngành nghề khác nhau (nghề kỹ sư và hiệp hội tư vấn xây dựng; nghề kiến trúc sư và hội kiến trúc sư; nghề Luật sư và Liên đoàn Luật sư…). Đến lượt mình, các tổ chức và các cá nhân phải tự xây dựng cho mình một hình ảnh riêng biệt để có thể nhận diện chính mình và đồng thời để xã hội, người khác nhận diện được mình trong xã hội. Từ đó, các cá nhân có thể đảm nhận các công việc phù hợp với năng lực, sở trường và thậm chí “sở đoản” để từng bước vươn đến thành công, đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. Quá trình xây dựng hình ảnh riêng biệt này được hiểu là quá trình xây dựng hình ảnh, thương hiệu của cá nhân. Như vậy, thương hiệu cá nhân là tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác của một cá nhân, hay còn gọi là nhân hiệu – Thương hiệu của một con người, một cá nhân”[1]. Quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân có thể đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào tính cách, quan điểm, mục tiêu và giá trị sống của chính các cá nhân đó và cũng phải phù hợp với đặc điểm ngành nghề của mỗi cá nhân.

Một khi người hành nghề luật đã xác định được “đích đến” cụ thể trong hoạt động của mình thì mỗi người sẽ biết cách tự tìm những công cụ và phương tiện phù hợp nhất để xây dựng hình ảnh cá nhân. Từ hình ảnh cá nhân, người hành nghề luật lại tiếp tục lựa chọn, sàng lọc và có tham vọng theo đuổi những thành công trong nghề nghiệp, mở rộng sự ảnh hưởng và lan tỏa giá trị, bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu so sánh với hình ảnh cá nhân, có thể nhận thấy sự khác biệt nhỏ nhưng không kém phần quan trọng giữa hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân. Đó là, mỗi cá nhân, tổ chức đều có hình ảnh cá nhân nhưng không phải tất cả cá nhân đều có thương hiệu cá nhân.

Trong bất kỳ xã hội nào, việc xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân cần có thời gian, không phải là công việc “một sớm một chiều”. Trong thời đại công nghệ chưa phát triển, hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân muốn được lan truyền và lưu giữ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn so với thời đại kỷ nguyên số như hiện nay bởi vì công nghệ 4G, 5G sẽ làm “thế giới phẳng”, việc liên lạc, trao đổi thông tin giữa mọi người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn không phụ thuộc vào khoảng cách về địa lý, về không gian, thời gian. Do đó, hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân sẽ được lan truyền nhanh chóng hơn, cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thành công của mỗi cá nhân cũng được gia tăng theo đó.

Đối với cá nhân, mỗi người có thể chọn nhiều ngành nghề khác nhau, có thể thay đổi hoặc cố định trong suốt cuộc đời. Đối với nghề luật, pháp luật thường không quy định cụ thể nghề luật có liên quan đến những nghề gì cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, một người được gọi là người hành nghề luật nếu họ là Luật sư, Thẩm phán, Thư ký tòa án, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Trọng tài viên, Công chứng viên, Thừa phát lại, gGảng viên giảng dạy đại học có chuyên ngành luật… Mỗi cá nhân và lĩnh vực hành nghề luật cụ thể sẽ có cách thức khác nhau để xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân. Như, một Luật sư sẽ có cách thức xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân khác với Thẩm phán hoặc Điều tra viên, Kiểm sát viên. Nhìn chung, hình ảnh, thương hiệu cá nhân có thể được xây dựng và hoàn thiện thông qua hình thức bề ngoài và các giá trị cốt lõi bên trong của chính cá nhân đó. Trong đó, hình ảnh bên ngoài được thể hiện thông qua trang phục, diện mạo, lời nói, cử chỉ, giao tiếp và giá trị bên trong được thể hiện thông qua kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, khả năng xử lý công việc, các kỹ năng mềm, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực.

1.2. Các yếu tố cần thiết trong việc xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu cá nhân

Nền tảng của hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân phải được xây dựng từ những giá trị riêng, những hình ảnh khác biệt của chính cá nhân đó, đảm bảo nguyên tắc nhất quán giữa con người đời thường và những gì cá nhân thể hiện mọi lúc mọi nơi.

Postit NotesCá nhân cần có được các giá trị cốt lõi và cách thức phù hợp để làm nổi bật các giá trị của mình, dần dần có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng để mọi người công nhận và nhắc đến.

Nhìn chung, các yếu tố cần thiết để tạo dựng giá trị cốt lõi và lan tỏa giá trị nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân bao gồm:

1.2.1. Năng lực, kinh nghiệm chuyên môn

Về hình thức, mỗi quốc gia có quy định khác nhau về các hình thức bằng cấp khác nhau để đánh giá nghề nghiệp chuyên môn. Ví dụ: bằng trung cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, các chứng chỉ hành nghề…. Về nội dung, năng lực chuyên môn được thể hiện thông qua nhiều tiêu chí khác nhau, có thể cao hoặc thấp hơn bằng cấp chuyên môn bởi vì cá nhân, tùy theo hoàn cảnh và tính cách, đã có sự rèn luyện và tích lũy cá nhân để hoàn thiện năng lực chuyên môn.

Để có năng lực chuyên môn, người hành nghề luật cần học tập và cập nhật kiến thức chuyên môn ngành nghề của mình qua việc tham gia các lớp học, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề. Trong xu thế hiện nay, mọi người cần trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp để có thể tự mình nghiên cứu kiến thức chuyên môn và/hoặc trao đổi kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Khi năng lực ngoại ngữ được cải thiện, người hành nghề luật có thể tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mình để đi du học nước ngoài, tự túc hoặc học bổng, để học tập nâng cao trình độ và/hoặc tham gia các khóa học kỹ năng ngắn hạn. Đặc biệt, hiện nay, hợp tác quốc tế về giáo dục gia tăng, du học tại chỗ cũng dần trở nên phổ biến vì mọi người có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cơ hội và cân bằng các mối quan hệ xã hội. Do đó, nâng cao năng lực chuyên môn từ các chương trình đào tạo liên kết cấp chứng chỉ quốc tế cũng là một cơ hội lớn rất đáng quan tâm.

Năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc thường tỷ lệ thuận với số năm kinh nghiệm và vị trí công việc mà người hành nghề luật từng đảm nhận. Bởi vì thông qua hai tiêu chí này mọi người có thể hình dung được những công việc mà người hành nghề luật đã, đang và sẽ đang xử lý. Đặc biệt, các tình huống thực tế ở các cơ quan, tổ chức mà người hành nghề luật phụ trách cũng là một kênh thông tin quan trọng để mọi người đánh giá mức độ “phức tạp” của các công việc người hành nghề luật đã đảm nhận và, từ đó, đánh giá năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của họ. Một trường hợp khác là kinh nghiệm nghề nghiệp được bồi đắp từ sự tập trung, chuyên sâu trong một lĩnh vực. Một người hành nghề luật còn trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề nhưng toàn bộ thời gian từ khi bắt đầu hành nghề lại tập trung và có nhiều trải nghiệm về một lĩnh vực/loại việc pháp luật nên đã bồi đắp được kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực/loại việc pháp luật đó nhiều hơn những người khác.

1.2.2. Kỹ năng mềm

Ngành nghề có liên quan đến pháp luật đòi hỏi người làm nghề trau dồi, rèn luyện các kỹ năng mềm bởi lẽ nghề luật sinh ra là để giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến con người, góp phần giữ gìn sự ổn định cho xã hội. Những kỹ năng mềm đặc biệt cần thiết và góp phần cấu thành nên giá trị thương hiệu của cá nhân và tổ chức hành nghề luật là kỹ năng giao tiếp, ứng xử (phong thái, tác phong, cử chỉ, thái độ, hình thức…); kỹ năng trình bày, thuyết phục, phát hiện và giải quyết vấn đề (trước đám đông chẳng hạn); kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng quản lý công việc… Trong đó, kỹ năng giao tiếp giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là kỹ năng bắt buộc được sử dụng liên tục khi hành nghề. Kỹ năng giao tiếp cũng là điều dễ khiến mọi người nhận thấy, đánh giá và ghi nhớ về một người ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Liên quan đến kỹ năng giao tiếp trong mối quan hệ với hình ảnh và thương hiệu cá nhân, ngoài những kỹ năng chung (xem thêm Chương 3 Kỹ năng giao tiếp) người hành nghề luật lưu ý một số vấn đề sau:

* Hình thức bên ngoài:

– Trang phục

Người hành nghề luật hãy quan tâm đến trang phục và đặc biệt là đôi giày của mình. Để đánh giá một người có chỉn chu hay không, ngoài trang phục, đầu tóc, gương mặt – những vị trí luôn được chú ý trau chuốt cẩn thận – thông thường các chuyên gia hay tiền bối lão làng trong nghề thường tinh tế đánh giá con người thông qua đôi giày, bởi đôi giày nằm ở vị trí thấp nhất trên cơ thể và gần như bị lãng quên. Một đôi giày tây đen cho nam hay một đôi cao gót đen vừa phải cho nữ là một sự lựa chọn an toàn và hoàn hảo, nhưng hãy nhớ luôn giữ cho đôi giày của mình sạch sẽ và tươm tất.

Ngoài ra, người hành nghề luật cũng cần chú ý đến cặp xách hoặc balo mang theo khi đi công việc. Những người mang balo hoặc túi xách quá to thường bị cho là quá ôm đồm công việc, không quản lý thời gian hiệu quả, phong thái có vẻ vội vã và lôi thôi. Thêm nữa, balo khiến hình thể của người hành nghề luật chúi về phía trước, lâu dần sẽ tạo dáng người khom lưng, mặt sẽ không nhìn thẳng, điều rất dễ để lại sự đánh giá người hành nghề luật là một người tính cách nóng vội, bất cẩn và hay lo nghĩ nhiều. Một chiếc cặp da với khối lượng vừa đủ, dáng người đứng thẳng, mặt ngẩng cao thể hiện người chủ sở hữu là người chỉn chu, tự tin, sẵn sàng, quan tâm đến giá trị cốt lõi và thường được đánh giá là người có địa vị cao. Mặt khác, nếu mang bên mình một khối lượng hồ sơ lỉnh kỉnh, người hành nghề luật sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và lóng ngóng khi tương tác với người khác, từ đó có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội như khi cần bắt tay với đối tác trong lúc chào hỏi trước hoặc sau một cuộc đàm phán.

– Trang điểm phù hợp

Trong ngành luật, nữ giới chiếm số lượng không ít. Vì vậy, việc trang điểm như thế nào để tạo hiệu ứng tích cực được đặc biệt quan tâm, một phụ nữ có trang điểm thường nhận về chỉ số niềm tin từ người khác cao hơn trong công việc. Tuy nhiên, vì đặc thù của ngành nghề pháp luật đòi hỏi sự chỉn chu, nghiêm túc nên  việc trang điểm cần nhẹ nhàng và vừa phải, trong đó hạn chế son đỏ và lối trang điểm quá đậm không phù hợp.

* Phong thái

Một gương mặt xinh đẹp hay một trang phục chỉn chu đôi khi sẽ không thể che giấu được một tinh thần uể oải sau một đêm thức khuya, một tâm trạng tồi tệ sau một thương vụ thất bại, hay sự căng thẳng khi vừa mới từ Tòa án trở về. Pháp lý là một lĩnh vực đầy thách thức, đòi hỏi ở nhân sự theo đuổi có những tố chất mạnh mẽ, rèn luyện được tính nhẫn nại và học cách kiểm soát tốt mọi thứ, trong đó có sự kiểm soát cảm xúc và tâm trạng. Học cách kiểm soát cảm xúc không chỉ dừng ở việc giữ lại những cảm xúc tích cực tại một thời điểm nhất định, mà còn là việc học cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, điều hòa và giải tỏa những trạng thái tiêu cực hằng ngày, luôn giữ sức khỏe và tâm trạng tốt cho những cơ hội và thử thách mới sau một ngày làm việc. Để có được điều đó, người hành nghề luật có thể lựa chọn các môn thể dục thể thao vừa sức khỏe của mình như yoga, thiền, pilates[2] , bơi lội, kiếm đạo hoặc võ thuật. Nhìn chung, các môn thể thao sẽ giúp người hành nghề luật giải tỏa căng thẳng trong công việc và tạo ra nhiều năng lượng tích cực giúp hành động đúng đắn hơn đặc biệt trong bối cảnh nghề luật dễ khiến người hành nghề phải chịu đựng những căng thẳng, mệt mỏi trong suốt thời gian dài trước một “núi” hồ sơ, căng mắt trên màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ.

Liệt kê những lỗi cần tránh trong trang phục, phong thái của người hành nghề luật?

1.1.3. Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực

Nghề luật là nghề có ảnh hưởng lớn tới xã hội có nhiều khả năng phát sinh các vấn đề về đạo đức ứng xử. Quá trình hành nghề, người hành nghề sẽ chịu sự ràng buộc của các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và có ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, nâng cao uy tín của người hành nghề luật. Đây là một trong những giá trị cốt lõi mà người hành nghề luật cần thường xuyên bồi đắp, rèn giũa cho mình.

Postit NotesMột người hành nghề luật có năng lực chuyên môn và giá trị đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực tự thân đã có một hình ảnh cá nhân tốt, một “thương hiệu cá nhân có giá trị” trước công đồng và khách hàng.

1.1.4. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin để tạo dựng hồ sơ năng lực chuyên nghiệp

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, một số ngành nghề rất phù hợp với việc xây dựng hồ sơ năng lực cá nhân thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Linkedin… Ví dụ: Thiết kế thời trang, quảng cáo, sản xuất phim ảnh, truyền hình… Bởi vì các nghề này cần sự tương tác xã hội, quảng bá, cơ hội tiếp xúc với càng nhiều người thì càng tăng khả năng thành công. Tuy nhiên, đối với một số nghề cần sự bảo mật thông tin cao như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán… thì việc sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng hình ảnh cá nhân hạn chế hơn rất nhiều. Do đó, những nội dung liên quan tới ứng dụng công nghệ, xây dựng và chuyển tải hồ sơ cá nhân dưới đây chủ yếu dành cho những người hành nghề luật cần chủ động tìm kiếm khách hàng để cung cấp dịch vụ.

Postit NotesMỗi cá nhân cần lựa chọn một phương pháp xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, tránh xung đột với các quy tắc nghề nghiệp, phù hợp với năng lực, tính cách và “sở trường” của mình để nhờ công nghệ thông tin chuyển tải đến cộng đồng.

Có một số quan điểm cho rằng cộng đồng mạng là đời sống ảo nhưng trong thực tế đời sống ảo có thể mang lại niềm vui thật và nỗi buồn thật. Do đó, mỗi cá nhân cần làm cho đời sống ảo lành mạnh ở một mức độ nhất định. Hay nói cách khác, người hành nghề luật có nhiều cách để chăm sóc và truyền “dưỡng chất” cho đời sống thật (vận động thể thao, luyện tập trí nhớ, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp …) như thế nào thì cũng cần thực hiện một số biện pháp tương ứng để làm hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội có sự linh hoạt, sống động và thú vị để tăng cường cơ hội giao lưu, quảng bá hình ảnh cá nhân và, trên cơ sở đó, thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

Cần lưu ý rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin đòi hỏi người hành nghề luật phải am hiểu nhất định để có thể tạo lập, điều chỉnh, sửa đổi các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội. Nếu người hành nghề luật tự nhận thấy bản thân không thể điều hành và vận hành hồ sơ cá nhân trên trang mạng xã hội thì lựa chọn thuê một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp để cập nhật thông tin, xử lý sự cố đề phòng trường hợp hồ sơ cá nhân bị lạm dụng cho các mục đích chính trị, tội phạm, xâm hại đến đời sống hằng ngày bình thường của mình và gia đình là một lựa chọn nên được cân nhắc.

Nhìn chung, hồ sơ cá nhân được sử dụng để xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân, cho dù được đầu tư bóng bẩy và trau chuốt đến mức nào đi chăng nữa, thì người hành nghề luật cũng nên cung cấp thông tin chân thật và bảo mật trong phạm vi giới hạn cần thiết. Người hành nghề luật có thể sử dụng hồ sơ cá nhân cho nhiều mục đích như tìm kiếm việc làm, tìm kiếm khách hàng, vì sở thích, mua bán thương mại điện tử. Tuy nhiên, người hành nghề luật cũng hết sức cẩn thận sự chính xác của thông tin bởi vì nếu cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nhất định như trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và/hoặc trách nhiệm hình sự.

2. Các kỹ năng cần thiết trong xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu cá nhân

2.1. Kỹ năng chung

Trước đây, người hành nghề luật chủ yếu được yêu cầu nắm bắt các quy định pháp luật và xử lý các công việc mang tính chất thủ tục, giấy tờ. Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội và sự du nhập và phát triển của nền tảng công nghệ, vai trò của người hành nghề luật nói chung đã được nâng tầm, ngoài hai công tác chủ yếu trên, người hành nghề còn phải thực hiện các công việc liên quan đến quản trị doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, xây dựng hành lang pháp lý, tư vấn giải pháp và giải quyết tranh chấp phát sinh. Từ đó, mỗi người cần rèn luyện, tích lũy và phát triển thêm các kỹ năng khác ngoài chuyên môn pháp lý, như kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn quản trị rủi ro, đồng thời phải cập nhật kịp thời các xu hướng công nghệ thông tin, mạng xã hội nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, tận dụng để thực hiện quảng bá hình ảnh, thương hiệu cá nhân của bản thân. Trong quá trình xây dựng sự nghiệp pháp lý, bằng việc bổ sung kỹ năng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân và trở thành một nhân sự hành nghề luật được nhiều người nhớ tên và liên tưởng đến vị trí vị trí đứng đầu trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, người hành nghề luật sẽ có nhiều cơ hội để chạm đến thành công hơn. Nghề luật là nghề đòi hỏi cao về mọi mặt, từ hình ảnh xuất hiện bên ngoài đến kiến thức và kỹ năng chuyên môn bên trong. Do đó, xây dựng hình ảnh cá nhân không chỉ dừng ở việc tạo ra được những giá trị mới, tốt đẹp và hữu ích mà còn là việc tăng thêm giá trị bằng việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị tốt đẹp đã sẵn có.

Postit NotesNếu hình ảnh cá nhân giúp người hành nghề luật trở nên tự tin, chuyên nghiệp, tạo thiện cảm với mọi người thì thương hiệu cá nhân sẽ là bước đệm cao hơn, giúp người hành nghề luật lan tỏa những giá trị hình ảnh đã xây dựng, tạo sức ảnh hưởng và là nền tảng cho việc phát triển thương hiệu cá nhân.

Dựa vào các yếu tố góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân đã được nêu trong mục 1, các kỹ năng chung mà bất kỳ người hành nghề luật nào cũng cần có để xây dựng thương hiệu và phát triển hình ảnh cá nhân bao gồm:

Thứ nhất, tự đào tạo và nâng cao trình độ không ngừng nhằm bồi đắp các giá trị cốt lõi của người hành nghề. Điều đầu tiên trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân của nghề luật là tập trung vào các yếu tố cốt lõi thể hiện giá trị của cá nhân trong nghề nghiệp như đã được đề cập ở mục 1, đó là vững vàng về chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong nghề nghiệp, có các kỹ năng mềm cần thiết và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực. Các yếu tố này có thể được xem xét riêng biệt từ đó tìm kiếm các thành tố cấu thành và cách thức để phát triển nhưng nên xem xét các yếu tố năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và giá trị đạo đức nghề nghiệp trong một chỉnh thể thống nhất không tách rời để rèn giũa, bồi đắp nhằm tạo dựng nền tảng cho một hình ảnh cá nhân tốt có giá trị thương hiệu. Quá trình rèn luyện, bồi đắp các giá trị cốt lõi này có thể thực hiện thông qua việc người hành nghề luật (i) chủ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghề nghiệp và kỹ năng mềm; (ii) luôn nỗ lực tự học hỏi và rút kinh nghiệm để hoàn thành công việc với chất lượng, hiệu quả cao hơn; (iii) có trách nhiệm, hành xử đúng đắn trong quá trình hành nghề trên cơ sở tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.

Thứ hai, lan tỏa giá trị của bản thân thông qua việc “trao đi” giá trị cho cộng đồng bằng các hoạt động như tham gia hướng dẫn, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp (nếu có khả năng giảng dạy và cơ hội tham gia); tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện…Việc tham gia các hoạt động này là cơ hội để mỗi người hành nghề tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm ứng xử và các trải nghiệm trong cuộc sống. Đồng thời đây cũng là cơ hội để thể hiện bản thân, được nhiều người biết tới một cách tích cực.

Thứ ba, xây dựng hồ sơ cá nhân và tổ chức của mình chuyên nghiệp để luôn sẵn sàng xuất hiện đầy đủ, chuyên nghiệp nhất khi có sự tìm kiếm của những tổ chức, cá nhân, khách hàng có nhu cầu. Hồ sơ cá nhân chính là bản mô tả về thông tin và giá trị cốt lõi của người hành nghề luật, cho phép người khác có những hình dung, đánh giá về người hành nghề luật ngay cả khi chưa tiếp xúc hay làm việc trực tiếp. Hồ sơ cá nhân cần phản ảnh những giá trị cốt lõi mà người hành nghề đã tạo dựng được, những khả năng của người hành nghề mà đối tác, khách hàng và những người khác quan tâm tìm kiếm. Xây dựng hồ sơ một cách chuyên nghiệp sao cho hấp dẫn, dễ tìm kiếm là một trong những bước quan trọng cho sự lan tỏa giá trị cá nhân đến mọi người.

Như vậy, để xây dựng hình ảnh, thương hiệu trong nghề luật, người hành nghề luật sẽ xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân dựa trên những tiêu chí vừa liệt kê, đồng thời phát triển những giá trị tốt đẹp khác có liên quan để hoàn thiện hơn hình ảnh cá nhân người hành nghề. Việc hoàn thiện hình ảnh cá nhân giúp người hành nghề luật nhận thức rõ hơn được cá giá trị của bản thân, tạo thành giá trị nhận diện của bản thân giữa các cá thể khác trong môi trường nghề nghiệp, cuộc sống. Khi đi đến nội dung này, người hành nghề luật đã hiểu rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh cá nhân cũng như góc nhìn của xã hội về hình ảnh người hành nghề để từ đó có thể sử dụng tốt việc xây dựng hình ảnh như một công cụ để phát triển thương hiệu cá nhân, tránh những hình ảnh gây phản cảm mang tới những phản hồi tiêu cực tác động xấu đến con đường sự nghiệp, phát triển của bản thân trong nghề luật. Có thể trong một số trường hợp nhất định, sự đánh giá phù hợp nhất lại không hoàn toàn dựa vào tất cả các yếu tố trên, tuy nhiên, đây là những tiêu chí cơ bản mà một người xa lạ lựa chọn trao cho người hành nghề luật cơ hội giữa rất nhiều ứng cử viên tiềm năng khác. Biết được điều này, người hành nghề luật sẽ dễ dàng có sự chuẩn bị để xây dựng cho bản thân kế hoạch rõ ràng theo đuổi mục tiêu 03 năm, 05 năm, 10 năm nhằm  đạt được hình ảnh chuyên môn nhất định. Tiếp đến, người hành nghề luật sẽ tiếp cận đến phương pháp, kỹ năng để nắm bắt được các lời khuyên hữu ích trên con đường xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp trong sự nghiệp hành nghề luật. Các phương pháp này xây dựng trên kiến thức, kỹ năng thực tế xảy ra mà người hành nghề luật có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong quá trình làm việc hằng ngày, qua đó sẽ giúp mỗi người hình dung cụ thể hơn những điều cần lưu ý khi xây dựng hình ảnh cá nhân.

2.2. Các phương pháp phát triển thương hiệu cá nhân – Chia sẻ từ nghề Luật sư

2.2.1. Viết và chia sẻ bài viết pháp lý

Không còn nghi ngờ gì khi nói rằng, kỹ năng viết là kỹ năng bắt buộc cũng như là ưu thế của một người hành nghề luật cho dù là trong lĩnh vực đặc thù nào. Trước đây, trước khi máy tính, điện thoại di động, công nghệ thông tin du nhập vào Việt Nam, nhân sự pháp lý đã rèn luyện và thuần thục kỹ năng viết thông qua việc viết báo giấy hoặc viết sách. Tuy nhiên, ở giai đoạn đó, viết báo hay sách bị hạn chế bởi việc, nếu muốn mọi người biết đến những gì người hành nghề luật viết, sản phẩm của người hành nghề luật cần thông qua một kênh trung gian là tòa soạn hay nhà xuất bản nào đó kiểm duyệt và đồng ý đăng tin.

Khi xã hội bắt đầu phát triển hơn, các nền tảng như website báo chí và blog cá nhân ra đời, nhân sự pháp lý bắt đầu mở rộng kênh thông tin truyền tải qua việc viết cho các trang báo mạng hoặc tự tạo lập blog nhân, chia sẻ thông tin trên các nền tảng được thiết kế sẵn hoặc trả phí để nhờ một công ty dịch vụ thiết kế riêng. Các blog phổ biến hiện nay phải kể đến là www.blogspot.comhttp://wordpress.com/. Blog cá nhân có ưu điểm là cho phép người viết có quyền tự do trong việc công khai nội dung của mình đến độc giả, tuy nhiên, để trang cá nhân của người hành nghề luật được nhiều người biết đến, đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức và thời gian cho việc xây dựng hình thức và nội dung, thậm chí phải thông qua đồng thời nhiều kênh thương hiệu cá nhân đã xây dựng khác.

Khi xây dựng một trang blog cá nhân, người hành nghề luật cần lưu ý một số mẹo nhỏ để tối ưu hóa tìm kiếm như thiết lập tên miền của website là tên thật đính kèm với nghề nghệp của chính người hành nghề luật.

Về nội dung, một luật sư khi muốn xây dựng thương hiệu cá nhân trong nghề luật thông qua công cụ viết, cần biết thế mạnh của mình ở đâu, đối tượng mình tác động là ai, và phân khúc thị trường nào mình mong muốn phát triển. Từ đó, người hành nghề luật khoanh vùng lại phạm vi đề tài nội dung mình quan tâm và bắt đầu viết, đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt trong quá trình xây dựng thông qua các chủ đề đã chọn lọc từ đầu. Công việc này đòi hỏi tính bền bỉ lâu dài, hãy đặt mục tiêu một tuần, một tháng để tìm kiếm một đề tài nổi bật trong lĩnh vực mình theo đuổi và bắt đầu viết.

Postit NotesBằng cách viết và chia sẻ bài viết pháp lý, người hành nghề luật có thể: Rèn luyện và nâng cao năng lực viết của bản thân. Nuôi dưỡng thói quen đọc cho các độc giả, nuôi dưỡng cho độc giả sự quan tâm đến nội dung mà mình viết định kỳ. Từ đó,  lượng quan tâm và theo dõi sẽ được tăng lên.

Bắt nhịp cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ số, sách điện tử (ebook) đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người, bởi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng gọn nhẹ, người hành nghề luật có thể tự do lựa chọn cài đặt phần mềm ứng dụng để đọc sách dưới nhiều dạng khác nhau như PDF, Alreader, Kindle,… So về chi phí, sách điện tử (ebook) cũng rẻ hơn so với sách giấy do không tốn chi phí in ấn. Với một cuốn sách giấy thông thường, để phát hành ra công chúng phải đi qua rất nhiều công đoạn mới đến được tay độc giả, quá trình cho đến lúc cuốn sách được ra mắt có thể là hơn nửa năm. Với phương pháp xuất bản điện tử, quá trình từ in ấn đến phân phối đều đã được lược bỏ, sách điện tử đã đạt được ưu thế về tiết kiệm thời gian hơn so với sách báo giấy. Nhờ đó, người hành nghề luật có nhiều sự chủ động hơn so với trước, như tham gia vào quá trình biên tập hoặc thiết kế trang bìa. Song song đó, với sự phát triển của ngành thương mại điện tử, các nhà bán lẻ trực tuyến hiện hoạt động vô cùng bài bản, họ áp dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ phân phối sách nhanh hơn, mà không cần tính đến bài toán rủi ro về hàng tồn kho. Nhờ nền tảng thương mại điện tử và sách điện tử này, độc giả cũng chỉ cần không tới 05 phút để có trong tay ấn phẩm mang thương hiệu của người hành nghề luật. Bởi tốc độ xuất bản cũng như tính tiện dụng, và đặc biệt là chi phí, độc giả sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các tác phẩm hơn, như vậy cũng đồng nghĩa với việc số lượng độc giả và người theo dõi cũng tăng dần. Dù rằng, sách điện tử ebook mang đến nhiều tiện ích như vậy, văn hóa đọc sách giấy vẫn có giá trị riêng thu hút một bộ phận lớn độc giả, việc soạn thảo và in thành cuốn để bán trên thị trường trong thời đại ngày nay vẫn được áp dụng phổ biến và không thể bị thay thế hoàn toàn bằng phương tiện khác. Vì vậy, người hành nghề luật cần nghiên cứu phát triển song song cả hai công cụ này, nếu có ý định xuất bản một bài báo hoặc một cuốn sách trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

Viết một bài viết pháp lý về chủ đề anh (chị) quan tâm và chia sẻ trên trang cá nhân Facebook. Tổng kết lượng người tương tác, bình luận và các ý kiến bình luận (comment) liên quan.

2.2.2.    Tham gia đào tạo trực tuyến

Sự phát triển của công nghệ thông thông tin đem đến cho con người nhiều ứng dụng tiện ích. Trong đó, đào tạo trực tuyến (đào tạo online) đã trở thành một công cụ hữu ích nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. So với hình thức viết, người nhận tiếp nhận thông tin thông qua chữ viết và hình ảnh minh họa mang tính bị động thì cùng với một nội dung được chuyển từ sách báo sang video, người nhận sẽ tiếp thu hiệu quả hơn qua các chuyển động, âm thanh, công cụ slide của hình thức đào tạo trực tuyến. Nếu công cụ sách báo, hình ảnh cá nhân của người hành nghề luật có thể xuất hiện ở một vị trí nhỏ cố định hoặc không xuất hiện, thì với video, hình ảnh thật và cả giọng nói của người hành nghề luật được đảm bảo xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối, đây là một điểm cộng rất lớn, mang đến hiệu quả tương tác giao tiếp cao cho người hành nghề luật và đối tượng mà người hành nghề luật đang hướng đến.

Để thực hiện đào tạo trực tuyến người hành nghề luật có thể thực hiện bằng hai cách.

Thứ nhất, bằng cách thông qua mạng xã hội như Facebook, hay trên nền tảng Youtube, người hành nghề luật hoàn toàn có thể tự mình tạo ra một video cá nhân để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho cộng đồng.

Thứ hai, người hành nghề luật có thể hợp tác với một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục trực tuyến để cung cấp cho thị trường một sản phẩm giáo dục bằng video có tính phí.

Trên cả hai nền tảng trên, người dùng có thể tiếp cận sản phẩm người hành nghề luật tạo ra thông qua điện thoại thông minh, máy tính xách tay khi tìm hiểu về kiến thức trong lĩnh vực người hành nghề luật chia sẻ ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi người hành nghề luật không chủ động tiếp cận họ.

Postit NotesKhi đào tạo trực tuyến, người hành nghề luật cần chọn cho mình một nội dung phù hợp với định hướng của thương hiệu cá nhân lâu dài mà người hành nghề luật đã chọn. Ví dụ: Luật sư tư vấn định hướng phát triển trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, hãy tạo ra một video chia sẻ về các vấn đề pháp lý xoay quanh chủ đề này.

Trang phục, bối cảnh xung quanh, nhất là khi người hành nghề luật tự chia sẻ video trên mạng xã hội cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp tránh thể hiện sự cẩu thả, bừa bộn hoặc có người khác xen vào khi người hành nghề luật đang chia sẻ.

2.2.3. Tổ chức chia sẻ (coffee talk) tại văn phòng công ty luật, diễn thuyết hoặc chia sẻ ở các câu lạc bộ nhân sự

“Coffee talk”- là một hình thức của một buổi giao lưu giữa những người đóng vai trò là điều phối viên, diễn giả (nói chính) và số lượng người nghe nhất định. Hình thức nàytương tự như một buổi diễn thuyết, tuy nhiên mang tính chất thân mật, gần gũi hơn khi tổ chức tại một khuôn viên nhỏ, được bố trí chuyên nghiệp, với các thông tin trên poster (ấn phẩm), flyer (tờ gấp) thiết kế đẹp và có chuẩn bị tiệc nhẹ cho người tham dự. So với một buổi diễn thuyết thông thường, khi người chủ trì đứng ở vị trí trung tâm trình bày xuyên suốt buổi nói chuyện, khả năng tương tác với người nghe khá hạn chế thì với hình thức Coffee Talk, độ tương tác, kết nối giữa người nói và tất cả người nghe được gia tăng thông qua việc tham dự các hoạt động làm việc nhóm (team-work) nhỏ trong quá trình tham gia hoặc buổi tự do nói chuyện giữa mọi người các buổi tiệc nhẹ giải lao.

Thông thường, với lĩnh vực pháp lý, Coffee Talk thường được tổ chức chính tại trụ sở Văn phòng Luật sư, Công ty luật hoặc không gian khác được chuẩn bị trước phù hợp với sự kiện của doanh nghiệp. Diễn giả được mời đến là những chuyên gia pháp lý có uy tín trong nghề trình bày một chủ đề cụ thể nào đó, chủ đề này có thể là những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành nghề kinh doanh hay bộ phận chuyên môn của doanh nghiệp như thuế, tài chính… hoặc những vấn đề nóng của xã hội tại thời điểm đó. Qua đó, người tham gia có thể được nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như giao lưu kết nối. Bên cạnh đó, thông qua các buổi Coffee Talk, các diễn giả hoặc chính doanh nghiệp cũng có thể thực hiện những chiến dịch marketing cho thương hiệu. Phương thức này hiện nay hầu như chỉ được áp dụng ở nghề Luật sư bởi tính thương mại hóa, cũng như linh hoạt trong thời gian hoạt động nghề nghiệp. “Coffee Talk” được tổ chức khá bài bản từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc và hình thức này đã tạo tiền đề để các hình thức truyền thống khác đang dần tiếp nhận thay đổi theo.

Nếu người hành nghề luật muốn tổ chức một chương trình của riêng mình trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân, ở giai đoạn chuẩn bị, nếu không có được các kỹ năng tin học cơ bản hoặc một đội ngũ hỗ trợ, người hành nghề luật nên thuê một đơn vị bên ngoài để thực hiện các công việc liên quan đến thiết kế, marketing, bao gồm: Thiết kế banner, flyer (trực tuyến, ngoại tuyến), video. Ngoài các phương pháp truyền thống, như gửi thư mời trực tiếp, điện thoại, tin nhắn SMS, email, người hành nghề luật đừng quên sử dụng các nền tảng xã hội đã xây dựng như website cá nhân, các trang mạng xã hội để truyền thông đến mọi người. Ngoài website cá nhân, ứng dụng Mobile Marketing (quảng cáo trên thiết bị di động) hỗ trợ tạo thủ tục trực tuyến thông qua việc yêu cầu người dùng đăng ký tham dự cũng sẽ giúp người hành nghề luật thu thập được một lượng dữ liệu khách hàng, đối tác tiềm năng. Qua đó, người hành nghề luật hoàn toàn có thể chủ động thông tin đến họ mọi lúc, mọi nơi cho các lần tổ chức tiếp theo. Việc sáng tạo nội dung marketing (quảng cáo) cho chương trình thật hấp dẫn đi kèm với hình ảnh đẹp chuyên nghiệp, cùng các lợi ích khi tham dự chương trình sẽ thu hút một lượng đối tác, khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực người hành nghề luật theo đuổi tham dự vào chương trình.

Ở giai đoạn tham gia, nội dung chương trình người hành nghề luật xây dựng cần nhất quán, trung thành với mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân, đồng thời các chủ đề chia sẻ phải sáng tạo, đủ hấp dẫn người nghe cũng như người hành nghề luật cần lên kế hoạch định kỳ tổ chức liên tục, có hệ thống logic giữa các đợt, để mọi người có thời gian đủ lâu ghi nhớ người chia sẻ là ai. Thông thường chủ đề của các buổi nói chuyện là các chủ đề “hot” mang tính cộng đồng hoặc chuyên sâu ở một lĩnh vực chưa quá phổ biến, vì đây là yếu tố để kích thích những người tham gia được học hỏi, trao đổi, nâng cao kiến thức ngoài việc thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Khi kết thúc chương trình, thông thường, với việc thu thập dữ liệu người tham dự, người hành nghề luật có thể liên hệ ngay sau đó để gửi lời cám ơn đến người tham dự thông qua một email hay tin nhắn SMS kèm theo tài liệu liên quan như một món quà. Điều này giúp lưu lại cảm xúc tích cực của người tham dự về người hành nghề luật và chương trình do người hành nghề luật tổ chức.

Anh (chị) hãy đánh giá ưu điểm, hạn chế của việc phát triển thương hiệu cá nhân thông qua  hoạt động giảng dạy trực tuyến?

Trong giai đoạn mới xây dựng thương hiệu cá nhân, nếu chưa đủ tự tin để tham gia tổ chức hoặc là người chia sẻ chính của một chủ đề nào đó, người hành nghề luật có thể tham gia với vai trò người nghe, tranh thủ giao lưu kết nối để mở rộng mạng lưới mối quan hệ của mình.

2.2.4. Trả lời phỏng vấn/giải đáp pháp luật trên truyền hình/truyền thanh

Khi xây dựng thương hiệu cá nhân đủ lớn hoặc đã xây dựng cho mình một mức độ uy tín nhất định trong cộng đồng, người hành nghề luật sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở phạm vi xa hơn, đó là hướng tới công chúng.

Nếu có cơ hội tham gia ghi hình về một chủ đề pháp luật trên truyền hình, người hành nghề luật cần nhanh tay nắm bắt cơ hội này. Khi thực hiện, đầu tiên cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc xây dựng hình ảnh cá nhân, bởi công việc này buộc người hành nghề luật phải xuất hiện hình ảnh trước công chúng. Ngoài các yếu tố về trang phục, ngoại hình, một số người hành nghề luật cũng gặp vấn đề trong kỹ năng trình bày trước máy quay.

Dù là những người chuyên nghiệp, lão luyện nhưng cũng có vài trường hợp khi đứng trước ống quay, ánh đèn trường quay, máy móc, khán giả… lại mang tâm lý hồi hộp, thậm chí là lo sợ.

Để tránh các lỗi gặp phải, người hành nghề luật cần có sự rèn luyện về kỹ năng giao tiếp và trình bày trong một thời gian dài, hãy hình dung đơn giản, đây chỉ là những buổi trò chuyện bình thường, như một buổi giải đáp pháp luật cho người quen, đồng nghiệp hay là hoạt động tư vấn khách hàng thường xuyên; luôn giữ cho mình phong thái của một người đang phỏng vấn, giữ sự niềm nở, sự thoải mái, đôi khi là chèn thêm vài câu nói đùa phù hợp để tăng độ lôi cuốn, tránh sự nhàm chán, khô khan của pháp luật và thể hiện được sự hoạt ngôn trong kỹ năng giao tiếp cá nhân. Đồng thời, người hành nghề luật có thể liên hệ với ban tổ chức về chương trình để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung bởi tính chất nghề nghiệp pháp lý đòi hỏi nội dung chia sẻ phải chính xác, chuẩn mực. Hãy thử hình dung là một Luật sư, khi lên sóng truyền hình lại nói sai về kiến thức chuyên môn, sai về ngôn ngữ tiếng Việt với một số lượng lớn người nghe là công chúng, bao gồm cả các chuyên gia trong nghề. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến danh tiếng, sự nghiệp, phá vỡ mục đích ban đầu là phát triển thương hiệu cá nhân của Luật sư. Do đó, khi chia sẻ trước công chúng, người hành nghề luật phải thật sự bản lĩnh, đủ vững chuyên môn, kiến thức, sự hiểu biết, chí ít là đối với chủ đề sẽ trình bày.

Xem lại một chương trình giải đáp pháp luật trên truyền hình và đưa ra nhận xét, đánh giá của anh chị về phần trả lời của Luật sư?

2.2.5. Đăng ký, tham gia tranh hạng trên các tạp chí chuyên ngành luật (Asialaw, Legal500…) và đăng ký trang vàng (yellow pages)

Tiếp theo, cũng là ở giai đoạn mà người hành nghề luật đã đạt đến độ chín của nghề và xây dựng thương hiệu cá nhân thành công nhất định, việc tham gia tranh hạng trên các tạp chí chuyên ngành luật như Legal 500, Asialaw, chambers and partners, yellow pages … sẽ là một bước đệm cho sự nghiệp của người hành nghề luật. Legal 500, Asialaw hay Chambers and Partners là các các tổ chức lớn có uy tín có chức năng đánh giá, xếp hàng các Luật sư, công ty luật của các quốc gia thành viên dựa trên những tiêu chí về chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng. Đánh giá của các tổ chức này sẽ góp phần tác động đến việc khách hàng quyết định lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ pháp lý nào là phù hợp nhất với nhu cầu giải quyết tranh chấp vụ việc hay hoạt động kinh doanh của mình. Chúng ta vẫn thường thấy những cái tên quen thuộc trên các bảng xếp hạng trên theo từng năm và đều là những Luật sư hàng đầu ở một lĩnh vực nào đó, họ có thể đang công tác hoặc là chủ của một công ty, văn phòng Luật sư riêng. Mỗi giai đoạn, mỗi vị trí sẽ có những lựa chọn khác nhau cho việc xây dựng thương hiệu phù hợp. Bởi như phân tích, việc tham gia tranh hạng mang tính chất bổ trợ cho quá trình phát triển thương hiệu cá nhân khi bản thân cá nhân đó đã có sẵn một giá trị thương hiệu đủ lớn. Đặc thù của công cụ này cũng phụ thuộc vào nơi hành nghề của Luật sư, cụ thể đó là Luật sư hành nghề với tư cách là một partner (tạm dịch là “Luật sư thành viên”) và Luật sư nội bộ (vị trí cao nhất là trưởng phòng pháp chế).

Có thể thấy, tùy vào mỗi giai đoạn, mỗi công cụ khác nhau sẽ giúp người hành nghề luật xây dựng hình ảnh cá nhân theo một cách khác nhau. Dù vậy, đây cũng được xem là phương tiện mới trong thời đại ngày nay để nâng cao tầm vóc của những người hành nghề luật theo những khuôn khổ và điều kiện nhất định, đồng thời, tạo động lực cho chính người hành nghề luật phát triển trong nghề.

2.2.6. Tạo lập hồ sơ cá nhân riêng biệt

Đối với mỗi cá nhân, việc tạo dựng một hồ sơ cá nhân theo các tiêu chuẩn nhất định có thể tạo ấn tượng tốt về mức độ chuyên nghiệp của cá nhân. Thông thường, hồ sơ cá nhân có thể là một bộ hồ sơ cung cấp một cách ngắn gọn, rõ ràng và hiệu quả nhất về thông tin hoặc năng lực của cá nhân cũng như mức độ phù hợp của người đó với công việc hoặc dự án sắp tham gia. Hiện nay, hồ sơ cá nhân không còn dừng lại dưới dạng một bộ hồ sơ ứng tuyển (CV – curriculum vitae) hay Sơ yếu lý lịch (Resume) mà đã được mở rộng và ứng dụng cao hơn. Trước tiên, nội dung của một hồ sơ cơ bản nhất cần có đủ các thông tin như: – Họ tên, ngày sinh, thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại, email); – Thông tin học vấn (Bằng cấp – Tên trường – Thời gian học); – Thông tin kỹ năng; – Kinh nghiệm; – Thành tựu; – Người giới thiệu. Ngoài ra, hồ sơ các nhân có thể ghi nhận thêm các thông tin khác như sở thích (âm nhạc, thể thao…).

Trên thực tế, người hành nghề luật có thể tạo hồ sơ cá nhân theo các hình thức cơ bản như sau:

a) Hình thức truyền thống

Khi tham gia thị trường lao động, việc đầu tiên và quan trọng nhất, chính là người hành nghề luật tự chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ, chỉn chu và chuyên nghiệp từ hình thức đến nội dung. Công việc này thường được thực hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau, có thể từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, đã đi làm và bắt đầu xin việc khi thay đổi nơi làm việc.

Sự khác biệt nằm ở chỗ: tư duy ngắn hạn và dài hạn. Nếu là một sinh viên, việc tạo một hồ sơ đơn giản là để phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm công việc, đối tượng tác động hướng đến sẽ là nhà tuyển dụng – nhưng khi cá nhân theo đuổi một nghề nghiệp dài hạn, một hồ sơ đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn, vì đối tượng mà người hành nghề luật hướng tới không chỉ dừng lại ở nhà tuyển dụng, mà còn là khách hàng, đối tác và công chúng trong tương lai xa. Thêm vào đó, cách người hành nghề luật tạo ra “cá nhân” trong hồ sơ không chỉ là thông tin của cá nhân ngay thời điểm đó, mà còn phải khéo léo gửi gắm hình ảnh mà người hành nghề luật mong muốn theo đuổi và tiềm năng phát triển của mình trong tương lai, thông qua các tiểu mục như quan điểm, mục tiêu nghề nghiệp… Trong một số trường hợp khi gia nhập vào một doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp hoặc cũng có thể chính người hành nghề luật tạo ra doanh nghiệp của mình, việc tạo hồ sơ cá nhân cũng có thể là công việc bắt buộc để khách hàng, đối tác liên quan thông qua đó đánh giá doanh nghiệp.

Nhìn chung, hồ sơ cá nhân phải đảm bảo tính trung thực, tránh đánh bóng tên tuổi thông qua các dữ liệu không có thật. Người hành nghề luật cũng cần lưu ý trau chuốt câu từ diễn đạt thông tin về mình, không nên quá ngắn gọn khiến người đọc cảm thấy không mấy thú vị, cũng đừng quá dài dòng, lủng củng làm người đọc cảm thấy quá mệt mỏi để đọc hết. Trong thời đại ngày nay, không khó để người hành nghề luật có tìm kiếm các biểu mẫu được thiết kế đẹp mắt sẵn có ở các trang web: https://cvmkr.com/; https://www.connectcv.com/; https://crevado.com/ và học các mẹo nhỏ để trình bày hồ sơ cá nhân thu hút tại https://unitrain.edu.vn/?s=CV+Tips hay trên Youtube.

Một bộ hồ sơ cá nhân truyền thống cơ bản sẽ được trình bày dưới hai dạng cơ bản nhất:

– Bản cứng: thường được in ấn trên giấy tốt và đóng thành quyển với kích cỡ A4 – được sử dụng để trao đổi trực tiếp; hoặc

– Bản mềm: được thiết kế đẹp, tạo ra nội dung bằng Microsoft Word hoặc các công cụ thiết kế và sao lưu lại thành định dạng PDF – được sử dụng đa năng hơn trên các công cụ điện tử trực tuyến như email, website, mạng xã hội.

Như vậy, hồ sơ cá nhân truyền thống được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau và đây cũng được xem là hình thức để quảng bá hình ảnh cá nhân, góp phần xây dựng thương hiệu trong quá trình hành nghề luật. Ngoài việc xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân, hồ sơ cá nhân cũng góp phần đem lại sự tự tin, chuyên nghiệp, và gây ấn tượng tốt với khách hàng.

b) Tạo lập hồ sơ cá nhân trên các kênh tuyển dụng trực tuyến

Hiện nay, công tác tuyển dụng cũng như phương tiện để nhân sự tìm kiếm cơ hội việc làm trở nên đơn giản, đa dạng và linh hoạt hơn. Tại các trang web tuyển dụng, để kết nối người tìm việc và nhà tuyển dụng, ngoài việc đính kèm hồ sơ cá nhân (file mềm), đôi khi các chủ trang web yêu cầu người hành nghề luật tạo tài khoản và thiết lập một hồ sơ riêng trên nền tảng của chính họ. Một mặt, họ muốn lưu trữ thông tin của người hành nghề luật trên dữ liệu của họ, vì họ là người kinh doanh dịch vụ việc làm. Mặt khác, vì cá nhân phải nhập thông tin về hồ sơ của mình nhiều lần, vì vậy, hãy lưu ý và cẩn trọng đối với thông tin mình cung cấp. Các thông tin của người hành nghề luật từng lần cần có sự thống nhất và trung thực. Việc tạo hồ sơ trên các trang web tuyển dụng, trao cơ hội để các nhà tuyển dụng lớn tiếp cận với người hành nghề luật dễ dàng hơn.

Trong thời đại số ngày nay, thật thiếu sót khi bỏ qua nền tảng mạng xã hội khi mà tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) của người dân ngày càng tăng. Chức năng tạo dựng hồ sơ trên các nền tảng này, cũng như các nền tảng truyền thống khác, là một bản giới thiệu ngắn gọn các thông tin về cá nhân (hình ảnh, họ tên, trường lớp cá nhân theo học, sở thích, châm ngôn sống…) được nâng cấp linh hoạt hơn để cá nhân có thể chia sẻ trạng thái, câu chuyện và kết nối người hành nghề luật bè có điểm tương đồng với cá nhân..

Khi tạo dụng hồ sơ trên bất kỳ trang mạng xã hội nào cá nhân cũng đều cần lưu ý các nguyên tắc chung sau:

Hình ảnh đại diện: Một tấm hình thật ưng ý nhất và để ảnh đó gắn liền với định vị cá nhân và nghề nghiệp của cá nhân. Màu sắc trang phục cần có sự đầu tư và phù hợp. Một gương mặt tươi cười và một trang phục chuyên nghiệp, với tông màu cơ bản, nhã nhặn (như veston, đầm công sở…) sẽ là lựa chọn tối ưu cho một cá nhân muốn chọn nghề trong khối cơ quan nhà nước hoặc trong ngành luật. Giai đoạn mới bắt đầu xây dựng hồ sơ, người hành nghề luật nên hạn chế thay đổi hình ảnh đại diện quá thường xuyên, vì lúc này người hành nghề luật cũng đang đồng thời xây dựng mạng lưới mối quan hệ và tạo ra cộng đồng của riêng mình, sẽ khá khó khăn để mọi người nhận ra và nhớ đến người hành nghề luật, nếu họ thay đổi hình ảnh đại diện quá thường xuyên.

Bộc lộ sở trường: Nếu người hành nghề luật đang là một người bình thường, hãy bắt đầu với việc đặt mục tiêu “Giỏi nhất trong một cộng đồng, thị trường nhỏ” của trước. Từ đó giới hạn lại phạm vi và đối tượng tiếp cận giúp người hành nghề luật bước đầu nhanh chóng trở thành người dẫn đầu.

Xây dựng hình ảnh và nội dung hấp dẫn: Đó có thể là một câu slogan, châm ngôn mà cá nhân tâm đắc, một câu chuyện trải nghiệm trong nghề, một quan điểm pháp lý để mọi người được tự do chia sẻ, trao đổi. Cũng có thể là một cuốn sách hay được người hành nghề luật giới thiệu, một buổi gặp mặt với cộng đồng hoặc với những nhân vật có sức ảnh hưởng. Để nội dung hồ sơ cá nhân hấp dẫn, người hành nghề luật nên xen lẫn một sở thích hay một thói quen theo hướng tích cực, tránh việc thể hiện quá nhiều cảm xúc cá nhân tiêu cực hay viết mang tính công kích cá nhân, đồng thời tránh thể hiện quan điểm đối với những vấn đề quá nhạy cảm trong xã hội, ví dụ như liên quan đến chính trị, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc …

Quy tắc đăng bài: Không nên đăng bài quá nhiều, kể cả nội dung có hay, cũng sẽ phản tác dụng. Đặc biệt, đối với những người có mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân trong hành nghề luật, tần suất đăng bài quá nhiều có thể “phản tác dụng” khiến mức độ uy tín của người hành nghề luật giảm dần. Mọi người có thể đặt câu hỏi rằng: “Cá nhân này làm sao có đủ thời gian xây dựng một doanh nghiệp tốt hay một sự nghiệp xuất sắc khi có thời gian đăng tải quá nhiều thông tin mà chưa chắc có ai đọc hay không?”. Thêm vào đó, việc đăng tải quá nhiều thông tin sẽ khiến giao diện của người hành nghề luật bị loãng, nội dung chính xen kẽ với nội dung rác không đem lại giá trị.

Học hỏi các hình mẫu thành công tương ứng: Trong giai đoạn đầu, khi người hành nghề luật vẫn chưa biết cần tư liệu gì cho thương hiệu cá nhân, người hành nghề luật có thể nghiên cứu và tham khảo những tiền bối đi trước trong lĩnh vực mà người hành nghề luật theo đuổi, hoặc nếu tốt hơn, người hành nghề luật có thể kết nối với tất cả. Mỗi cá nhân đều là một màu sắc riêng biệt, nhưng nếu cá nhân biết cách “đứng trên vai người khổng lồ”, con đường xây dựng sẽ bớt chông gai hơn, người hành nghề luật sẽ có được những chìa khóa cơ bản nhất để làm nền tảng sáng tạo ra thương hiệu cá nhân riêng biệt của mình, vì như đã phân tích, đích đến cuối cùng vẫn là để mọi người nhớ đến người hành nghề luật là ai, chứ không phải là bản sao của ai đó.

(i) Facebook

Facebook hiện được xem là trang mạng xã hội phổ biến nhất, giúp kết nối nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời mang đến nhiều tác động tích cực cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân trong nghề luật. Với Facebook, người hành nghề luật có thể chia sẻ các vấn đề pháp lý mới mẻ, vấn đề nóng trong xã hội, các câu chuyện nghề luật hay những trải nghiệm của chính mình về nghề, người hành nghề luật có thể đăng dưới hình thức hình ảnh hay video đính kèm thông điệp cụ thể để kết nối với người hành nghề luật bè, đồng thời gợi ý cho người hành nghề luật những người người hành nghề luật tương đồng. Tuy nhiên, người hành nghề luật hoàn toàn không kiểm soát được ai sẽ là người vô tình tìm ra và đang “quan sát” mình hằng ngày. Do đó, người hành nghề luật cần cẩn trọng nếu không muốn hình ảnh hay phát ngôn của mình đâu đó vô tình bị hiểu và lạm dụng theo hướng sai lệch. Khi đã bắt tay nghiêm túc vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân, hãy bắt đầu suy nghĩ trước khi hành động, kiểm soát cảm xúc và quản trị tốt các kênh thông tin mà mình đã công khai.

Bên cạnh đó, người hành nghề luật có thể tạo Fanpage riêng để bán hàng, xây dựng dự án, hoặc thu thập khách hàng, đối tượng mình cần nghiên cứu. Việc tạo Fanpage sẽ giúp người hành nghề luật cô đọng và tập trung chủ đề cũng như các đối tượng của người hành nghề luật hơn cũng như gia tăng xác suất tìm kiếm hơn so với khi đăng tải trên một trang cá nhân. Thêm vào đó, Fanpage chức năng tương tự một website hay blog cá nhân, tuy nhiên, nền tảng Fanpage của Facebook hoạt động phổ biến trên đa số các công cụ: điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay, vì vậy, tỷ lệ người đọc tiếp cận và tương tác với Fanpage sẽ cao hơn website và blog cá nhân.

(ii) LinkedIn

Trong các trang mạng xã hội mang tính cộng đồng trên thì LinkedIn mang tính chuyên nghiệp hơn cả, bởi vì LinkedIn kết nối những nhân sự có chuyên môn với nhau, phục vụ các doanh nhân, cá nhân chuyên nghiệp với mục đích thương mại rõ ràng, từ đó tạo thành mối quan hệ chuyên nghiệp. Hồ sơ của cá nhân trên LinkedIn tương đương với một bản lý lịch điện tử, nơi thể hiện các tố chất tốt đẹp của bản thân để thu hút sự chú ý từ các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng hoặc dịch vụ “săn đầu người”. Để thu hút nhiều đối tượng hơn trên LinkedIn, người hành nghề luật cần quan tâm đến việc sáng tạo nội dung để có thể nhanh chóng tăng uy tín nghề nghiệp và giúp họ xây dựng mối quan hệ với các nguồn giới thiệu và khách hàng tiềm năng. Dưới đây là các lý do tại sao cá nhân nên tạo tài khoản và sáng tạo nội dung trên LinkedIn:

Hướng đến các đối tượng mục tiêu: nền tảng xuất bản LinkedIn được thiết lập để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy các bài viết liên quan đến lợi ích nghề nghiệp của họ. Khi người hành nghề luật đăng tải các liên kết đến nội dung pháp lý của người hành nghề luật trên các nền tảng truyền thông xã hội khác, người hành nghề luật có rất ít quyền kiểm soát đối với những người theo dõi, truy cập; nhưng với LinkedIn thì khác, người hành nghề luật có thể biết rõ người đọc của người hành nghề luật là ai, tiềm năng như thế nào.

Giá trị tăng lượt tìm kiếm (SEO) lớn: nền tảng LinkedIn đã được xếp hạng cao trong các từ khóa tìm kiếm của Google, nhờ đó, nền tảng này giúp hồ sơ và nội dung của người hành nghề luật dễ dàng hiển thị hơn trong kết quả tìm kiếm. Do LinkedIn có thẩm quyền trang web cao, đối với hầu hết các Luật sư, bài viết của họ sẽ được xếp hạng cao hơn trên tìm kiếm của Google khi được xuất bản trên LinkedIn so với blog riêng của tác giả. Ngoài ra, xuất bản trên nhiều nền tảng sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của người hành nghề luật. Điều này có thể mang lại nhiều khách truy cập vào trang web của người hành nghề luật hoặc dẫn đến các liên kết trở lại nội dung của người hành nghề luật.

Nền tảng có hệ thống phân tích tích hợp: nền tảng LinkedIn thiết lập hệ thống phân tích tích hợp, hỗ trợ hiển thị cho người hành nghề luật các số liệu liên quan đến thông tin dữ liệu của bài đăng. Là một Luật sư, Công chứng viên hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, nếu người hành nghề luật đã đầu tư vào đây như một kênh chăm sóc các khách hàng, đối tác tiềm năng, thì sẽ rất hữu ích khi người hành nghề luật sử dụng các công cụ phân tích miễn phí LinkedIn để xem nội dung nào đang mang lại hiệu ứng tốt với đối tượng mục tiêu mà người hành nghề luật hướng đến. Việc tạo nội dung trên nền tảng LinkedIn có thể giúp củng cố sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân đang xây dựng trong nghề luật, nơi đây tạo cơ hội để người hành nghề luật phát triển uy tín, mở rộng phạm vi tiếp cận nội dung và thu hút thêm lưu lượng truy cập từ các đối tượng mục tiêu.

2.2.7. Sử dụng các phần mềm, kỹ năng tin học để tối đa hóa lượt xuất hiện, tìm kiếm

Internet đã trở thành một kho dữ liệu khổng lồ chứa đựng mọi thông tin cần thiết của bất kỳ người nào truy cập. Ngày nay, hầu hết những người truy cập vào các kết quả tìm kiếm trên Internet đều chỉ click vào những kết quả đầu tiên xuất hiện trên trang đầu tiên. Để thực hiện được việc đó là nhờ vào công cụ SEO (Search engine optimization) hay Tối đa hóa công cụ tìm kiếm là thuật ngữ chuyên về marketing nói về quy trình tăng lượng truy cập website của người dùng bằng cách tăng khả năng hiện thị của webpage trên các hệ thông tra cứu dữ liệu như Google, Bing, Yandex, Cốc Cốc…Công cụ SEO giúp gia tăng kết quả tìm kiếm miễn phí, áp dụng cho mọi loại tra cứu như hình ảnh, video, nội dung, kết quả theo lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Bằng việc nghiên cứu học hỏi về cách thức hoạt động của SEO, người hành nghề luật có thể ứng dụng để phát triển thứ hạng tìm kiếm trên trang kết quả của Google, Facebook hay LinkedIn từ đó gia tăng lượng truy cập của khách hàng hay đối tác tiếp cận các nền tảng của người hành nghề luật mỗi ngày.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, việc sử dụng công cụ SEO vào các nền tảng mảng xã hội sẽ giúp phát triển mức độ nhận diện thương hiệu cá nhân của người hành nghề luật. Một trong những cách SEO đơn giản nhất hiện nay là SEO từ khóa, cách thức này thường được áp dụng ở các bài viết tư vấn pháp luật ở các công ty luật nhưng hoàn toàn có thể áp dụng đối với các bài viết của các cá nhân là Luật sư. Cụ thể:

– Việc đầu tiên cần làm trước khi bắt tay vào thực hiện SEO là nghiên cứu từ khóa, người hành nghề luật cần tìm ra bộ từ khóa liên quan đến lĩnh vực người hành nghề luật quan tâm theo đuổi cần SEO để hỗ trợ cho chiến lược xây dựng nội dung về sau, ví dụ như mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân của người hành nghề luật là Luật sư Lao động, vậy từ khóa tìm kiếm liên quan sẽ là “Lao động” “Việc làm” “Tiền lương”…;

– Sau khi thu thập được một lượng từ khóa nhất định, người hành nghề luật hãy bắt tay vào xây dựng nội dung thu hút với những từ khóa đã chọn, nội dung cần đảm bảo độ dài và có chất lượng, song song với việc phải phù hợp với ý định tìm kiếm của người hành nghề luật. Để nắm các thông tin này, người hành nghề luật cần tự trả lời câu hỏi:

+ Đối tượng tìm kiếm thông tin của mình đang tìm kiếm thông tin loại nào?

+ Tại sao các trang web tương tự có thứ hạng cao?

Thông qua việc trả lời các câu hỏi này, người hành nghề luật sẽ có thêm thông tin về các đối thủ cạnh tranh, hiểu được mong của các đối tượng người hành nghề luật cần tác động và có thêm tư liệu để soạn được một nội dung tối ưu nhất.

– Tối ưu hóa tiêu đề và đường dẫn URL: Mỗi bài viết đều phải đặt tiêu đề lên đầu một cách ngắn gọn, rõ ràng và đảm bảo đường dẫn đến bài viết được được điều chỉnh để giúp các ứng dụng tìm kiếm và người tiếp cận dễ nhận ra.

– Người hành nghề luật hãy không ngừng sáng tạo nội dung và duy trì thực hiện việc này một cách định kỳ thường xuyên.

– Một phương thức gia tăng lượt truy cập, tìm kiếm khác được biết đến đó là Google AdWords (Google Ads)[3], đây là một loại hình dịch vụ quảng cáo của Google, theo đó, khách hàng có tài khoản Google có thể liên hệ để mua quảng cáo nhằm gia tăng kết quả tìm kiếm tại trang web tìm kiếm này, bằng các hình thức như quảng cáo hiển thị (như các banner quảng cáo đặt tại các vị trí khác nhau trên các website), quảng cáo trên điện thoại di động, quảng cáo video hoặc quảng cáo trên văn bản. Phương thức này thiết lập hệ thống định hướng các đối tượng mục tiêu, từ đó giúp người hành nghề luật tối ưu hóa lượt tìm kiếm, định hướng người dùng có thể nhanh chóng tìm thấy người hành nghề luật khi được tối ưu trên hàng tìm kiếm lượt đầu tiên, qua đó giúp người hành nghề luật kết nối với khách hàng tiềm năng hiệu quả hơn. Google Adwords hiển thị cho người hành nghề luật biết được số lượng truy cập vào thông tin của người hành nghề luật, tỷ lệ “click chuột” vào trang web người hành nghề luật đã tạo. So với SEO, Google Ads là một ứng dụng tốn chi phí, dù vậy chỉ mất khoảng vài phút để lượt tìm kiếm về người hành nghề luật ở vị trí đứng đầu thay vì mất từ sáu tháng đến một năm nếu áp dụng SEO (với điều kiện SEO được đầu tư tốt về nội dung liên tục trong một thời gian dài). Vì tính ứng dụng quy mô và linh hoạt như vậy cũng như phương thức này tốn khá nhiều chi phí để áp dụng so với SEO, vì vậy sẽ phù hợp với các nhân sự hành nghề luật đang hoặc sẽ vận hành và phát triển doanh nghiệp của chính mình.

2.2.8. Phương thức khác

Tham gia góp ý dự thảo văn bản pháp luật cũng là một trong các công cụ hiệu quả để xây dựng thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, công cụ này cũng thường chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, các Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên tại các trường Đại học đào tạo luật bởi việc góp ý, soạn thảo dự thảo văn bản pháp luật thường đòi hỏi dành rất nhiều thời gian và mang tính chất hàn lâm, nghiên cứu. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm hiểu một số các kênh khác có thể tham khảo như: tham gia huấn luyện tại các khóa đào tạo ngắn hạn của các hiệp hội kinh doanh, xã hội nghề nghiệp, tham gia làm tư vấn viên cho những trang mạng nổi tiếng hay trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong một vụ việc nhất định.

Tóm lại, xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân là một nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai, trong bất kỳ xã hội nào bởi vì con người luôn có quyền được sống, được làm việc. Mỗi cá nhân sẽ có ước mơ, khát vọng riêng và, thậm chí có cả con đường riêng, dù ngắn hạn hay dài hạn, để xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân. Vấn đề đặt ra là mỗi người cần lựa chọn phương pháp và cách thức phù hợp với quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để xây dựng thành công hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân.

Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về những phương pháp, cách thức để mỗi cá nhân hành nghề luật xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân. Đặc biệt, nghề luật là một tập hợp nhiều nghề sử dụng thường xuyên kiến thức pháp luật để giải quyết, điều chỉnh một mối quan hệ xã hội nhất định trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, pháp luật chỉ đưa ra các nguyên tắc chung để các cá nhân này sử dụng trong quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân. Trong trường hợp đặc biệt, pháp luật yêu cầu các bên không được thực hiện một số biện pháp không phù hợp để xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân.

Hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân chỉ phát huy được dấu ấn đặc biệt đối với mọi người, nếu mỗi cá nhân có sự tập trung và đầu tư phù hợp với lĩnh vực pháp lý mà mình lựa chọn theo đuổi. Trong bất kỳ trường hợp nào, cá nhân cần luôn tìm tòi, học hỏi, chăm chút để phát triển hơn nữa về kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Một Luật sư tư vấn pháp lý trong lĩnh vực thuế thì phải luôn cập nhập kịp thời tình hình thay đổi nhanh chóng của các văn bản thuế, song song đó có sự tham chiếu đến thực tiễn áp dụng tại từng địa phương. Tuy nhiên, người hành nghề luật không chỉ nỗ lực, chăm chỉ bồi dưỡng chuyên môn mà còn phải thoát khỏi “vùng an toàn” của mình, để nói với thế giới người hành nghề luật là ai. Với việc ý thức kịp thời tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân và nắm bắt các phương pháp xây dựng đúng đắn sẽ vạch ra giúp người hành nghề luật lộ trình phù hợp để từng bước tạo dựng những thành tựu trong tương lai. Từ đó, trao cho người hành nghề luật lợi thế nâng cao giá trị bản thân, tạo dấu ấn và chỗ đứng khác biệt, nổi bật trên thị trường so với các ứng cử viên khác. Cũng hãy ghi nhớ rằng, nghề luật là một nghề nghiệp được xã hội coi trọng, được ưu ái, đồng thời người hành nghề luật chịu sự ràng buộc bởi quy định của các cơ quan, tổ chức nghề nghiệp và chịu sự điều chỉnh bởi các Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Vậy nên, khác với nhân sự của những ngành nghề khác, những người hành nghề luật khi xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân đòi hỏi phải có sự cẩn trọng và tinh tế nhất định.

Đặc biệt, quan trọng nhất, mỗi cá nhân sẽ phải luôn tôn trọng và nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân đẹp và trường tồn, được công nhận của mọi người không nhất thiết phải là vẻ đẹp không tỳ vết, mà phải là nét riêng giúp mỗi người định hình bản thân mình, tự làm khác biệt mình với các cá nhân, tổ chức khác. Trong lĩnh vực pháp luật, cá nhân cần và nên không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức chính trị để không thực hiện các hành vi phạm pháp luật.

Tài liệu tham khảo

  1. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-40-309895.html;
  2. Dawn Graham (Lê Thanh Tuấn dịch) (2019), Xây dựng thương hiệu cá nhân trong thời đại số, Nxb Lao động, Hà Nội;
  3. Brittany Hennessy (Nguyên Linh dịch) (2019), Xây dựng thương hiệu cá nhân trong kỷ nguyên 4.0, Nxb Lao động;
  4. Cynthia Johnson (Chung Anh dịch) (2019), Platform – Nền Tảng Phát Triển Thương Hiệu Cá Nhân, Nxb Công Thương;
  5. Daniel Kahneman (Hương Lan, Xuân Thanh dịch) (2019), Tư duy nhanh và chậm, Nxb Thế giới, Hà Nội;
  6. Adam Khoo (Trần Đăng Khoa, Uông Xuân Vy dịch) (2015), Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Nxb Phụ nữ; Hà Nội;
  7. Lại Thế Luyện (2015), Kỹ năng mềm và thành công của bạn, Nxb Hồng Đức, Hà Nội;
  8. Anthony Robbins (Tri Bookers dịch) (2016), Đánh thức con người phi thường trong bạn, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh;
  9. Yamamoto Hideyuki (An Nhiên dịch), Tạo dựng thương hiệu cá nhân, Nxb Thế Giới, Hà Nội;
  10. https://agent.rever.vn/blog/thuong-hieu-ca-nhan-1;
  11. https://jobsgo.vn/blog/thuong-hieu-ca-nhan-la-gi-lam-the-nao-de-xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan/;
  12. https://www.slideshare.net/tronglt/chuyen-de-thuong-hieu-ca-nhan.

[1]Nguyễn Phan Anh (2019), Xây dựng thương hiệu cá nhân thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-40-309895.html

[2] Một hình thức tập thể dục ở cường độ thấp nhằm tăng cường cơ bắp, cải thiện sức khỏe và tính linh hoạt cho cơ thể

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Google_Ads

kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân luật sư phần 2